Nhiều “nhà” cùng hợp tác, mới dẹp được sách lậu

27/03/2025 - 06:32

PNO - Sách giả, sách lậu hoành hành trong nhiều năm qua là một vấn đề nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến ngành xuất bản mà còn làm tổn hại đến đời sống văn hóa, tinh thần của chúng ta.

Khách chọn mua sách tại đường sách TP Thủ Đức - Ảnh: Diễm Mi
Khách chọn mua sách tại đường sách TP Thủ Đức - Ảnh: Diễm Mi

Sách giả, sách lậu hoành hành trong nhiều năm qua là một vấn đề nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến ngành xuất bản mà còn làm tổn hại đến đời sống văn hóa, tinh thần của chúng ta.

Sách là nguồn tri thức, là phương tiện để kết nối con người với những giá trị văn hóa, lịch sử và nhân văn. Sách giả, sách lậu tràn lan không chỉ làm giảm giá trị của sách thật mà còn đẩy người sáng tạo nội dung, các nhà xuất bản (NXB) và phát hành vào tình cảnh khó khăn. Những người làm sách đã dốc lòng sáng tạo, đầu tư công sức, tài chính nhưng thành quả của họ lại bị cướp đoạt một cách trắng trợn. Điều này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng lớn đến niềm tin của công chúng đối với thị trường sách.

Sách lậu còn có thể làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Chúng ta đang nỗ lực quảng bá hình ảnh một đất nước sáng tạo, văn minh, giàu bản sắc, nhưng nếu không kiểm soát được tình trạng sách giả, sách lậu thì điều này có thể bị xem như một biểu hiện của sự thiếu chuyên nghiệp và thiếu tôn trọng bản quyền.

Việc First News thu thập tư liệu, chứng cứ để lập vi bằng khởi kiện Shopee là cần thiết và rất đáng khích lệ. Điều này cho thấy sự quyết liệt của các đơn vị xuất bản trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và đặt nền móng cho một thị trường sách minh bạch, công bằng. Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm vấn nạn này, cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn từ chính quyền, cộng đồng và các cơ quan quản lý.

Cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng, tích cực hoàn thiện hành lang pháp lý và tăng cường chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm bản quyền. Các mức phạt hiện tại dường như chưa đủ sức răn đe, vì vậy cần mạnh tay hơn, không chỉ xử lý về tài chính mà còn buộc các nền tảng thương mại điện tử chịu trách nhiệm trực tiếp nếu để tình trạng này tiếp diễn.

Sự đồng hành của cộng đồng và các cơ quan truyền thông là yếu tố quan trọng. Cộng đồng cần lên tiếng mạnh mẽ hơn để các sàn, các nền tảng mạng phải có trách nhiệm hơn trong việc kiểm soát các mặt hàng được bán. Người đọc cũng cần nâng cao nhận thức về tác hại của sách giả, sách lậu. Việc mua sách lậu không chỉ gây thiệt hại cho các tác giả và NXB mà còn gián tiếp ủng hộ các hành vi vi phạm pháp luật và làm suy giảm giá trị của văn hóa tri thức. Việc mỗi người đọc chủ động tìm đến các nguồn sách uy tín, chọn mua sách thật từ những nhà phát hành đáng tin cậy sẽ là một bước quan trọng để dần loại bỏ sách lậu.

Các đơn vị kinh doanh cần thể hiện trách nhiệm xã hội của mình thông qua việc chỉ mua và bán các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bản quyền. Các nhà sách, nhà phân phối nên hợp tác chặt chẽ với các NXB để đảm bảo sách đến tay người tiêu dùng là sản phẩm “chính hãng”.

Các sàn thương mại điện tử cần có những chính sách mạnh mẽ hơn trong việc kiểm duyệt và loại bỏ các gian hàng kinh doanh sách lậu. Việc xây dựng các công cụ tự động để phát hiện và ngăn chặn sản phẩm vi phạm bản quyền, cùng với việc hợp tác với các NXB để xác minh nguồn gốc sản phẩm sẽ giúp giảm đáng kể tình trạng này. Các sàn cũng cần chịu trách nhiệm khi để sách lậu xuất hiện trên nền tảng của mình, thậm chí cần bị phạt nặng nếu để tái diễn các vi phạm trên sàn mình.

Ngoài ra, việc hợp tác giữa các NXB, các tổ chức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và các nền tảng thương mại điện tử cũng rất cần thiết. Nếu các bên liên quan phối hợp xây dựng các cơ chế kiểm duyệt chặt chẽ hơn thì tình trạng này sẽ được kiểm soát tốt hơn.

Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Sơn
- Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI