Nhà đầu tư không hợp tác thoái vốn tại Hãng phim truyện Việt Nam

24/03/2023 - 13:56

PNO - Đây là thông tin được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra trong kỳ họp thường kỳ vào sáng 24/3.

 

Những lùm xùm tại Hãng phim truyện Việt Nam kéo dài gần 7 năm qua
Những lùm xùm tại Hãng phim truyện Việt Nam kéo dài gần 7 năm qua

Cụ thể, bà Phan Linh Chi - Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính của Bộ - cho biết, Tổng công ty vận tải thủy Vivaso không hợp tác tích cực. "Đến nay, họ vẫn chưa đưa ra văn bản, tính toán chi phí, tiến hành các thủ tục có liên quan, đề xuất cụ thể về số tiền muốn nhận lại, để hoàn trả cho Nhà nước số cổ phần đã mua của Hãng phim truyện Việt Nam" - bà Linh Chi cho biết.

Bà Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) thông tin, đang nỗ lực tháo gỡ vướng mắc. Trước đó, Bộ có văn bản xin ý kiến của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp về trường hợp này. Theo đó, Bộ VHTTDL không thể đơn phương thu hồi cổ phần đã bán cho Vivaso. Khi công ty này đưa ra con số cụ thể, Bộ VHTTDL sẽ có văn bản gửi 2 Bộ liên quan, để đưa ra lộ trình thu hồi vốn.

Bà Linh Chi cho biết thêm, Bộ VHTTDL từng nhiều lần tìm đối tác chiến lược cho Hãng phim truyện Việt Nam (VFS), nhưng chưa thành công, đặc biệt sau dịch bệnh COVID-19, tình hình càng khó khăn hơn. Năm 2017, Đài Tiếng nói Việt Nam từng gửi văn bản đến Bộ, mong muốn trở thành nhà chiến lược đầu tiên cho VFS, nhưng sau đó xin rút do không đủ năng lực tài chính. 

Về việc cán bộ, nhân viên của hãng phim bị cắt lương, bảo hiểm, bà Phan Linh Chi cho biết do Vivaso chiếm 65% vốn điều lệ nên có khả năng chi phối mạnh. Ngày 22/3, Bộ VHTTDL đã có báo cáo chi tiết trong cuộc họp với Phó thủ tướng Lê Minh Khái, chờ chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ cho việc này.

Trước đó, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã triệu tập cuộc họp với các bộ ngành chức năng tìm phương án cho trụ sở VFS với yêu cầu hoàn thành trước 23/3.

Ngày 15/3, trong dịp kỷ niệm 70 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam, NSND Trà Giang bày tỏ sự đau lòng trước cảnh đổ nát, hoang tàn của xưởng phim từng có 600 nhân sự cùng làm việc, sản xuất hàng chục phim mỗi năm.

Các nghệ sĩ tề tựu tại Hãng phim truyện Việt Nam hôm 15/3 vừa qua
Các nghệ sĩ tề tựu tại Hãng phim truyện Việt Nam dịp kỷ niệm 70 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam

Lùm xùm ở VFS kéo dài 7 năm qua, từ khi VFS thực hiện cổ phần hóa và công ty vận tải thủy Vivaso hoàn tất việc mua lại hãng phim. Chỉ 3 tháng sau, căng thẳng xảy ra khi nhiều nhân viên, nghệ sĩ bị chậm lương, hãng không có định hướng làm phim… Tháng 9/2018, Thanh tra Chính phủ kết luận việc cổ phần hóa VFS có nhiều sai phạm.

Sau đó, Vivaso xin thoái vốn, nhưng đến nay quá trình này chưa hoàn tất. Trong những năm qua, nghệ sĩ và đơn vị này xảy ra nhiều mâu thuẫn về việc bị cắt lương, bảo hiểm xã hội, đến mức nghệ sĩ từng giăng băng rôn chất vấn về việc này. Thanh tra Bộ VHTTDL từng phải vào cuộc hòa giải.

Cuối năm 2022, NSND Nguyễn Thanh Vân - nguyên Phó giám đốc VFS - cho biết, 300 phim lưu trữ tại hãng bị hỏng. Ông mô tả, từ khi cổ phần hóa, VFS là một cái xác không hồn, vì không đủ tư cách pháp nhân. Phòng tài vụ của hãng đã giải tán. Chỉ còn một vài cá nhân làm việc ở phòng hành chính, bảo vệ, chức năng (phụ trách thiết bị) để giữ hãng. Nghệ sĩ rời hãng đi làm nhiều việc khác để đảm bảo cuộc sống, thậm chí có người chuyển nghề, buôn bán online.

Trong cuộc trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM, nhiều nghệ sĩ đã và đang gắn bó với VFS trình bày nhiều mong muốn, nguyện vọng để gỡ khó cho hãng phim. 

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI