Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo triển khai nhanh 3 gói hỗ trợ lãi suất

14/08/2023 - 06:56

PNO - Các gói hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; gói cho vay nhà ở xã hội cho công nhân và hỗ trợ doanh nghiệp ở lĩnh vực lâm sản, thủy sản được Ngân hàng Nhà nước hối thúc triển khai.

Trong văn bản mới nhất gửi các ngân hàng, tổ chức tài chính cuối tuần qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đề nghị các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh giải ngân gói hỗ trợ 40.000 tỉ đồng giảm lãi suất 2% để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; giải ngân gói 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội cho công nhân và gói 15.000 tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp ở lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Đồng thời phải giám sát chặt chẽ chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. 

Hiện lãi suất cho vay tại các ngân hàng đã giảm khá nhiều (ảnh minh họa)
Hiện lãi suất cho vay tại các ngân hàng đã giảm khá nhiều (ảnh minh họa)

Gói hỗ trợ 40.000 tỉ đồng được triển khai vào tháng 5/2022, tuy nhiên kết quả giải ngân rất hạn chế do yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh “có khả năng phục hồi”. Tính đến cuối tháng 5/2023 chỉ mới giải ngân được khoảng 500 tỉ đồng cho khoảng 2.000 khách hàng. Để tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp hiện NHNN đang trình Chính phủ để kiến nghị Quốc hội sửa quy định, bỏ cụm từ doanh nghiệp phải chứng minh được “có khả năng phục hồi”. 
Về gói 120.000 tỉ đồng, theo NHNN thì đến nay đã có 26 dự án tham gia với tổng nhu cầu vốn khoảng 12.800 tỉ đồng. Gói 15.000 tỉ đồng với lãi suất cho vay giảm từ 1 - 2% hiện nay đã có 12 ngân hàng đăng ký tham gia. 

Riêng về chính sách cơ cấu nợ, tính đến cuối tháng 6/2023, đã có trên 18.800 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; tổng dư nợ (gốc, lãi) được cơ cấu giữ nguyên gần 62.500 tỉ đồng.

Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - thời gian qua ngành ngân hàng đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhưng trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc giảm lãi suất không phải là vấn đề cốt lõi để doanh nghiệp vượt qua khó khăn mà cần có sự đồng bộ trong các giải pháp, sự vào cuộc quyết liệt từ phía các bộ, ngành và địa phương. Cần có cơ chế chính sách tăng cường thị trường vốn để giảm áp lực vốn dồn vào ngân hàng; đẩy mạnh đầu tư công, tháo gỡ về thủ tục pháp lý đối với những dự án dở dang, nhà ở xã hội; triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đối với các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp ở địa phương, cần rà soát, đánh giá, bổ sung vốn cho các quỹ để hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp. Với chương trình 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Xây dựng khẩn trương công bố danh sách danh mục những dự án đủ điều kiện thuận lợi để ngân hàng xem xét cho vay. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI