Nên đánh thuế thay vì quyết định cho xuất khẩu gạo hay dừng

06/04/2020 - 07:25

PNO - Việc ngưng xuất khẩu gạo khiến nguồn cung trên thị trường thế giới sụt giảm, giá gạo tăng vọt. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công thương hoàn thiện phương án đề xuất, ký văn bản báo cáo Thủ tướng trước ngày 6/4 về việc có xuất khẩu gạo hay không.

Giá gạo thế giới tăng 

Ngày 28/3, sau khi tham khảo ý kiến từ các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, các doanh nghiệp và hiệp hội, Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng kiểm soát chặt số lượng theo từng tháng, trước mắt là tháng 4, tháng 5/2020 với số lượng khoảng 800.000 tấn. 

giá lúa nhiều nơi ở đồng bằng sông Cửu Long đã giảm 400-700 đồng/kg sau quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo
Giá lúa nhiều nơi ở đồng bằng sông Cửu Long đã giảm 400-700 đồng/kg sau quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo

Tuy nhiên, trong cuộc họp cuối tuần qua, sau khi cân nhắc bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan có ý kiến chính thức bằng văn bản gửi Bộ Công thương trước ngày 5/4 để Bộ trưởng Bộ Công thương hoàn thiện phương án đề xuất, ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 6/4, bảo đảm nguyên tắc đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng gạo trong nước trong mọi tình huống, tuyệt đối không để xảy ra thiếu gạo.

Hiện không chỉ Việt Nam, một số nước như Campuchia, Ấn Độ, Pakistan cũng đã tạm dừng xuất khẩu gạo khiến nguồn cung gạo trên thị trường thế giới sụt giảm, giá gạo giao dịch tăng vọt. Thái Lan, Mỹ đang được hưởng lợi do giá gạo tăng.

Cụ thể, trước khi Việt Nam công bố tạm dừng xuất khẩu gạo (ngày 24/3), giá gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán ở mức 466-470 USD/tấn, gạo 4% tấm của Mỹ có giá 583-587 USD/tấn. Đến cuối tuần qua, giá gạo của Thái Lan đã lên mức 548-552 USD/tấn, tăng bình quân 82 USD/tấn (tương đương gần hai triệu đồng Việt Nam), gạo 4% tấm của Mỹ cũng tăng thêm 45 USD/tấn, lên mức 628-632 USD/tấn.

Giá gạo trong nước lại diễn biến theo chiều ngược lại: hiện giá lúa nhiều nơi ở đồng bằng sông Cửu Long đã giảm 400-700 đồng/kg sau quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo. Một số doanh nghiệp, chuyên gia trong ngành lo ngại ngành gạo nước ta đánh mất cơ hội xuất khẩu được giá như đã từng diễn ra trước đây.

Cụ thể, năm 2008, khi giá gạo xuất khẩu lên 900 USD/tấn (mức cao nhất trong lịch sử ngành gạo thế giới), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ tạm ngưng xuất khẩu để đảm bảo an ninh lương thực trong nước, bất kể hàng loạt quốc gia muốn nhập khẩu gạo từ Việt Nam. Không lâu sau, khi các nước trồng lúa bước vào vụ thu hoạch mới, nguồn cung gạo được bổ sung, giá gạo thế giới giảm, Việt Nam mới cho xuất khẩu trở lại. Ngành gạo nước ta khi đó ước tính đã đánh mất hàng chục ngàn tỷ đồng do ngưng xuất khẩu khi được giá.

Dùng thuế để điều tiết nguồn gạo 

Theo Giáo sư - Tiến sĩ Võ Tòng Xuân - quyền Hiệu trưởng Trường đại học Nam Cần Thơ - nhiều địa phương tại đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch xong vụ đông xuân và gieo trồng ngay vụ mới, chỉ chưa đầy ba tháng tới sẽ lại thu hoạch. Nếu duy trì lượng gạo xuất khẩu như mọi năm (từ 6-7 triệu tấn) thì không lo thiếu gạo trong nước và không cần tạm dừng xuất khẩu gạo lúc này.

Gạo xuất khẩu 3 tháng đầu năm ước đạt 1,7 triệu tấn (tăng 19,9%), giá trị đạt 774 triệu USD (tăng 27,8%). Ảnh  minh họa
Gạo xuất khẩu 3 tháng đầu năm ước đạt 1,7 triệu tấn (tăng 19,9%), giá trị đạt 774 triệu USD (tăng 27,8%). Ảnh minh họa

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - thành viên Liên minh Chính sách nông nghiệp Việt Nam - cho rằng, hiện nay, không nên áp dụng chính sách tạm dừng xuất khẩu gạo hoặc xuất theo quota vì điều này chỉ làm lợi cho một số nhóm lợi ích, đồng thời gây thiệt hại và phân hóa các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, khiến nông dân trồng lúa thiệt thòi vì khó bán gạo. Thay vào đó, nên đánh thuế xuất khẩu gạo. 

Mức thuế sẽ tạo ra sự chênh lệch giá giữa giá gạo trong nước (phục vụ người tiêu dùng và kho dự trữ quốc gia) và giá gạo thế giới (phục vụ doanh nghiệp và Nhà nước có nguồn thu). Chẳng hạn, nếu đánh thuế xuất khẩu gạo là 30% giá bán, khi giá thế giới là 800 USD/tấn, giá trong nước sẽ chỉ là 560 USD. Như vậy, người dân vẫn được hưởng giá gạo tương đối thấp so với giá thế giới, trong khi doanh nghiệp cũng không có động lực xuất khẩu ồ ạt vì họ xuất khẩu thì cũng chỉ thu được 560 USD/tấn, không khác gì bán trong nước mà Nhà nước lại thu được thuế 240 USD/tấn.

Lợi ích lớn nhất của chính sách đánh thuế xuất khẩu gạo là doanh nghiệp xuất khẩu có thể tính được bài toán của họ một cách chủ động (khi đã biết thuế suất). Họ biết rõ khi giá gạo thế giới tăng, họ có quyền xuất khẩu bất cứ lúc nào, với khối lượng tùy ý và nắm rõ mình thu được bao nhiêu. Họ sẽ tính toán xem nên tích trữ chờ đợi hay bán ngay để không bị lỡ các cơ hội và không quá thua thiệt với các đối thủ. 

Theo ông Thành, với cách điều hành thị trường bằng thuế xuất khẩu, sẽ không lo thiếu gạo trong nước, vì khi người dân có nhu cầu gạo tăng lên một chút, giá trong nước sẽ tăng và doanh nghiệp sẽ có động lực bán trong nước thay vì xuất khẩu. Tất nhiên, chính sách này chỉ áp dụng như một tình huống đặc biệt, khi Chính phủ không tự tin với an ninh lương thực trong nước và nhu cầu gạo thế giới tăng nhanh. 

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI