Mong chính sách hỗ trợ đến với doanh nghiệp sớm nhất

09/05/2022 - 06:26

PNO - Doanh nghiệp chưa dám đưa các chính sách hỗ trợ vào kế hoạch kinh doanh do không biết khi nào tiếp cận thành công các gói hỗ trợ.

Tại chương trình Dân hỏi - chính quyền trả lời tháng Năm với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) - chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh” ngày 8/7, ông Lê Trương Hải Hiếu - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM - cho hay qua khảo sát cho thấy dù kinh tế thành phố phục hồi nhanh, có tăng trưởng nhưng đa số DN  đều cho rằng đây là giai đoạn hết sức quan trọng mà họ cần được chính quyền hỗ trợ nhất. Vì khôi phục kinh tế mà không bảo đảm các nguồn lực thì nguy cơ đứt gãy cao. 

Nhiều doanh nghiệp chưa dám đưa các chính sách hỗ trợ vào kế hoạch kinh doanh vì không biết khi nào tiếp cận thành công các gói hỗ trợ. Ảnh: Quốc Ngọc
Nhiều doanh nghiệp chưa dám đưa các chính sách hỗ trợ vào kế hoạch kinh doanh vì không biết khi nào tiếp cận thành công các gói hỗ trợ. Ảnh: Quốc Ngọc

Ông Đào Quốc Cường - Giám đốc Công ty TNHH Juki Việt Nam - cho biết để khôi phục sản xuất, đáp ứng cả đơn hàng cũ giao chưa kịp lẫn đơn hàng mới, công ty cần tuyển 50 lao động phổ thông và 20 lao động kỹ thuật nhưng vẫn chưa tuyển được. Ông đề nghị thành phố có chính sách, giải pháp hỗ trợ cho DN tiếp cận nguồn cung lao động và thông tin về các sàn giao dịch việc làm dễ dàng hơn. Song song đó, ông đề nghị thêm chính sách chăm lo để giữ chân người lao động đến từ các tỉnh.

“Dịch bệnh và vật giá tăng cao tại TPHCM khiến tỷ lệ người lao động nghỉ việc về quê hai năm gần đây tăng cao. Nếu như thôi việc sau tết các năm trước chỉ khoảng 1-1,5%, nhưng năm 2021 và năm nay tỷ lệ đó đã tăng gấp đôi, lên 3-3,5%. Do vậy, cần có những giải pháp để hạn chế xu hướng lao động rời thành phố về quê…”, ông Cường nói.

Theo ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM - từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố đã tổ chức 58 phiên, sàn giao dịch việc làm cả trực tuyến và trực tiếp. Sở cũng tập trung hỗ trợ cả nhóm lao động đang làm việc và nhóm quay trở lại thị trường lao động với việc chi trả thực hiện theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, phát huy vai trò, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động trong việc thực hiện chính sách.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - Phó Giám đốc Sở Công Thương - cho biết để phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu cho người lao động, công nhân thu nhập thấp, thành phố đã chỉ đạo triển khai chương trình “Thực phẩm bình ổn lưu động” tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. 

Ông Phạm Phú Trường - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM - cho rằng các chính sách hỗ trợ DN trong bối cảnh hiện nay là chưa đủ. Thực tế là có một phần không nhỏ DN chưa đưa các chính sách hỗ trợ vào kế hoạch kinh doanh do không biết khi nào có thể tiếp cận, cụ thể là nhóm chính sách về tài chính. “Thành phố có những kế hoạch hay hành động gì để rút ngắn thời gian đưa chính sách đến DN, làm sao để tỷ lệ tiếp cận các gói hỗ trợ thành công của các DN tăng lên?”, ông Trường đạt vấn đề.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, có nhiều chương trình hỗ trợ cho DN nhưng từng chương trình có nội dung hỗ trợ cho từng đối tượng và trường hợp cụ thể theo quy định. Các cách thức và các kênh truyền tải thông tin chưa đa dạng cũng như các nội dung hỗ trợ gồm nhiều lĩnh vực nên khiến DN mất thời gian để tìm hiểu thông tin và thực hiện đầy đủ hồ sơ. Về mặt chủ quan, do các chính sách hỗ trợ thường được triển khai trong thời gian gấp, dù các thủ tục liên quan được cố gắng thực hiện trong thời gian sớm nhất nhưng cũng có độ trễ nhất định trong triển khai do phát sinh các thủ tục mới và cần có sự phối hợp, xác minh từ nhiều đơn vị.

Tính đến tháng 12/2021, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện đã rà soát, phê duyệt và chi hỗ trợ đối với 20.339 thương nhân kinh doanh tại chợ truyền thống đủ điều kiện được hưởng chính sách, với tổng số tiền hỗ trợ cho thương nhân kinh doanh tại chợ hơn 38 tỷ đồng. Có 11/22 địa phương đã hoàn thành 100% việc chi hỗ trợ. Đối với số tiền còn lại các địa phương chưa thực hiện giải ngân được chủ yếu do thương nhân từ chối nhận hỗ trợ hoặc chưa liên hệ được vì có thương nhân đã mất vì COVID-19, đang điều trị bệnh COVID-19 hoặc còn ở tỉnh… 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI