"Mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều có đóng góp quan trọng của công tác tuyên giáo"

30/07/2020 - 13:53

PNO - Sáng 30/7, Thành uỷ TPHCM đã long trọng tổ chức buổi họp mặt kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930-1/8/2020) và 70 năm thành lập Ban Tuyên huấn Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn (11/1949-11/2019).

Niềm tin của nhân dân nhiều phen đứng trước thử thách gay gắt

Trong diễn văn chào mừng buổi họp mặt, ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy - cho biết, hành trình lịch sử 90 năm vẻ vang của Đảng và trưởng thành của ngành Tuyên giáo, cũng chính là chặng đường một lòng một dạ sắt son theo Đảng, đoàn kết, đấu tranh anh dũng, kiên cường, năng động, sáng tạo, đổi mới của cán bộ, Đảng viên, chiến sĩ, đồng chí, đồng bào thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM. Trong đó, có sự đóng góp, hy sinh không nhỏ của đội ngũ cán bộ tuyên huấn - tuyên giáo Thành phố.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM - đọc diễn văn chào mừng họp mặt kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930-1/8/2020) và 70 năm thành lập Ban Tuyên huấn Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn (11/1949-11/2019). Ảnh: Quốc Ngọc
Ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM - đọc diễn văn chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo và 70 năm thành lập Ban Tuyên huấn Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn - Ảnh: Quốc Ngọc

Đi qua mất mát chiến tranh, bước vào công cuộc xây dựng đất nước và đổi mới, vượt lên những khó khăn, đến nay, đại bộ phận đội ngũ cán bộ tuyên giáo đều được đào tạo có hệ thống và trưởng thành trong thực tiễn, không ngừng lớn mạnh cả về chất và lượng. Đây là lực lượng xung kích và đáng tin cậy của Đảng và Nhân dân trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. 

Theo ông Khuê, thuận lợi có nhiều, song thách thức cũng không ít và ngày càng phức tạp, nhiều diễn biến khó lường. Đặc biệt là niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trước những hạn chế trong công tác xây dựng Đảng, công tác quản lý, điều hành và sự phá hoại thâm độc của các thế lực thù địch, làm cho tình hình có lúc, có nơi đứng trước thử thách gay gắt.

Trước yêu cầu ngày càng cao và cấp thiết hơn bao giờ hết đối với chất lượng, hiệu quả công tác tuyên giáo, cũng như trước những thách thức và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, toàn ngành tuyên giáo của Đảng bộ TPHCM phải nỗ lực vươn lên mạnh mẽ hơn.

“Để mãi mãi tự hào tiếp bước, xứng đáng với truyền thống anh hùng, ngành tuyên giáo Thành phố phải làm tốt hơn nữa công tác giáo dục truyền thống, hun đúc lòng yêu nước, giáo dục lý tưởng cách mạng, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước...

Từ thực tiễn xây dựng và phát triển, thành phố tiếp tục cung cấp chất liệu và những luận cứ khoa học cho Trung ương hoàn thiện chủ trương, cơ chế chính sách thúc đẩy đổi mới, phát triển. Đặc biệt quan tâm công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống diễn biến hòa bình, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, ông Khuê khẳng định.

Thế trận lòng dân

Ôn lại những năm tháng công tác tại Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn  - Gia Định (nay là Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM) từ 1965 đến 1980, ông Nguyễn Trọng Xuất - nguyên Phó trưởng ban - kể rằng trong một buổi làm việc, cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, lúc đó là Bí thư Khu ủy, có hỏi: “Theo đồng chí, vấn đề cốt lõi của ngành tuyên huấn là gì”?

- Đó là phải làm tốt các mặt hoạt động chuyên môn trên trận địa chính trị - tư tưởng, cụ thể là phát huy tuyên truyền, hướng dẫn nội dung lãnh đạo dư luận, phát triển báo chí cách mạng, thực hiện vũ trang tuyên truyền để bảo đảm tiếng nói của cách mạng luôn tồn tại trong dân...

Ông Nguyễn Văn Linh nói:

- Rất đúng! Các đồng chí tuyên huấn đã làm rất tốt nghiệp vụ của mình. Nhưng chúng ta cần phải nắm vững vấn đề cốt lõi của tuyên huấn, đó là “dân vận”. Tuyên huấn thực chất là “dân vận”. Vì bởi mục đích của cách mạng là giành được sự đồng thuận, sự ủng hộ kháng chiến trong lòng người dân, dù họ phải sống trong vùng địch tạm chiếm.

Công tác chính trị để giành được lòng dân, theo cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, mang nội hàm chính nghĩa không chỉ quan trọng đối với nhân dân trong nước, mà còn có giá trị thuyết phục rất cao đối với nhân dân tiến bộ các nước trên thế giới, tạo một thế mạnh về chính trị mà địch không có cách gì đối phó được.

Do đó, “giành được lòng dân” chúng ta sẽ từ ưu thế đó chuyển thành sức mạnh tiến công địch trên tất cả các trận địa, nhất là trận địa chính trị - tư tưởng. Đó là chiến lược, đồng thời là nghệ thuật vận dụng “thế trận lòng dân” của Đảng.

Buổi họp mặt kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930-1/8/2020) và 70 năm thành lập Ban Tuyên huấn Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn (11/1949-11/2019) tại Nhà hát TPHCM sáng ngày 30/7.Ảnh: Quốc Ngọc
Các đại biểu tham gia buổi họp mặt chụp hình lưu niệm - Ảnh: Quốc Ngọc

Trong phát biểu chỉ đạo tại buổi họp mặt, ông Trần Lưu Quang - Phó bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM - cho rằng, thực tế lịch sử đã chứng minh, mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều có phần đóng góp quan trọng của công tác tuyên giáo.

Công tác tuyên giáo cũng góp phần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ các thế hệ cán bộ trung kiên, có đức, có tài của Đảng và Nhà nước, để từ đội ngũ này mà giáo dục, giác ngộ, tập hợp, tổ chức, cổ vũ, động viên quần chúng tiến hành các hoạt động cách mạng, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống lại sự tấn công của các lực lượng thù địch và các phần tử cơ hội chính trị, bảo vệ Đảng bảo vệ cách mạng, phát triển phong trào cách mạng của quần chúng.

Với vai trò đi trước mở đường, ông Trần Lưu Quang đề xuất công tác tuyên giáo của Đảng bộ TPHCM cần quan tâm 5 vấn đề trọng tâm.

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu, bảo đảm tính kịp thời, nhạy bén, chú trọng đúng mức nghiên cứu, đề xuất những vấn đề có tính chiến lược trong sự phát triển của thành phố.

“Bám sát đặc thù của TPHCM, đội ngũ làm công tác tuyên giáo phải chú trọng tham mưu kịp thời để xử lý, giải quyết các vấn đề vừa phát sinh, tránh tạo thành các “điểm nóng” về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chú ý yêu cầu “công tác tư tưởng phải đi trước một bước” trong nhiều vấn đề, nhất là các vấn đề có liên quan thiết thực đến đời sống nhân dân”, ông Quang nói.

Thứ hai, ngành tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, bám sát cơ sở xây dựng điển hình tiên tiến trong công tác tuyên giáo của toàn Đảng bộ, làm hạt nhân tạo sự lan tỏa sâu rộng trong tổ chức đảng, trong nhân dân.

Thứ ba, chủ động, kiên quyết phản bác một cách có cơ sở khoa học, có sức thuyết phục đối với những quan điểm sai trái, những luận điệu phản động.

Theo ông Trần Lưu Quang, toàn hệ thống chính trị nói chung và lực lượng làm công tác tuyên giáo nói riêng, cần gắn chặt việc thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” với việc thực hiện các nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, Đảng viên.

Thứ tư, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp có bản lĩnh, tâm huyết với nghề, có tri thức và phương pháp công tác khoa học, công tác có hiệu quả và đạt chất lượng cao.

Thứ năm, tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

“Trong đó, cần chú trọng giới thiệu các thành tựu nổi bật trong nhiệm kỳ vừa qua, các định hướng lớn trong nhiệm kỳ tới, đấu tranh phản bác các ý kiến xuyên tạc liên quan đến đại hội Đảng các cấp. Công tác tuyên giáo phải giới thiệu, lan tỏa tinh thần chung của các đại hội là để phục vụ nhân dân, chăm lo cho nhân dân, vì hạnh phúc của nhân dân”, ông Quang đề nghị.

Quốc Ngọc

 
TIN MỚI