Mặc cảm ngoại hình "ám ảnh" giới trẻ Anh

24/10/2020 - 09:02

PNO - Hội chứng mang tên "Mặc cảm ngoại hình" hiện là một vấn nạn của xã hội với những tác động tiêu cực đến giới trẻ và nhân viên nơi công sở Anh.

“Lướt và xem ảnh người khác đăng trên mạng xã hội thật sự là một trải nghiệm không hề dễ dàng đối với em bởi sau đó, mỗi khi săm soi mình trước gương, em luôn cảm thấy chán ghét bản thân với những khiếm khuyết trên cơ thể của chính mình”, Danny Bowman, 25 tuổi, chia sẻ suy nghĩ tại một cuộc đối thoại giữa thanh niên và cơ quan chính phủ Anh.

Ám ảnh về sự thiếu hoàn hảo của bản thân là một hội chứng phổ biến ở giới trẻ ngày nay - Ảnh: PE Blog
Ám ảnh về sự thiếu hoàn hảo của bản thân là một hội chứng phổ biến ở giới trẻ ngày nay - Ảnh: PE Blog

Danny cho biết, bác sĩ xác định cô đang mắc một hội chứng có tên gọi là “Mặc cảm ngoại hình” (Body dysmorphic disorder). Đây là một trạng thái bệnh lý, trong đó người bệnh luôn trong cảm giác lo âu, thậm chí là sợ hãi với bất kỳ khiếm khuyết nhỏ như sẹo, dị tật... trên cơ thể mình.

Danny là một trong số ít thanh niên mạnh dạn gạt bỏ tự ti để đứng lên đối thoại với các nghị sĩ đang tìm hiểu về vấn đề này thông qua chiến dịch “Không có hình ảnh nào là hoàn hảo”. Sáng kiến này được khởi xướng bởi Ủy ban phụ nữ và sự công bằng thuộc Hạ viện Anh nhằm đề xuất giải pháp cho những tác động tiêu cực do không hài lòng về ngoại hình của bản thân trong giới trẻ hiện nay.

Mạng xã hội và ngành công nghiệp quảng cáo đã và đang có ảnh hưởng đến việc xây dựng hình ảnh bản thân của giới trẻ - Ảnh: nextgenerationvillage
Mạng xã hội và ngành công nghiệp quảng cáo đã và đang có ảnh hưởng đến việc xây dựng hình ảnh bản thân của giới trẻ - Ảnh: nextgenerationvillage

Các quan chức cấp cao của Hạ viện Anh xác nhận rằng, những tác động tiêu cực của việc tự giới hạn bản thân theo một “khuôn mẫu hạn hẹp” có thể là nguyên nhân gây nên các vấn đề về tinh thần như: tự ti mặc cảm, tuyệt vọng, lo âu, chán ăn, ngại giao tiếp, học hành sút kém, không có hướng phấn đấu trong công việc... Nghiêm trọng hơn, đã có nhiều trường hợp lạm dụng thuốc an thần như là một liệu pháp để giúp họ vượt qua hội chứng.

Giới trẻ là đối tượng dễ bị tác động bởi các tiêu chuẩn cho một hình mẫu hoàn hảo mà họ luôn mong muốn được hướng đến - Ảnh: Top Doctors UK
Giới trẻ là đối tượng dễ bị tác động bởi các tiêu chuẩn cho một hình mẫu hoàn hảo mà họ luôn mong muốn được hướng đến - Ảnh: Top Doctors UK

Ngoài ra, vấn đề này không chỉ xảy ra với các đối tượng thanh niên mà còn với các nhóm dễ bị tổn thương khác như: người chuyển giới, người khuyết tật và các nhóm sắc tộc thiểu số.

Theo thống kê ở nước Anh, có 60% nam giới và 50% phụ nữ bị thừa cân hoặc béo phì. Tỷ lệ này được cho là tăng quá cao so với cách đây 40 năm khi so sánh với 7% người trưởng thành mắc bệnh béo phì vào năm 1980.

Những “bé bự” chốn công sở thường bị cảm giác mặc cảm bởi định kiến hoặc cách nhìn tiêu cực từ những người xung quanh như: lười biếng, thiếu kỷ luật, có lối sống buông thả, không tập trung vào công việc, thiếu động cơ phấn đấu...

Nữ nhân viên công sở thường là đối tượng phải chịu những định kiến cho ngoại hình của mình - Ảnh: Adelaide Review
Nữ nhân viên công sở thường là đối tượng phải chịu những định kiến cho ngoại hình của mình - Ảnh: Adelaide Review

Theo báo cáo nghiên cứu “Thái độ của cán bộ tuyển dụng đối với ứng viên béo phì” của một công ty tư vấn lao động ở Anh, có tới 45% nhà tuyển dụng trả lời rằng, họ có xu hướng không nhận người béo phì vào làm việc, hoặc trả lương thấp hơn so với những ứng viên khác.

Cũng theo kết quả nghiên cứu thì những nhân viên béo phì cũng chịu nhiều hình thức phân biệt đối xử khác, trong đó, phụ nữ thường có nguy cơ bị phân biệt đối xử nơi công sở cao hơn 16 lần so với đồng nghiệp béo phì là nam giới.

Nguyễn Thuận (theo Independent, Conversation)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI