Lo lắng COVID-19, nhiều trẻ mắc sốt xuất huyết nặng khi đến bệnh viện

26/08/2020 - 11:01

PNO - Đang mùa mưa, còn được xem là mùa của sốt xuất huyết, bệnh nhi có dấu hiệu tăng so với những tháng trước. Trong đó, một số trẻ được đưa đến bệnh viện khi bệnh đã trở nặng.

 

Bác sĩ Tuấn đang khám cho bệnh nhi bị sốt xuất huyết
Bác sĩ Tuấn đang khám cho bệnh nhi bị sốt xuất huyết

Chần chừ đưa con đến bệnh viện vì lo dịch COVID-19

Mấy ngày trước, K.M.N. (12 tuổi, ở TP.HCM) nóng sốt, người đau nhức, đi tiểu khó, gia đình đến tiệm thuốc Tây gần nhà mua thuốc cho bé uống. Uống thuốc được hai ngày, N. có thuyên giảm nhưng sau đó lại sốt cao hơn nên anh Kim Văn Hoàng (cha của N.) đưa con đến bác sĩ (BS) khám. Bé được chẩn đoán hẹp đường tiểu, nhiễm trùng gây sốt.

Vài ngày sau, N. sốt cao gần 40 độ C, có dấu hiệu co giật, nôn ói, người nhà mới đưa bé đến Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TP.HCM. Tại đây, BS chẩn đoán N. bị sốt xuất huyết (sốt xuất huyết), hẹp đường tiểu phải nhập viện. Ngay sau đó, N. lơ mơ, thở khó, rơi vào sốc sốt xuất huyết, bạch cầu giảm mạnh buộc phải thở ô-xy, truyền máu, bù dịch cấp cứu mới qua cơn nguy kịch.

Theo anh Hoàng, N. bị đau rát khi tiểu đã gần một tuần, nhưng đang dịch COVID-19 nên gia đình ngại đưa con đi khám. “Tôi không nghĩ con trai mình bị sốt xuất huyết, chỉ nghĩ nhiễm trùng tiểu làm cho cháu bị sốt, uống thuốc vài ngày sẽ khỏi nên hạn chế đến BV thì tốt hơn. Bây giờ, cảm thấy hối hận quá, may mà cháu qua khỏi. BS tiếp tục trị hẹp đường tiểu cho cháu”, anh Hoàng nói.

Nhìn con nằm mê man trên giường bệnh, chị Cao Lê Ngọc Dung, mẹ của bé C.T.D. (8 tuổi, ở Q.Bình Tân, TP.HCM) xót xa, nước mắt ngắn dài. Chị không dám rời mắt khỏi con mình, vì bé D. thỉnh thoảng thở hắt, mê sảng do sốc sốt xuất huyết. Theo chị Dung, chiều 20/8, bé D. bị sốt nhẹ nên chị mua thuốc cho bé uống. Sau đó, bé hạ sốt nên chị nghĩ con chỉ sốt thông thường. Đến 5g sáng hôm sau, bé D. bỗng nhiên sốt lại và nóng sốt bừng bừng. Lo ngại COVID-19, chị Dung đưa bé D. đến BS tư khám. BS chẩn đoán bé bị viêm mũi họng và cho thuốc uống.

Tuy nhiên, đến trưa, bé D. vẫn sốt cao không hạ được, tay chân nổi hồng ban. Chị Dung ôm con đến một BV tại Q.5 khám lại. Bé D. được làm xét nghiệm và chẩn đoán sốt xuất huyết ngày 1. BS hướng dẫn cho chị cách theo dõi triệu chứng sốt xuất huyết rồi cho bé về, hẹn ba ngày sau tái khám. “Đến ngày thứ hai, bé D. trở nặng, mệt mỏi, li bì, than đau người nên tôi đưa bé quay lại BV cấp cứu. Lúc này, BS nói tiểu cầu của D. giảm mạnh, bé rơi vào sốc sốt xuất huyết nên được chuyển đến BV Nhi Đồng 1 cấp cứu”, chị Dung chia sẻ. 

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa sốt xuất huyết BV Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết, bé D. được chuyển đến BV trong tình trạng sốt xuất huyết ngày thứ ba trên nền thừa cân, bệnh đã vào giai đoạn nguy hiểm. BS phải cho bé thở ô-xy, truyền dịch… Tuy nhiên, bé sốt xuất huyết đã vào ngày thứ năm tính từ khi bệnh khởi phát, tri giác của bé thay đổi, nguy cơ biến chứng lên não. Các BS đang theo dõi sát các dấu hiệu mới nhất để tránh viêm màng não cho bé.

Không nên lo lắng COVID-19 mà chậm trễ điều trị sốt xuất huyết

Hiện tại, TP.HCM đang vào mùa mưa, còn được xem là mùa của sốt xuất huyết, bệnh nhi đang có dấu hiệu tăng so với những tháng trước, nhất là từ đầu tháng Tám. Khoa sốt xuất huyết đã có 50 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết, trong đó 5 bé bị đưa đến quá trễ, bệnh chuyển biến nặng, rơi vào sốc sốt xuất huyết phải cấp cứu, điều trị tích cực. Ngoài ra, có khoảng 20-30 bệnh nhi bị sốt xuất huyết cảnh báo cần được truyền dịch theo dõi mỗi ngày. Những trường hợp khác được điều trị ngoại trú.

BS Tuấn cho biết: tuy sau khi bị sốt xuất huyết, trẻ có đáp ứng miễn dịch, bảo vệ cơ thể từ 2-3 tháng, nhưng sau đó trẻ vẫn có thể bị tái bệnh. Những lần tái nhiễm sau bệnh có khuynh hướng tăng nặng hơn như sốc sốt xuất huyết, suy các cơ quan khi cha mẹ đưa vào BV thì đã rất nặng, nguy kịch và có thể tử vong. Những nhận định cho rằng trẻ bị sốt xuất huyết rồi sẽ không bị tái nhiễm là hoàn toàn sai. Tại Khoa sốt xuất huyết của BV đã có trường hợp trẻ mắc sốt xuất huyết 2-3 lần chỉ trong thời gian ngắn.

“Hiện tại, TP.HCM vẫn đang phòng, chống COVID-19, nên phụ huynh đừng quá lo lắng mà để con ở nhà khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết. Cả bệnh COVID-19 và sốt xuất huyết đều có dấu hiệu sốt, đau nhức cơ thể, nhưng với sốt xuất huyết bé sẽ bị sốt cao ngay thời điểm khởi phát, kèm theo mệt mỏi, lừ đừ, đa xung huyết; giai đoạn trở nặng thường rơi vào ngày thứ ba đến ngày thứ năm khi bệnh nhân bớt sốt sẽ có dấu hiệu nặng hơn. Lúc này, phải đưa trẻ đến BV ngay lập tức”, BS Tuấn khuyến cáo. 

Theo TS-BS Nguyễn Minh Tuấn, nếu trẻ sốt cao hai ngày không hạ, hoặc từ ngày thứ ba sau khi khởi phát sốt xuất huyết, người lớn phải đưa trẻ đến BV khám mỗi ngày cho đến ngày sốt thứ bảy, chắc chắn trẻ không có dấu hiệu trở nặng, dứt sốt mới có thể yên tâm là trẻ hết bệnh. Lưu ý, bất kỳ trường hợp nào trẻ sốt cao đột ngột từ ngày thứ hai trở đi, có dấu hiệu tăng nặng hay trẻ có bệnh lý nền như suy dinh dưỡng, thừa cân, bệnh mạn tính đi kèm gồm tim mạch, phổi, gan, thận… khi trẻ mắc sốt xuất huyết bệnh sẽ tiến triển nặng hơn, khó điều trị hơn so với trẻ có bệnh thường. Lúc này, cha mẹ phải đưa trẻ đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt, tránh trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI