Ký ức mùa xuân Mậu Thân 1968

06/01/2023 - 14:42

PNO - Ngày 6/1, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TPHCM tổ chức buổi họp mặt truyền thống kỷ niệm 55 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

 

Những nhân chứng sống của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Trong ảnh là nữ chiến sĩ cách mạng Lê Hồng Quân (trái) và Lê Thị Nhân (phải) - - Ảnh: Tam Nguyên
Những nhân chứng sống của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Trong ảnh là nữ chiến sĩ cách mạng Lê Hồng Quân (trái) và Lê Thị Nhân (phải) - Ảnh: Tam Nguyên

Có một ngày không quên

“Cách chỗ tôi đang đứng chỉ ít bước chân, ngay sau cổng sau Dinh Độc Lập - nơi đây đã diễn ra cuộc chiến đấu của 15 chiến sĩ biệt đội 5 Biệt động, 8 trong số 15 người đã nằm lại, các anh mãi mãi không được chứng kiến đất nước thống nhất, hòa bình. Đó là nỗi đau day dứt chưa bao giờ tôi quên, nhất là vào dịp giao thừa khi tết đến xuân về. Tôi vẫn nhớ như in từng gương mặt, tiếng nói, nụ cười những người đồng đội tuổi 19, đôi mươi ngày ấy”, ông Phan Văn Hôn - Chiến đấu viên Đội 5 Biệt động Sài Gòn tham gia trận tấn công Dinh Độc Lập trong Tết Mậu Thân 1968 - xúc động.

ông Phan Văn Hôn - Chiến đấu viên Đội 5 Biệt động Sài Gòn - kể lại những ký ức khó quên trong trận tấn công Dinh Độc Lập trong Tết Mậu Thân 1968 - - Ảnh: Tam Nguyên
Ông Phan Văn Hôn - Chiến đấu viên Đội 5 Biệt động Sài Gòn - kể lại những ký ức khó quên trong trận tấn công Dinh Độc Lập trong Tết Mậu Thân 1968 - Ảnh: Tam Nguyên

Trận đánh lớn ấy được tái hiện qua ký ức sâu đậm của ông trong cuộc hội ngộ nhắc nhớ sau 55 năm, đã được ông thêm một lần khẳng định: “Nếu lịch sử lặp lại, chúng tôi vẫn sẽ quyết định như thế”. 14g ngày 29 Tết, 15 chiến sĩ của Đội 5 Biệt động đã tập trung về nhà số 287/70 Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu). Khoảng 16g, đích thân Cụm trưởng Nguyễn Văn Tăng (còn được gọi là Tư Tăng) thông báo biệt đội sắp vào một trận đánh đặc biệt lớn, đó là "đánh vào mục tiêu dinh tổng thống ngụy, cơ quan đầu não của kẻ thù".

Chỉ huy Tô Hoài Thanh thay mặt Đội 5 hứa quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cả đơn vị ai cũng tất bật lo chuẩn bị vũ khí cho trận đánh lớn với cùng một suy nghĩ: Đánh trận này phải thắng cho thật ngon!

“Trong đêm đó, đội 5 Biệt động đã chiến đấu kiên cường cho tới viên đạn cuối cùng. Đánh đến hết đạn chúng tôi rút lên cao, dùng gạch, đá trên cao ốc đang xây dựng ném thẳng vào quân địch mỗi khi chúng xung phong. Không lên được, chúng dùng đạn hơi cay, hơi ngạt tập trung bắn dày đặc vào đội hình. Anh em chúng tôi sau hơn một ngày chiến đấu, lúc này lả đi vì kiệt sức, một số bị thương và ngất xỉu vì hơi ngạt và lần lượt rơi vào tay địch. 8 trong số 15 chiến sĩ Đội 5 Biệt động đã hy sinh. Thế nhưng, trận chiến đấu đã tiêu diệt và làm bị thương gần 100 tên địch, bắn cháy 3 xe Jeep chở quân, chiếm giữ trận địa trên 24 giờ đồng hồ”, ông Phan Văn Hôn nhớ lại.

Sự tiếp nối xứng đáng hôm nay

Các nhân chứng của sự kiện lịch sử xúc động khi những ký ức về trận đánh tết Mậu Thân 1968 được kể lại  - Ảnh: Tam Nguyên
Các nhân chứng của sự kiện lịch sử xúc động khi những ký ức về trận đánh tết Mậu Thân 1968 được kể lại - Ảnh: Tam Nguyên
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó bí thư Thành ủy TPHCM - phát biểu tại buổi họp mặt - - Ảnh: Tam Nguyên
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó bí thư Thành ủy TPHCM phát biểu tại buổi họp mặt - Ảnh: Tam Nguyên

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, tại miền Nam, quân và dân ta đã đánh vào 4 trong 6 thành phố lớn, 37 trong số 44 thị xã và hàng trăm thị trấn, quận lỵ, 4 bộ tư lệnh quân đoàn, 8 trong 11 bộ tư lệnh sư đoàn quân đội Sài Gòn, 2 bộ tư lệnh biệt khu, 2 bộ tư lệnh dã chiến Mỹ cùng nhiều bộ tư lệnh lữ đoàn, trung đoàn, chi khu và hàng trăm căn cứ quân sự địch bị tiến công đồng loạt, làm tan rã 600 ấp chiến lược, giải phóng thêm 100 xã với hơn 1,6 triệu dân...

Phát biểu tại buổi họp mặt, Phó bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu khẳng định, thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 không chỉ có ý nghĩa chiến lược cả về chính trị, quân sự và ngoại giao mà đó còn là thắng lợi của chiến tranh nhân dân Việt Nam, là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng, ý chí và quyết tâm chống Mỹ, cứu nước, tinh thần một quốc gia thống nhất của nhân dân Việt Nam, trong đó có nhân dân và lực lượng vũ trang Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM.

“Những trận đánh lẫy lừng trong Mậu Thân và cả những hy sinh to lớn của đồng bào và cán bộ chiến sĩ ta đã tạo nên một tượng đài bất tử, một dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố mãi mãi tri ân, mãi mãi biết ơn các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy các cấp, cán bộ chiến sĩ, đồng bào đã tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968”, ông Nguyễn Văn Hiếu phát biểu.

Theo Phó bí thư Thành ủy TPHCM, sự tri ân ấy được cụ thể hóa bằng hành động để TPHCM hôm nay là sự tiếp nối xứng đáng những gì mà thế hệ cha anh đã giành được. Tri ân thế hệ đi trước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM luôn “vì cả nước, cùng cả nước”, tiếp tục chung sức, đồng lòng vượt qua những khó khăn, thử thách.

Thu Lê

 
TIN MỚI