Còn nhiều bất cập sau sắp xếp
Tại buổi tiếp xúc, cử tri xã Nam Trà My phản ánh nhiều nội dung bức xúc còn tồn tại sau khi thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính.
Cử tri Ngô Duy Khánh (Trưởng thôn 2, xã Nam Trà My) kiến nghị, cần sớm giải quyết tình trạng chồng lấn quy hoạch giữa rừng phòng hộ, rừng đặc dụng với rừng sản xuất của người dân. Vướng mắc này đã kéo dài nhiều năm gây khó khăn cho canh tác và sinh kế.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ thoát nghèo hiện nay chưa đảm bảo tính bền vững, khiến người dân dễ tái nghèo khi gặp thiên tai, dịch bệnh. Vấn đề hạ tầng y tế, khoảng cách địa lý đến trạm y tế xã cũng là rào cản lớn trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
 |
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì tiếp xúc cử tri tại xã Nam Trà My |
Nhiều ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn về tiến độ giải quyết khiếu nại, tố cáo chậm, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân. Cử tri Trần Văn Thu (công tác tại Trung tâm y tế địa phương) phản ánh tình trạng khó khăn do thiếu hướng dẫn cụ thể từ Bộ Y tế trong tổ chức bộ máy trạm y tế sau khi sáp nhập. Mô hình tự chủ tài chính không phù hợp với điều kiện miền núi, khiến các cơ sở y tế tuyến xã lâm vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng.
Cử tri Nguyễn Văn Tế kiến nghị, tăng mức hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát bởi chi phí xây dựng tại vùng sâu vùng xa quá cao, khiến các hộ nghèo khó có điều kiện cải thiện chỗ ở. Đồng thời đề xuất cần có chính sách đồng bộ hơn về hỗ trợ cây giống, kỹ thuật, kết nối đầu ra để phát triển kinh tế địa phương bền vững.
Một số cử tri cũng lo ngại về việc thiếu giáo viên, thiếu bác sĩ giỏi, cơ sở vật chất trường học và bệnh viện còn yếu; đồng thời mong muốn Đoàn ĐBQH thành phố tăng cường tiếp xúc, lắng nghe cử tri miền núi thường xuyên hơn.
 |
Cử tri phản ánh các bất cập tại địa phương |
Cử tri Mai Thị Thu Nguyên - nguyên cán bộ Trung tâm văn hóa huyện Nam Trà My - nêu nhiều bất cập trong việc tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập sau khi sáp nhập về TP Đà Nẵng. Theo đó, mô hình phân tán nguồn nhân lực về các xã mới đang khiến cho hiệu quả hoạt động giảm sút, thiếu nhân sự chuyên môn và làm đứt gãy chuỗi cung ứng dịch vụ văn hóa, thông tin tại khu vực liên xã.
Việc chia tách từ một trung tâm thành năm trung tâm tại các xã không những làm đội ngũ viên chức bị phân tán, thiếu chuyên môn, mà còn mâu thuẫn với chủ trương tinh gọn bộ máy.
Thực tế cho thấy, nhiều đơn vị không đủ người làm việc, không đảm bảo vị trí việc làm theo đúng quy định. Hệ quả là các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, phổ biến thông tin phòng chống thiên tai, dịch bệnh, vốn rất quan trọng ở miền núi, bị gián đoạn nghiêm trọng.
Ngoài ra, cử tri cũng kiến nghị cần rà soát lại chính sách thuế phí sau khi sáp nhập, tránh chồng chéo và tạo gánh nặng không cần thiết cho người dân.
Không nên cứng nhắc cơ chế tự chủ tại khu vực miền núi
Chủ tịch UBND xã Nam Trà My Trần Văn Mẫn ghi nhận đầy đủ các kiến nghị, đồng thời thông tin về việc địa phương đã thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công để hỗ trợ người dân nhanh chóng, thuận tiện hơn trong các thủ tục. Về hạ tầng điện, các dự án đang được triển khai và cam kết sẽ hoàn thành trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND xã cũng chia sẻ khó khăn trong quá trình vận hành mô hình chính quyền 2 cấp. Theo đó, việc tinh gọn bộ máy cấp huyện dẫn đến thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng, khi 1 phòng phải đảm đương công việc của nhiều phòng cũ.
Thiếu kết nối giữa các đơn vị liên ngành khiến công tác quản lý nhà nước về y tế, giáo dục, đất đai, an ninh còn gặp lúng túng. Bên cạnh đó, trang thiết bị công nghệ thông tin ở cấp xã còn yếu và thiếu, ảnh hưởng đến tiến độ chuyển đổi số trong hành chính.
 |
Phó chủ tịch Quốc hội ghi nhận các kiến nghị thực tiễn của cử tri |
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định mô hình chính quyền 2 cấp là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Đây là một cải cách quan trọng trong tổ chức bộ máy hành chính, hướng tới mục tiêu tinh gọn, hiệu quả, và phục vụ người dân tốt hơn. Trong quá trình sắp xếp lại tổ chức hành chính nhà nước, đòi hỏi sự chủ động, linh hoạt từ chính quyền các địa phương.
Phó chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, dù là miền núi, nhưng các địa phương cần đặc biệt chú trọng phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, xem đây là những động lực trọng yếu thúc đẩy kinh tế - xã hội. Những trục trặc, vướng mắc trong quá trình triển khai các chủ trương lớn là điều tất yếu, song cần xác định rõ phương hướng đúng đắn để kịp thời tháo gỡ, tránh làm chậm tiến trình phát triển.
Về lĩnh vực y tế, giáo dục, Phó chủ tịch Quốc hội lưu ý không nên áp dụng cứng nhắc cơ chế tự chủ đối với các đơn vị công lập tại khu vực miền núi như đối với vùng đồng bằng. Việc thực hiện tự chủ phải gắn với năng lực thực tế, có tính đặc thù vùng miền. Quốc hội đã dành sự quan tâm lớn đến lĩnh vực này thông qua các chính sách hỗ trợ ngân sách, bao gồm định hướng tăng thuế các mặt hàng có nguy cơ cao với sức khỏe để bổ sung nguồn lực cho y tế.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cần hướng đến hiệu quả thực chất, lấy việc nâng cao đời sống người dân làm thước đo. Các chính sách dành cho người có công cũng cần được rà soát, đảm bảo công bằng, nhân văn, khắc phục triệt để tình trạng tồn đọng hoặc lợi dụng chính sách.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đoàn ĐBQH thành phố sẽ kiến nghị với HĐND TP Đà Nẵng ưu tiên bố trí vốn hoàn thiện các công trình giao thông còn dang dở, nhằm tăng cường kết nối hạ tầng, mở ra cơ hội phát triển mới cho khu vực miền núi. Đồng thời, ông ghi nhận các kiến nghị cụ thể từ thực tiễn, đặc biệt là những khó khăn trong quá trình vận hành mô hình chính quyền hai cấp, để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sớm tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương ổn định và phát triển.
Lê Đình Dũng