Chương trình giao lưu với nhân chứng lịch sử "27/7 - Hồi ức và tri ân":

"Không một khoảnh khắc nào tôi cho phép mình gục ngã"

23/07/2025 - 08:43

PNO - Đó là lời của bà bà Lâm Thị Gan - chị nuôi của quân y cánh Gò Môn“ - tại chương trình giao lưu "27/7 - Hồi ức và tri ân” do Hội LHPN phường Trung Mỹ Tây, TPHCM tổ chức chiều 22/7.

Cán bộ, hội viên phụ nữ đã được gặp, được nghe 2 nhân chứng lịch sử kể hồi ức những năm tháng gian khổ, mất mát, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ: bà Lâm Thị Gan và bà Võ Thị Trong - người trung đội trưởng cuối cùng (1973 - 1975) của Trung đội Nữ du kích Củ Chi anh hùng.

Chương trình giao lưu bà Võ Thị Trong và bà Lâm Thị Gan, chị nuôi của quân y cánh Gò Môn
Chương trình giao lưu với bà Võ Thị Trong và bà Lâm Thị Gan

Bà Gan đã 79 tuổi, sức khỏe yếu, 2 khớp gối đau nhức, nhưng vẫn rất minh mẫn. Bà kể, trước khi thoát ly vào đơn vị quân y cánh Gò Môn năm 1966, bà có thời gian ngắn làm giao liên. Bà vừa làm học sinh vừa làm công nhân nhà máy dệt để tạo bình phong hoạt động. Vào Gò Môn, bà nấu cơm, hỗ trợ thương binh. “Bị địch bắt, giam cầm và tra tấn suốt 18 tháng trong đề lao Bình Dương nhưng không một khoảnh khắc nào tôi cho phép mình gục ngã. Tôi luôn có niềm tin vào ngày hòa bình” - bà chia sẻ.

Bà Lâm Thị Gan xúc động khi nhắc đến những đồng đội đã hy sinh trong kháng chiến.
Bà Lâm Thị Gan xúc động khi nhắc đến những đồng đội đã hy sinh

Đất nước thống nhất, bà Gan trở lại nhà máy dệt làm việc. Hiện, bà sống cùng gia đình con trai. Tuy kinh tế còn khó khăn nhưng cả nhà luôn lạc quan, vui vẻ. Bà khoe, hồi tháng Tư năm nay được Hội LHPN quận 12 (TPHCM cũ) hỗ trợ sửa nhà.

Trung đội trưởng cuối cùng của Trung đội Nữ du kích Củ Chi có tên thường gọi là Sáu Trong, sinh năm 1950. Trưởng thành trong gia đình nông dân nghèo ở Củ Chi, Sáu Trong sớm giác ngộ cách mạng, 15 tuổi đã là du kích chiến đấu ngoan cường. Năm 1972, sau nhiều lần bị bắt, bị tra tấn dã man, cánh tay trái của bà nhiễm trùng nặng buộc phải cắt bỏ. “Cụt tay rồi, mình có được ra tuyến trước cầm súng chiến đấu nữa không là ý nghĩ duy nhất của tôi lúc ấy. Tôi giận mình chưa làm được gì cho Tổ quốc mà đã thành thương binh” - bà nhớ lại.

Mất mát, đau đớn thể xác đã không đánh gục người con gái Củ Chi anh hùng. Vết mổ lành, bà lại lao vào chiến đấu. Dù chỉ còn cánh tay phải, bà vẫn cầm súng chống càn, diệt ác, vẫn trồng lúa, trồng khoai ban ngày, và ban đêm thì bí mật gây dựng lại cơ sở, truyền tin, tổ chức lực lượng.

Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, bà về công tác tại Bộ Tư lệnh TPHCM rồi lập gia đình. Chồng tiếp tục làm nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia. Bà một nách 2 con thơ vẫn vừa làm vừa đạp xe từ Phú Nhuận (TPHCM cũ) xuống Trường bổ túc văn hóa công nông II ở Thủ Đức học. Năm 1984, bà nghỉ mất sức, đến năm 1992 thì chuyển về phường Trung Mỹ Tây sinh sống. Bà tâm tình: “Tôi cuốc đất, lật cỏ trồng rau, nuôi cá, nuôi heo. Ngày làm chưa xong thì tối chong đèn làm tiếp, cứ vậy mà gây dựng được nhà cửa, vườn tược và lo cho con ăn học”.

Bà Sáu Trong kể hành trình 10 năm chiến đấu can trường cùng đội nữ du kích Củ Chi.
Bà Sáu Trong kể hành trình 10 năm chiến đấu can trường cùng đội nữ du kích Củ Chi

Có nguồn thu ổn định từ kinh doanh nhà trọ nên nhiều năm nay, mỗi năm gia đình bà Sáu Trong dành khoảng 100 triệu đồng vào các hoạt động từ thiện. Bà đặc biệt quan tâm học sinh vượt khó học tốt và người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Sau đại dịch COVID-19, bà nhận làm “Mẹ đỡ đầu” của nhiều trẻ em mồ côi.

Cuối buổi giao lưu, bà nhắn nhủ: “Tôi muốn nói với các cháu thế hệ trẻ hôm nay rằng, hễ tinh thần mình vững thì khó khăn nào cũng vượt qua được hết. Mong các cháu không ngừng học tập, rèn kỹ năng, nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn để góp sức xây dựng đất nước trong kỷ nguyên vươn mình này”.

Cảm phục và tri ân những cống hiến không mệt mỏi của bà Sáu Trong và bà Lâm Thị Gan. Ông Ông Lê Văn Cường - Phó bí thư thường trực Đảng ủy phường Trung Mỹ Tây - bày tỏ mong cán bộ, hội viên phụ nữ sẽ tiếp bước tinh thần của những người phụ nữ can trường ấy, cùng chung tay, góp sức xây dựng phường Trung Mỹ Tây ngày càng xanh, sạch, đẹp, an toàn và nghĩa tình
Cảm phục và tri ân những cống hiến của bà Sáu Trong và bà Lâm Thị Gan, ông Lê Văn Cường - Phó bí thư thường trực Đảng ủy phường Trung Mỹ Tây - bày tỏ mong cán bộ, hội viên phụ nữ sẽ tiếp bước tinh thần của những người phụ nữ can trường ấy, cùng chung tay xây dựng phường ngày càng xanh, sạch, đẹp, an toàn và nghĩa tình
Ông Lê Văn Cường cùng bà Đặng Thị Kim Thoa - Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ, Chủ tịch Hội LHPN phường  (thứ 2, từ phải qua) - và bà Nguyễn Thị Ngọc Loan - Phó chủ tịch Hội LHPN phường Trung Mỹ Tây (bìa phải) - trao quà tri ân đến 2 nhân chứng lịch sử tại chương trình
Ông Lê Văn Cường cùng bà Đặng Thị Kim Thoa - Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ, Chủ tịch Hội LHPN phường (thứ 2, từ phải qua) - và bà Nguyễn Thị Ngọc Loan - Phó chủ tịch Hội LHPN phường Trung Mỹ Tây (bìa phải) - trao quà tri ân đến 2 nhân chứng lịch sử tại chương trình

Chương trình giao lưu chiều 22/7 nằm trong chuỗi hoạt động thiết thực nhân kỷ niệm 78 năm Ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025) của Hội LHPN phường Trung Mỹ Tây.

Bà Đặng Thị Kim Thoa - Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ, Chủ tịch Hội LHPN phường - cho biết, dịp này, hội tổ chức cho chị em dâng hương, tham quan tìm hiểu các hiện vật lịch sử tại nhà tưởng niệm Nguyễn An Ninh và di tích lịch sử miếu Cây Quéo. Đồng thời, phối hợp với Ủy ban MTTQ và các đoàn thể phường tặng 100 phần quà tri ân gia đình chính sách, cựu chiến binh. Tổ chức dâng hương, dâng hoa và thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ. Khám bệnh, kiểm tra mắt, phát thuốc và quà đến 200 người diện gia đình chính sách, thương binh, người có công với cách mạng.

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI