Không đồng tình sáp nhập trường, phụ huynh không cho con em đến lớp

09/09/2022 - 11:26

PNO - Để phản đối việc sáp nhập trường, một số phụ huynh không cho con em đến trường học. Chính quyền đã tổ chức đối thoại, kêu gọi các gia đình cho con đến lớp. Tuy nhiên, sau đối thoại, số học sinh đến lớp tiếp tục giảm thêm.

Sáng 9/9, thầy Lê Đình Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Khai Lạng (huyện Anh Sơn, Nghệ An) cho biết, sáng nay đã có 32/153 học sinh khối 6, 7 và 8 của Trường THCS Khai Lạng cơ sở 2 (đóng ở xã Lạng Sơn) đi học. Con số này đã giảm nhiều vì hôm qua (8/9) có tới 82 học sinh tới lớp. Riêng khối 9 đã có 8/52 học sinh tới lớp, tăng 6 em so với hôm qua.

Năm 2018, UBND huyện Anh Sơn thực hiện đề án sáp nhập 2 trường THCS của xã Lạng Sơn và xã Khai Sơn thành Trường THCS Khai Lạng. Tuy nhiên, do người dân chưa đồng tình nên 3 năm qua mới chỉ có học sinh khối 9 của Trường THCS Lạng Sơn tới địa điểm mới. 

Dù các em đến lớp ít hay nhiều thì các thầy cô vẫn đứng lớp giảng dạy bình thường. Đây có lẽ là cách phụ huynh gây sức ép để đòi hỏi. Trong chuyện này, thiệt thòi nhất là học sinh, nhất là học sinh lớp 9, năm nay thi chuyển cấp”, thầy Hà nói.

Phụ huynh tập trung trước cổng trường phản đối kế hoạch sáp nhập trường THCS Khai Lạng
Phụ huynh tập trung trước cổng trường phản đối kế hoạch sáp nhập Trường THCS Khai Lạng

4 ngày qua, hơn 200 học sinh THCS tại xã Lạng Sơn không được phụ huynh cho đi học nhằm phản đối sáp nhập Trường THCS Lạng Sơn và THCS Khai Sơn thành Trường THCS Khai Lạng (đóng trên địa bàn xã Khai Sơn). Địa điểm của Trường THCS Khai Lạng và THCS Lạng Sơn cũ (nay là Trường THCS Khai Lạng cơ sở 2) cách nhau 4km.

Trước tình hình trên, ngày 8/9, chính quyền huyện Anh Sơn đã tổ chức đối thoại với một số phụ huynh ở xã Lạng Sơn phản đối việc sáp nhập trường, để tìm hiểu nguyện vọng của người dân, kêu gọi học sinh đến trường học.

Tại buổi đối thoại, một số phụ huynh nêu lý do họ phản đối việc sáp nhập là do quãng đường tới trường xa hơn, học sinh còn ít tuổi, đi đường dài gây nguy hiểm. Ngoài ra, sau sáp nhập, Trường THCS Lạng Sơn sẽ bỏ không, gây lãng phí.

Ông Đoàn Văn Thanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Anh Sơn cho biết, việc nhiều học sinh, đặc biệt là các em lớp 9 cuối cấp, chưa đến trường có thể bị ảnh hưởng lớn vì chậm chương trình. Do đó, phụ huynh cần đặt quyền lợi của con em lên trên hết và cần đồng hành để ổn định tâm lý cho các em tới trường.

Bà Bùi Thị Phượng, Phó chủ tịch UBND huyện Anh Sơn cho biết, tất cả ý kiến, nguyện vọng của người dân nêu ra tại buổi đối thoại sẽ được tổng hợp để báo cáo Ban thường vụ Huyện ủy từ đó có hướng xử lý, đảm bảo quyền lợi cho học sinh. 

Dù đã vào học bốn ngày, song đến nay hàng trăm học sinh THCS ở xã Lạng Sơn vẫn chưa đến trường học
Dù đã vào học 4 ngày, song đến nay hàng trăm học sinh THCS ở xã Lạng Sơn vẫn chưa đến trường học

Lãnh đạo Trường THCS Khai Lạng cho biết, việc phụ huynh ngăn cản con em đến trường kéo dài sẽ khiến các em bỏ lỡ kiến thức, không những học sinh thiệt thòi mà còn gây áp lực cho giáo viên khi đón học sinh quay trở lại trường. “Cũng chưa biết lúc nào các em mới đi học. Đến lúc đó, chúng tôi phải làm việc với phụ huynh để có phương án dạy phần kiến thức các em đã bỏ lỡ”, thầy Hà nói.

Trường THCS Khai Lạng hiện có 14 lớp với 443 học sinh, trong đó cơ sở 2 ở xã Lạng Sơn có 5 lớp. Theo lộ trình, đầu năm học 2022-2023, các khối còn lại sẽ chuyển tới THCS Khai Lạng, song đến nay vẫn chưa thực hiện được do vấp phải sự phản đối của phụ huynh.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI