Không dễ để vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác

06/09/2023 - 06:01

PNO - Một số ngân hàng cho khách hàng vay vốn để trả nợ khoản vay ở ngân hàng khác, nhưng điều kiện vay không hề dễ dàng.

Đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, BIDV cho phép khách hàng cá nhân vay để trả nợ trước hạn cho khoản tiền đã vay ở ngân hàng khác. Lãi suất cho vay là 6%/năm đối với khoản vay ngắn hạn, 6,8%/năm đối với khoản vay trung hạn; hạn mức vay bằng với dư nợ còn lại ở ngân hàng khác, thời gian cho vay tới 30 năm và không vượt quá thời hạn còn lại của khoản vay đang nợ ở ngân hàng khác; có thể dùng tài sản đang thế chấp ở ngân hàng khác làm tài sản thế chấp. 

Nếu khách dùng tài sản thế chấp từ ngân hàng khác chuyển sang thế chấp  ở Vietcombank để vay thì phải chuyển nguồn thu và lương sang Vietcombank tối thiểu bằng 20% thu nhập, phải có tài khoản tiết kiệm 1 tỉ đồng.  Ảnh chụp tại Vietcombank đường Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM)
Nếu khách dùng tài sản thế chấp từ ngân hàng khác chuyển sang thế chấp ở Vietcombank để vay thì phải chuyển nguồn thu và lương sang Vietcombank tối thiểu bằng 20% thu nhập, phải có tài khoản tiết kiệm 1 tỉ đồng. Ảnh chụp tại Vietcombank đường Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM)

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng triển khai chính sách tương tự. Lãi suất cho vay ưu đãi trong 6 tháng đầu là 6,9%/năm, trong 12 tháng tiếp theo là 7,5%/năm và trong 24 tháng sau đó là 8%/năm. Thời hạn vay, hạn mức vay cũng tương tự BIDV. Người vay có thể thế chấp bằng bất động sản, tiền mặt, số dư trên tài khoản tiền gửi, sổ hoặc thẻ tiết kiệm, giấy tờ có giá trị của mình hoặc người thân, tài sản đang thế chấp ở ngân hàng.

Nhân viên tín dụng ở phòng giao dịch BIDV trên đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, TPHCM cho biết, phòng này chỉ mới nhận công văn vào ngày 5/9 nên mới bắt đầu triển khai gói vay này. Nếu một người đang vay ở ngân hàng A nào đó thì khi muốn vay ở BIDV, ngoài hồ sơ pháp lý, sao kê lương, chứng minh thu nhập, hợp đồng lao động, cần cung cấp thêm bản chính hợp đồng tín dụng với ngân hàng A, bản chụp sổ hồng nhà để nhân viên thẩm định. 

“Lãi suất ở trên chỉ dành cho khách vay vốn sản xuất kinh doanh, còn khách cá nhân vay mua nhà thì lãi suất cố định trong 6 tháng là 7,5%/năm. Khách cần mua bảo hiểm khoản vay 3-4 triệu đồng trong lần đầu làm hồ sơ, không cần mua bảo hiểm nhân thọ. Đây là hình thức mua lại khoản nợ nên bên em chỉ cho vay bằng đúng số tiền và thời hạn mà chị còn nợ bên kia. Sau khi hoàn thành hồ sơ thế chấp, nếu giá trị tài sản của chị cao hơn, bên em sẽ hỗ trợ chị vay thêm với mục đích tiêu dùng” - nhân viên trên tư vấn. 

Còn theo một nhân viên tín dụng Vietcombank, ngân hàng này đã cho phép chuyển khoản vay từ vài ngày nay và đã nhận được khá nhiều hồ sơ vay đảo nợ của khách hàng. Nếu khách dùng tài sản đang thế chấp ở một ngân hàng khác chuyển sang thế chấp ở Vietcombank thì phải chuyển nguồn thu và lương sang Vietcombank tối thiểu bằng 20% thu nhập, phải có tài khoản tiết kiệm 1 tỉ đồng. Nếu khách dùng tài sản mới để thế chấp cho Vietcombank thì không cần phải đáp ứng 2 yêu cầu trên. 

Nhân viên Vietcombank cũng cho biết, ví dụ khách đang có khoản vay 800 triệu đồng ở ngân hàng A với lãi suất là 11,2%/năm thì sau khi chuyển qua Vietcombank, sẽ tiết kiệm được tiền lãi suất 3,2%/năm, tương đương 2,1 triệu đồng/tháng. Chúng tôi hỏi sau thời gian ưu đãi, lãi suất thả nổi ra sao, nhân viên này không rõ nhưng cho biết, biên độ dao động ở Vietcombank đang là 3,5%/năm nên lãi suất sau thời gian ưu đãi là khoảng 11,5%/năm. 

Muốn vay từ Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) để trả nợ khoản vay ở ngân hàng khác, người vay phải dùng tài sản khác thế chấp cho MB để MB giải ngân cho ngân hàng cũ hoặc dùng nguồn tiền khác trả nợ cho ngân hàng cũ rồi làm hồ sơ thế chấp, vay khoản mới tại MB. 

Anh Nguyễn Trí Nam - nhân viên Công ty Môi giới bất động sản Nam Tuyền (quận 6, TPHCM) - cho biết, khi khách mua nhà, công ty hỗ trợ toàn bộ hồ sơ, thủ tục vay tiền ngân hàng. Vài ngày qua, một số khách hàng cũ của công ty muốn chuyển khoản vay từ ngân hàng cũ sang ngân hàng mới để hưởng lãi suất thấp hơn nhưng công ty chưa làm được hồ sơ nào do một số ngân hàng mới yêu cầu khách phải mua bảo hiểm nhân thọ. 

“Có thể lúc tìm hiểu hồ sơ vay, ngân hàng chưa yêu cầu mua bảo hiểm nhân thọ nhưng khi hồ sơ đã hoàn thành, chỉ còn bước giải ngân thì nhân viên ngân hàng mới yêu cầu mua bảo hiểm nhân thọ. Nếu khách chuyển khoản vay sang ngân hàng mới, tiết kiệm lãi suất được 2,1 triệu đồng/tháng thì trong 2 năm hưởng lãi suất ưu đãi, khách tiết kiệm được khoảng 50 triệu đồng, tương đương số tiền mua bảo hiểm nhân thọ trong 1 năm. Sau khi tính toán, khách thấy không có lợi nên quyết định không chuyển hồ sơ” - anh Trí Nam nói. 

Do điều kiện để chuyển khoản vay từ ngân hàng này sang ngân hàng khác khó nên một số cá nhân, tổ chức đang quảng cáo rầm rộ dịch vụ “đáo hạn khoản vay” trên mạng xã hội. Theo đó, họ sẽ cho vay 500 triệu đồng để tất toán khoản vay ở ngân hàng cũ với lãi suất 3 triệu đồng/ngày. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI