Khi bình yên thì trả ơn đời

08/07/2020 - 07:44

PNO - Trong cuộc sống, đôi lúc gia đình như những con thuyền nhỏ bé giữa những sóng gió, bão giông. Trong bão giông, họ được cuộc đời ra tay cứu giúp, dù chỉ là những món quà nhỏ nhoi, mang tính tinh thần. Mang ơn cuộc đời, họ nhủ lòng mình, khi bình yên sẽ trả ơn đời.

1. Thoạt nhìn, không ai nghĩ anh Đàm Văn Hồng, 59 tuổi, ở khu phố 5, P.5, Q.5, đã mất hoàn toàn thị lực. Anh sử dụng điện thoại, máy tính để nghe nhạc, nghe tin tức, tưới cây, tiêm insulin thuần thục. 

13 năm trước, khi anh Hồng đang là trụ cột kinh tế của gia đình với nghề thợ sắt thì bóng tối ập đến do biến chứng bệnh tiểu đường. Sự kiện bất ngờ ấy làm cho gia đình với ba đứa con đang tuổi ăn, tuổi học hoang mang. Nhưng may cho họ, khi người chồng, người cha không còn là trụ cột của gia đình thì người vợ, người mẹ đã trở nên mạnh mẽ. “Không có bả, chắc cha con tôi tiêu rồi” - anh Hồng đùa mà thật.

Chị Nguyễn Ngọc Thu, 57 tuổi, vợ anh Hồng không nhớ mình đã khóc thầm biết bao lần trong khoảng thời gian chông chênh suốt ngày chở chồng đi bệnh viện phẫu thuật đôi mắt. Rồi sợ anh nghĩ quẩn, chị thủ thỉ: “Anh mà buông xuôi là em cũng không trụ vững được. Như vậy là tàn nhẫn với các con. Anh tự tin lên, có em đây làm đôi mắt cho anh”.

Vợ chồng chị Thu - anh Hồng bên bức tường trong hẻm 27 Trần Tuấn Khải, nơi ghi dấu nét vẽ của chị với thông điệp mọi người hãy chung tay bảo vệ môi trường

Vợ chồng chị Thu - anh Hồng bên bức tường trong hẻm 27 Trần Tuấn Khải, nơi ghi dấu nét vẽ của chị với thông điệp mọi người hãy chung tay bảo vệ môi trường

Bắt đầu từ việc đi lại trong nhà, lấy chén bát ăn cơm, tập tự tiêm thuốc cho mình, cho tới học vi tính có cài phần mềm chuyên biệt cho người khiếm thị… chị luôn đồng hành cùng anh. Trước đó, chị vốn là công nhân may, ngày làm việc ở phân xưởng, tối về nhận may quần áo tại nhà. Chồng bị bệnh, mọi công việc phải ngưng lại, tiền bạc eo hẹp, chị Thu chắt chiu từng đồng lo thuốc men cho chồng và học phí cho con. “Lúc ấy, các cô chú trên phường hay gửi cho gạo, mắm, cấp học bổng tiếp sức cho con tôi. Thương ba mẹ, các cháu vừa học, vừa phụ người ta bán đồ lưu niệm, phục vụ bàn tiệc, quán cơm kiếm tiền trang trải. Anh em nội ngoại mỗi tháng cho năm trăm, một triệu. Những ân tình đó là động lực giúp vợ chồng tôi dìu nhau đứng dậy, vượt qua sóng gió cuộc đời” - chị Thu thổ lộ.

Và giờ đây, người dân trong xóm nhỏ vẫn thường xem gia đình họ như một tấm gương điển hình vượt khó: “Cứ nhìn vào ba đứa con sẽ hiểu gia đình ấy đã nỗ lực đến mức nào”. Con gái lớn Đàm Thu Khanh nay đã tốt nghiệp đại học ngành quan hệ quốc tế, còn hai cậu con trai đang là sinh viên đại học. Khi có công việc ổn định, Thu Khanh trở thành một trong số những Mạnh Thường Quân đóng góp cho quỹ học bổng Nguyễn Thị Minh Khai để nâng đỡ những học trò vượt khó tại nơi mình ở. Thu Khanh cũng hay cùng ba mẹ tham gia các hội thi nấu ăn, hát karaoke do địa phương tổ chức, nuôi heo đất làm việc thiện. Em luôn biết ơn và ghi nhớ những tháng ngày cả phường cùng chìa tay giúp gia đình mình. 

Chị Thu cầm tay chồng đặt lên bức tường dài trong con hẻm 27 Trần Tuấn Khải, Q.5, nơi chị và chị em trong khu phố vừa hoàn thành bức vẽ mang thông điệp hãy chung tay bảo vệ môi trường và giải thích: “Em vẽ cảnh gia đình anh à. Cha mẹ, con cái cùng nhau phân loại rác, rồi thì dung dăng ra phố trong bầu không khí sạch sẽ. Cùng thông điệp này, bọn em còn vẽ một bức cho khu phố 6. Bên khu phố 7 cũng đang nhờ”. Anh Hồng gật đầu, nói vợ cứ ra ngoài làm những việc có ích như vậy. 

2. Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hòa, 58 tuổi và anh Trần Văn Viêm, 65 tuổi, ở khu phố 4, P.Thảo Điền, Q.2 vừa được các con tổ chức tiệc mừng 39 năm ngày cưới, trùng số tuổi của Trung đoàn Vận tải 657, Cục Hậu cần Quân khu 7, nơi anh chị gắn bó từ tuổi thanh xuân đến ngày về hưu. Từ năm 1983, anh Viêm nhận nhiệm vụ chỉ huy tàu vận tải lương thực, vũ khí, chở quân... phục vụ chiến trường Campuchia. Những chuyến đi của anh thường kéo dài một, hai tháng trong gian nguy, bất trắc. Ở nhà, chị Hòa vừa lo chuyện trong nhà, chuyện nuôi dạy con, vừa hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Đó cũng là khoảng thời gian mà bữa cơm gia đình, đối với họ, trở nên xa xỉ; cha mẹ, con cái hiếm khi được ở bên nhau. 

Chị Hòa - anh Viêm an vui cùng các cháu
Chị Hòa - anh Viêm an vui cùng các cháu

Con trai lớn Trần Đức Tuấn nay đang công tác trong ngành Công an, còn con gái Trần Thị Tuyết là cán bộ Hội Phụ nữ. Năm xưa, mới chập chững, anh em Tuấn, Tuyết đã được mẹ gửi hàng xóm chăm sóc giúp từ ăn uống, học hành đến ứng xử với người lớn. Anh em họ được đến trường không chỉ là nhờ nỗ lực của cha mẹ mà còn có các cô bên Hội Phụ nữ nâng bước bằng những suất học bổng nghĩa tình. 

Về hưu, anh Viêm đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường, còn chị Hòa làm tổ trưởng tổ dân phố. Họ tham gia việc xã hội hăng say như một cách trả ơn đời. Niềm vui của những ngày bên kia sườn dốc cuộc đời của anh chị là chăm sóc các cháu và chung tay bảo vệ môi trường. Trước năm 2017, con đường Đỗ Quang thuộc khu phố 4, P.Thảo Điền là “cơn ác mộng” với nước ngập lênh láng, xe cộ chết máy, nhà thành ao. Cuối năm 2017, chị Hòa và các thành viên trong tổ dân phố đã vận động được gần 700 triệu đồng từ các hộ dân để nâng cấp con đường. Ngoài ra, chị còn vận động bà con cùng hiệp sức xây dựng tuyến cờ và hoa để đường Đỗ Quang trở thành tuyến đường xanh - sạch - đẹp - văn minh. 

Mẫn Nhi

 
 
 
 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI