Hẹn nhau dọn rác dù biết chuyện rất dài

03/07/2020 - 08:15

PNO - "Trend dọn rác trôi tới đâu rồi?”, thi thoảng chúng tôi chợt hỏi nhau. Vào thời điểm này năm ngoái, mạng xã hội đang rầm rộ trào lưu thử thách dọn rác.

Những cơn mưa dài tháng Sáu cho các thị dân xứ nhiệt đới nhiều trải nghiệm ngán ngẩm. Đó là cảm giác phải “bơi” cùng chiếc xe máy giữa dòng nước lềnh bềnh rác… 

Mênh mông nước, mênh mông rác

Như cơn mưa lớn kỷ lục chiều 16/6, quanh xe máy tôi là đủ loại rác, từ bịch ni-lông, vỏ hộp thức ăn, giỏ cần xé, tới rác thực phẩm. Vừa điều khiển chiếc xe ngập trong nước, tôi vừa phải… né những mảnh ni-lông lớn. Để chúng cuốn vào bánh xe, xe sẽ chựng lại, nước tràn vào ống bô, gây chết máy, té xe…

Hình ảnh nam sinh lớp Sáu ở H.Long Thành, tỉnh Đồng Nai khơi thông miệng cống,  nhặt rác giữa lúc trời mưa đang được  cộng đồng mạng khen ngợi

Hình ảnh nam sinh lớp Sáu ở H.Long Thành, tỉnh Đồng Nai khơi thông miệng cống, nhặt rác giữa lúc trời mưa đang được cộng đồng mạng khen ngợi.

Ngập nước hiểu đơn giản do lưu lượng mưa lớn hơn khả năng chứa và thoát của hệ thống cống ngầm. Nhưng có một vật cản đường thoát nước, chính là rác. Trời nắng, đi qua miệng cống lúc khô, ai cũng dễ dàng thấy nó bị xâm lấn bởi rác sinh hoạt, lá cây… Và chỉ cần mưa xuống, đội quân rác hùng mạnh chẳng biết ở đâu, theo dòng chảy lao tới bít miệng cống. 

Đa số các túi rác đều buộc chưa kỹ, thậm chí không thèm buộc. Nhiều hộ kinh doanh cứ thế vứt rác xuống rãnh nước. Khi mưa, rác sẽ bị dòng nước mạnh “xé ruột”, đẩy văng tứ tung. Rác từ cửa nhà đi chu du khắp nơi.

Đôi bao tay, người nhặt rác

Rác ở khu nhà tôi do một đơn vị tư nhân thu gom. Vợ chồng anh gom rác thường lái chiếc xe ba gác cũ, khói mịt mù, cải tạo lại cho thùng xe cao lên, để chất được nhiều. 
Chồng lái xe, tới điểm dừng thì chạy nhanh xuống xách rác quăng lên xe. Trên ấy, cô vợ nhanh tay phân loại, đạp rác, lèn rác cho chặt. Có khi rác chất cao có ngọn, cô vợ ngồi trên đỉnh núi rác ấy.

Nhưng chúng tôi “hâm mộ” cô vợ không chỉ vì cô ngồi trên “ngai” rác ngất ngưởng mà không té, tôi cảm phục đôi tay thoăn thoắt bới rác, phân loại rác của cô. Ngay khi các bịch rác được ném lên, cô sẽ dùng mắt “quét” rất nhanh và dùng cây sắt moi ruột bịch rác ra bới. Nào là bóng đèn vỡ, ly chén vỡ, các loại miểng, que nhọn, cho tới cá thịt bốc mùi…

Một buổi dọn rác của nhóm Hoian Clean up ngay dưới chân cầu Cẩm Nam (TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam)

Một buổi dọn rác của nhóm Hoian Clean up ngay dưới chân cầu Cẩm Nam (TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam)

Bằng con mắt tinh tường và chuyên nghiệp, cô vợ cào bới, lấy ra được những món còn giá trị, bỏ sang một bao tải gá bên thùng xe, để dành bán ve chai. Đây là thu nhập phụ quan trọng của vợ chồng cô. Tất nhiên việc cào bới trên xe chỉ là “nháp”. Rác sau này về điểm tập kết có cả một lực lượng khai thác kỹ lưỡng hơn, trước khi chuyển ra nơi thu gom theo quy định.

Cô vợ từng cho tôi xem đôi tay sứt sẹo của cô và nói rằng, thứ tốn nhất cho nghề của cô chính là găng tay và… máu. Bên trong bao tay cao su sẽ là lớp găng vải, loại găng chống nắng của chị em nhưng trong mỗi bịch rác gia đình luôn có những bất ngờ từ miểng sứ, thủy tinh, kim nhọn đến xi lanh…

 Tết vừa rồi, tôi may mắn được chứng kiến buổi dọn rác của nhóm Hoian Clean up ngay dưới chân cầu Cẩm Nam (TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam). Điều khiến tôi kinh ngạc không phải sự lăn xả của những người bảo vệ sông Thu Bồn… mà là những thứ rác vô cùng kỳ quái. 

Tại sao người ta có thể thẳng tay ném xuống dòng sông đẹp đẽ những thứ như búp bê, ma-nơ-canh, áo lót, giường gỗ, ti vi cũ, những lá bùa bằng nhựa cùng vô số đồ vật không tên. Và đáng sợ nhất vẫn là những ống xi lanh lẫn trong bùn. Rác giữa dòng được vớt bằng vợt. Rác trong bờ thường lẫn vào bùn nhão, các thành viên phải moi lên bằng đôi tay chỉ được bảo vệ bởi lớp găng cao su mỏng manh. Nhìn họ làm việc, tôi chợt nhớ tới đôi tay đầy sẹo của người phụ nữ gom rác trước nhà…

Người đi, rác ở lại

Mới đây, có vài bài báo đánh động tình trạng rác ở cung đường núi đẹp nhất Việt Nam mang tên Tà Năng - Phan Dũng khiến tôi nhớ lại loạt hình rác tôi chụp khi đi trekking hồi năm ngoái.

Hôm ấy, chọn cung đường 20km đi bộ, chúng tôi đi từ chân núi lên độ cao 1.500m so với mực nước biển, xuyên qua rừng đặc hộ và gặp đủ kiểu rác. Từ giày, dép, áo, quần,  ba-lô… tới những vật dụng ăn uống như chai nước, hộp thức ăn, bịch ni-lông, hộp sữa, vỏ bao thuốc lá, pin… Dấu ấn con người la liệt dọc đường khiến chúng tôi mất một phần cảm giác được vào nơi hoang vu.

Xuống suối rửa tay, tôi choáng khi nhìn thấy vô số loại rác sinh hoạt đang dập dềnh. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên hơn là số lượng vỏ chai rượu tây gặp trên đường. Hóa ra giờ đây người ta leo núi không chỉ để chinh phục, thử thách ý chí, mà còn để… nhậu.

Rác ở lại sau những cuộc đến và đi  của một số nhóm phượt thủ ở Tà Năng

Rác ở lại sau những cuộc đến và đi của một số nhóm phượt thủ ở Tà Năng

Khi chúng tôi phàn nàn Tà Năng quá nhiều rác, anh Ngô Lâm Anh - hướng dẫn viên của đoàn - khẳng định đó là dấu ấn của các “phượt thủ”, tức các nhóm bạn trẻ đi tự phát. Những đoàn có người hướng dẫn đều tuân thủ quy định về môi trường.

Tối ấy, đoàn chúng tôi và đoàn nhân viên một công ty công nghệ cùng hạ trại trên một đỉnh núi. Gần trăm người sinh hoạt, đủ biết lượng rác “khủng” thế nào. Nhóm tôi 10 người, thuê hai xe thồ và hai con ngựa cõng hàng, với giá 1,5 triệu đồng/con, và 700.000 đồng/xe. 

Ngựa sẽ chở lều trại, nước uống cùng vài đồ đạc cồng kềnh. Rác không thể phân hủy sẽ được gom lại để ngựa mang xuống núi. Đoàn bên kia tuy đông nhưng đi với chi phí thấp hơn nên anh hướng dẫn viên chỉ thuê số lượng ngựa và xe tương tự. Các thanh niên của đoàn sẽ tự mang vác đồ đạc lên và gom rác cõng xuống núi.

Anh Phi, một người thồ hàng kiêm nấu ăn của chúng tôi, giải thích: “Rác hữu cơ, chủ yếu là thức ăn thừa, sẽ được chôn sâu ở sườn núi. Thứ gì đốt được như giấy, hộp xốp… sẽ được chúng tôi gom lại để đốt. Việc đốt rác này chỉ người có nghề mới được làm. Nếu không có kinh nghiệm, có thể gây cháy rừng”.
Trên đường về, chúng tôi mới để ý, trên các đỉnh núi có dấu vết hạ trại thường để lại đồng muội than nho nhỏ.

Trên đỉnh cao nhất chia ranh giới tự nhiên ba tỉnh Đồng Nai - Bình Thuận - Lâm Đồng, đoàn người nào đó bỏ lại rất nhiều rác sau đêm hạ trại. Khi chúng tôi say mê chụp hình, anh Ngô Lâm Anh trèo xuống triền núi nhặt từng vỏ kẹo, bao ni-lông, cho vào bao tải. Thấy anh mải miết làm việc ấy, chúng tôi cũng vội vàng mỗi người góp một tay.

“Trend” nhặt rác, trôi đi đâu?

"Trend dọn rác trôi tới đâu rồi?”, thi thoảng chúng tôi chợt hỏi nhau. Vào thời điểm này năm ngoái, mạng xã hội đang rầm rộ trào lưu thử thách dọn rác cùng hashtag #ChallengeForChange. 

Tại Việt Nam, một số người nổi tiếng, nhóm thanh niên đã hào hứng tham gia. Tuy nhiên, ngay khi “trend” bắt đầu, không ít người nghi ngại nó sẽ chết yểu nếu động lực dọn rác không xuất phát từ ý thức cộng đồng hay văn hóa với rác, mà chỉ để kiếm view, kiếm like, kiếm tiền trên YouTube…

Ở Tây Ninh, đồng nghiệp của tôi thỉnh thoảng theo nhóm CSC lên núi Bà Đen mang rác xuống. Mục đích của nhóm vừa để về với thiên nhiên, vừa rèn sức khỏe; khi xuống họ còn cõng những bao rác lút người. Rác xuống đến nơi được giao cho người phân loại để bán ve chai hoặc đưa về điểm tập kết.

Núi Bà Đen từ lâu đã nặng nhọc cõng một lượng rác khủng khiếp do khách xả bừa bãi nên ngoài nhóm CSC, nhiều nhóm bạn trẻ khác cũng rủ nhau lên núi cõng rác xuống. Thật mừng khi tại các thành phố lớn, các điểm du lịch, vẫn có những hội nhóm hẹn nhau dọn sạch các tuyến đường, công viên, bãi biển ngập rác.

Dù rác là một câu chuyện còn rất dài…

 

Theo số liệu Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra vào năm 2019, mỗi năm nước ta có hơn 1,8 triệu tấn nhựa được sản xuất ra nhưng chỉ 27% số đó được tái chế và đang có nguy cơ trở thành bãi rác lớn nhất thế giới. Lượng nhựa tiêu thụ tính trên đầu người ở nước ta đã tăng mạnh từ 3,8kg lên gấp 10 lần trong giai đoạn từ 1990 đến 2018. 

                                                                                                                                   Minh Lê

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI