Đại biểu Quốc hội:

Hãy đổi mới để lịch sử trở thành môn học được yêu thích

25/05/2022 - 06:25

PNO - Ngay từ ngày họp đầu tiên của kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, việc dạy và học môn lịch sử trong trường phổ thông đã trở thành chủ đề “nóng”, thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội: "Nên là môn bắt buộc"

Theo báo cáo tiếp thu ý kiến cử tri của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có ý kiến trái chiều về việc xem môn lịch sử là môn học tự chọn ở bậc THPT bởi điều này có thể gây ra những hệ lụy khó lường. Cơ quan này đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét một cách thận trọng, đánh giá khách quan, toàn diện chương trình cải cách giáo dục phổ thông, nhất là việc đưa môn lịch sử làm môn học tự chọn. 

Ông Đỗ Văn Chiến - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - cho rằng, không nên xem môn lịch sử là môn học tự chọn mà nên đổi mới cách dạy và học môn này để nâng cao chất lượng. Ông dẫn chứng, một số nước phát triển có nền văn hóa tương đồng với Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã đưa trở lại hoặc vẫn duy trì việc dạy và học bắt buộc môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Văn Huy (tỉnh Thái Bình) cho hay, trong quá trình tiếp xúc cử tri ở tám huyện, thành phố, đoàn ĐBQH của tỉnh đều tiếp nhận ý kiến về môn lịch sử. Theo ông, cần có chương trình giám sát để thực hiện một cách hiệu quả việc đổi mới chương trình giáo dục, trong đó có bộ môn lịch sử. 
Trước phản ứng của dư luận xã hội về việc xem môn lịch sử là môn học lựa chọn thay vì bắt buộc trong chương trình THPT, báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp này cho biết, Chính phủ đang nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của nhân dân, của ĐBQH về việc quy định môn học lịch sử là môn bắt buộc. 

Học sinh Trường phổ thông IVS (TP.Hà Nội) giao lưu cùng nhà sử học Dương Trung Quốc trong buổi sinh hoạt chuyên đề “Em yêu lịch sử Việt Nam” - Ảnh: Đại Minh
Học sinh Trường phổ thông IVS (TP.Hà Nội) giao lưu cùng nhà sử học Dương Trung Quốc trong buổi sinh hoạt chuyên đề “Em yêu lịch sử Việt Nam” - Ảnh: Đại Minh

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - bày tỏ sự tán thành với quan điểm này của Chính phủ: “Trong phiên họp của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, chúng tôi nhất trí quan điểm, lịch sử là môn bắt buộc với một thời lượng phù hợp nhất đối với bậc THPT”. 
Quan trọng là làm cho môn lịch sử hấp dẫn

Chỉ còn hơn ba tháng nữa, năm học 2022 - 2023 sẽ bắt đầu. Theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, lịch sử là môn lựa chọn. Như vậy, nếu chuyển lịch sử thành môn bắt buộc trong bối cảnh chỉ còn khoảng thời gian rất ngắn, nhiều ý kiến lo ngại có thể ảnh hưởng tới tổng thể chương trình. Trong phiên họp toàn thể lần thứ ba của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội diễn ra cách đây vài ngày, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (TP.Đà Nẵng) đặt vấn đề, phải xem xét rất kỹ để không rơi vào cảnh “đẽo cày giữa đường”.

Liên quan tới vấn đề này, bà Nguyễn Thị Mai Hoa phân tích, việc thay đổi một môn học từ lựa chọn sang bắt buộc sẽ dẫn đến những thay đổi nhất định trong cấu trúc của chương trình giáo dục phổ thông. Nhưng trên thực tế, khi có vấn đề do thực tiễn đặt ra, dư luận và ý kiến của cử tri hợp lý thì nên tiếp thu. 

Bà khẳng định, dù có khó khăn, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan chuyên môn sẽ phải tìm biện pháp triển khai theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ: “Tôi tin nếu quyết tâm, bộ sẽ làm được”.

ĐBQH Nguyễn Thị Tuyết Nga (tỉnh Quảng Bình) cho biết thêm, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã trao đổi với Bộ Giáo dục và Đào tạo với giải pháp chuyển đổi môn lịch sử từ tự chọn sang bắt buộc một cách ổn thỏa. Trong chương trình chung, sẽ có sự điều tiết phù hợp. 
Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Thị Tuyết Nga cũng cho rằng, điều quan trọng nhất không phải nằm ở việc chuyển đổi này, bởi chỉ đưa lịch sử thành môn học bắt buộc là chưa đủ: “Quan trọng nhất là phải đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy của giáo viên. Chúng ta đang ở trong thời đại của công nghệ, có đủ điều kiện, tư liệu để tạo ra sự hấp dẫn đối với học sinh, biến những giờ sử trở nên sinh động, tạo hiệu quả thực chất”.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cũng cho rằng, điều ng quan tâm là tạo sức hút cho bộ môn lịch sử: “Nếu vẫn dạy sử như cũ, kết quả thu được cũng sẽ không mấy khả quan, bởi mọi người đều biết, điểm sử của học sinh liên tiếp “đội sổ” trong nhiều năm”. 

Nữ đại biểu này đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục chỉ đạo đổi mới việc dạy học, kiểm tra, tạo cho học sinh sự hứng thú, hiểu biết sâu rộng, sáng tạo thay vì bắt buộc phải thuộc lòng những con số, các cột mốc một cách khô khan: “Hữu xạ tự nhiên hương. Hãy để tự môn lịch sử trở thành mối quan tâm, yêu thích của học sinh thay vì cứ băn khoăn rằng nó nên là môn lựa chọn hay bắt buộc”. 

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI