Hàn Quốc siết chặt vấn nạn xâm phạm bản quyền

13/12/2020 - 17:04

PNO - Sau hàng loạt các chương trình giải trí và phim ảnh bị Trung Quốc sao chép ý tưởng “trắng trợn”, Hàn Quốc tăng cường cải tiến luật pháp, siết chặt công tác quản lý.

Trung Quốc “ăn cắp” bản quyền trắng trợn của Hàn Quốc

Bộ phim Bath Buddy hay King of Bath do gã khổng lồ truyền thông Trung Quốc Wanda Media sản xuất đã vướng vào tranh cãi sao chép God of Bath, một webcomic (truyện tranh trực tuyến) nổi tiếng của Hàn Quốc khi chưa có sự đồng ý.

Theo MoonWatcher, công ty sản xuất của Hàn Quốc được thành lập vào năm 2008, Wanda Media và đạo diễn của phim là Yi Zhenxing đã vi phạm luật bản quyền trong kinh doanh. Công ty phía Hàn cho biết trong một tuyên bố: "Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh chống lại Wanda và giám đốc Yi Zhenxing vì hành vi cẩu thả trong kinh doanh và vi phạm luật bản quyền. Vì sự phát triển hợp tác văn hóa Hàn-Trung”

Nhận xét được đưa ra sau khi công ty Trung Quốc phát hành bộ phim gây tranh cãi vào ngày 11/12.

God of Bath, một webcomic nổi tiếng của Hàn Quốc trên Naver và áp phích cho bộ phim Trung Quốc Bath Buddy của đạo diễn Yi Zhenxing
"God of Bath" nổi tiếng của Hàn Quốc và poster bộ phim Trung Quốc "Bath Buddy" của đạo diễn Yi Zhenxing.

MoonWatcher nói rõ hơn về sự vụ, năm 2018, Wanda Media hợp tác cùng họ để sản xuất bộ phim dựa trên loạt webcomic của xứ kim chi nổi tiếng trên Naver và quyết định chọn Yi Zhenxing làm giám đốc cho dự án vào tháng 7 cùng năm. Kịch bản được viết nhắm đến thị hiếu khán giả Trung Quốc.

Tuy nhiên, công ty Trung Quốc đã bất ngờ hủy hợp đồng sản xuất chung với MoonWatcher và bắt đầu sản xuất riêng nhưng vẫn dựa trên webcomic của Hàn.

"Tôi đã mất khoảng tám năm chuẩn bị để đưa God of Bath thành phim. Nhưng đáng buồn là tôi không thể gọi đứa con tinh thần của mình là con mình” - Yoon Chang-Eop, Giám đốc điều hành của MoonWatcher, viết trong một tuyên bố.

Không chỉ phim ảnh, tranh chấp bản quyền Hàn-Trung còn liên tục rầm rộ vài năm trở lại đây trong lĩnh vực sản xuất các chương trình giải trí. Theo Nhật báo JoongAng của Hàn Quốc, thống kê từ năm 2014-2019, Trung Quốc đã ăn cắp ý tưởng trót lọt 34 chương trình thực tế của Hàn. Các hình thức đạo nhái bao gồm sao chép thiết kế đồ họa, định dạng, nội dung…

Trung Quốc đạo nhái một loạt gameshow Hàn Quốc.
Trung Quốc đạo nhái một loạt gameshow Hàn Quốc.

Theo Korea Times, việc đạo nhái còn trở nên trắng trợn đến mức được tiến hành công khai khiến công chúng và các công ty sản xuất Hàn dậy sóng như show Hyori's Homestay của JTBC bị đài truyền hình Hồ Nam làm lại y chang với tên gọi Dear Inn hay chương trình Produce 101 của Mnet bị iQiyi sao chép hoàn toàn thành Idol Producer.

Trong phần lớn trường hợp bị cáo buộc, các nhà sản xuất xứ Trung đều để mặc công chúng tranh cãi. "Tôi không quan tâm” dường như là phương châm ẩn của một số đài truyền hình Trung Quốc “ăn cắp” ý tưởng của các chương trình giải trí ăn khách xứ Hàn. Cùng với đó, luật pháp khác biệt tại Trung Quốc cũng rộng đường giúp các công ty nước này thoát khỏi các khung hình phạt pháp lý.

Hàn Quốc thắt chặt kiểm soát xâm phạm bản quyền

Để triệt phá vấn nạn xâm phạm bản quyền, Hàn Quốc đã thông qua hai luật liên quan đến ngành công nghiệp truyền hình và âm nhạc, khuyến khích các chuyên gia trong hai lĩnh vực này báo cáo các vấn đề vi phạm cho Bộ Ngoại giao. Nhiều phương tiện truyền thông Trung Quốc giải thích động thái này là một chính sách cứng rắn nhắm vào đất nước tỷ dân.

Đầu tháng 12/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc còn ủng hộ dự án chung với Interpol, nhằm đóng cửa các trang web vi phạm bản quyền, trong bối cảnh nhu cầu sử dụng nội dung văn hóa Hàn Quốc tăng cao trong đại dịch COVID-19 kéo dài.

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Park Yang-woo siết chặt kiểm soát vấn nạn xâm phạm bản quyền.
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Park Yang-woo siết chặt kiểm soát vấn nạn xâm phạm bản quyền.

Ủy ban tham vấn của ngành công nghiệp webcomic - sáu cổng thông tin điện tử quản lý truyện tranh trực tuyến tại Hàn - tuyên bố rằng các trang web bất hợp pháp khiến họ tiêu tốn 1,8 nghìn tỷ won từ tháng 1/2017 đến tháng 8/2018.

Do đó, Hàn Quốc sẵn sàng chi 700 triệu won (tương đương 643.250 USD) cho dự án với Interpol để hai bên thuận lợi hợp tác đóng cửa các trang web ở nước ngoài vi phạm quyền sở hữu trí tuệ thông qua việc sao chép, phân phối và buôn bán trái phép. Nó cũng sẽ thúc đẩy việc bắt giữ những người có liên quan.

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ tạo ra một hệ thống hợp tác với các cơ quan điều tra ở Trung Quốc và các nước châu Á khác để giải quyết những thiệt hại do nội dung bất hợp pháp gây ra.

Kể từ năm 2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã làm việc với Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc để truy quét nội dung sao chép. Một số trang web trong nước phạm luật đã bị đóng cửa và những người điều trang các web cũng bị bắt giữ. Nhưng các cơ quan quản lý cũng thừa nhận rất khó để theo dõi số lượng các trang web và nhà khai thác ở nước ngoài ngày càng tăng.

Chung Thu Hương 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI