Hàn Quốc - Netflix: Tận dụng thế mạnh của nhau để đạt tham vọng

08/03/2021 - 07:17

PNO - Chạm tay vào thể tài được cho là “độc tôn” mà Hollywood luôn tự hào - dòng phim khoa học viễn tưởng, Hàn Quốc chứng tỏ tiềm lực và cho thấy tham vọng ngày càng lớn của mình trong nền điện ảnh thế giới.

Nếu như Hàn Quốc lợi dụng nguồn vốn khủng của Netflix để hiện thực hóa thể loại “khó nuốt” nhất của nền điện ảnh hiện đại như khoa học viễn tưởng, thì “gã khổng lồ” trực tuyến cũng không kém cạnh khi tận dụng triệt để văn hóa xứ kim chi, mở rộng tầm ảnh hưởng của mình đến thị trường tỷ dân Trung Quốc và Ấn Độ.

Hàn Quốc dùng Netflix làm bàn đạp thăng tiến

Không phải đơn thuần Hàn Quốc bất chấp sự thất thế của các nhà sản xuất quê nhà, sự tuột dốc của các rating phim truyền hình, để bắt tay hợp tác với Netflix. Họ đủ thông minh để đánh giá những được và mất khi hiện thực hóa tham vọng lớn hơn, cạnh tranh ngang bằng với đế chế Hollywood.

Bom tấn khoa học viễn tưởng đầu tiên của Hàn Quốc Space Sweepers ra mắt đầu năm 2021.
Bom tấn khoa học viễn tưởng đầu tiên của Hàn Quốc Space Sweepers ra mắt đầu năm 2021

Bên cạnh thành công trong những năm gần đây khi xây dựng nét riêng nhờ thể loại phản ánh hiện thực, châm biến xã hội cho đến thể tài xác sống (zombie) bùng nổ, Hàn Quốc hiểu rằng họ cần phô trương hơn nữa sức mạnh và chạm tay vào thể tài được cho là “độc tôn” mà Hollywood luôn tự hào - dòng phim khoa học viễn tưởng.

Hầu hết các nền điện ảnh phát triển hàng đầu thế giới như Hollywood, Trung Quốc đều xem khoa học viễn tưởng là thể loại để phô diễn sức mạnh. Bởi ngoài kinh phí đầu tư khổng lồ, kỹ xảo đẹp mắt thì khoa học viễn tưởng còn thách thức vốn hiểu biết của các nhà làm phim.

Hiển nhiên để chạm tay vào thể loại ngốn tiền này, Hàn Quốc cần tận dụng nguồn tài chính dồi dào của “gã khổng lồ” trực tuyến Netflix và họ đã làm rất tốt.

Đầu năm 2021, sau khi ra mắt thành công bom tấn khoa học viễn tưởng đầu tiên Space Sweepers, với kinh phí đầu tư hơn 21 triệu USD, ngay lập tức Hàn Quốc đã bắt tay sản xuất hàng loạt tác phẩm cùng thể loại như Alien, Sisyphus: The Myth... hầu hết những bộ phim trên đều nhận được sự hỗ trợ kinh phí từ Netflix.

Ước tính từ năm 2015-2020, Netflix đã chi 700 triệu USD cho nội dung Hàn Quốc, bao gồm hơn 80 bộ phim và chương trình truyền hình. Và chỉ riêng trong năm 2021, nền tảng này tiếp tục chi đậm lên đến 500 triệu USD.

Studio mới của Netflix ở Hàn Quốc.
Studio mới của Netflix ở Hàn Quốc

Theo Yonhap, Netflix còn ký hợp đồng thuê hai cơ sở sản xuất bên ngoài Seoul - rộng 9.000 mét vuông tại YCDSMC - Studio 139 và 7.000 mét vuông tại Samsung Studio - để có thể đáp ứng nhu cầu của những người đăng ký nền tảng trên toàn thế giới "mong muốn xem nhiều phim gốc Hàn Quốc hơn".

“Netflix rất vui mừng khi tăng cường đầu tư vào phim điện ảnh và phim truyền hình Hàn Quốc. Với những studio mới này, Netflix có vị thế tốt hơn bao giờ hết để tăng cường sản xuất những câu chuyện tuyệt vời, cung cấp vô số công việc liên quan đến sản xuất cho các chuyên gia tài năng trong cộng đồng sáng tạo của Hàn Quốc” - Phó giám đốc điều hành phim trường hãng Netflix Amy Reinhard cho biết.

Các chuyên gia cũng nhận định, Netflix chịu chi tài chính mạnh đến thế một phần nhờ những nền tảng khác đang nhảy vào thị trường tiềm năng của Hàn Quốc như HBO Max, Disney...

Trong cuộc cạnh tranh của các “ông lớn” trực tuyến, được lợi nhất vẫn là điện ảnh Hàn Quốc, khi kinh phí luôn là nỗi khúc mắc lớn trong lòng các nhà sản xuất bấy lâu nay đã được giải quyết. Nắm trong tay đội ngũ nhân lực được đào tạo bài bản, kỹ xảo ngày càng phát triển và đặc biệt có thừa tham vọng, dự báo trong thời gian tới nền điện ảnh Hàn Quốc sẽ trở thành đối thủ đáng gờm của Hollywood.

Quân vương bất diệt, Hạ canh nơi anh và Điên thì có sao gây sốt tại châu Á trong năm 2020.
Quân vương bất diệt, Hạ cánh nơi anhĐiên thì có sao gây sốt tại châu Á trong năm 2020

Netflix mượn tay Hàn Quốc tấn công thị trường tỷ dân

Sau khi bước vào lĩnh vực kinh doanh phát trực tuyến hơn một thập kỷ, sự tăng trưởng của Netflix tại thị trường Bắc Mỹ, Mỹ Latinh và châu Âu đang chững lại. Do đó, công ty đang tìm cách mở rộng kinh doanh ra ngoài sân nhà, bằng cách nhắm tới thị trường năng động châu Á, đặc biệt là hai quốc gia tỷ dân Trung Quốc và Ấn Độ. Tính đến thời điểm hiện tại, Netflix chỉ có 23,5 triệu người đăng ký tại Trung Quốc, có nghĩa là phần lớn trong số đó vẫn chưa được khai thác.

Netflix xác định Hàn Quốc là một trong những chìa khóa thành công của họ ở châu Á - khu vực rộng lớn với hơn một nửa dân số thế giới. Làn sóng Hallyu (làn sóng Hàn Quốc) được xây dựng bài bản trong hơn 1 thập kỷ qua giúp chất lượng nội dung điện ảnh Hàn Quốc cũng như ảnh hưởng của nó trở nên nổi tiếng tại châu Á.

Một loạt tác phẩm Hàn Quốc như Kingdom 2, Quân vương bất diệt, Điên thì có sao, Khởi nghiệp... đều nằm trong những bộ phim ăn khách nhất năm 2020 trên nền tảng Netflix.

Netflix sử dụng văn hóa Hàn Quốc để tiếp cận sâu rộng thị trường châu Á.
Netflix sử dụng văn hóa Hàn Quốc để tiếp cận sâu rộng thị trường châu Á

Giám đốc điều hành kiêm giám đốc nội dung của Netflix, ông Ted Sarandos cho biết: “Trong hai năm qua, chúng tôi đã kinh ngạc khi chứng kiến khán giả thế giới yêu thích những nội dung của Hàn Quốc”.

Nỗ lực đầu tư vào nội dung văn hóa Hàn Quốc của Netflix cũng đã bắt đầu chứng tỏ hiệu quả. Sau 2 tháng đầu năm 2021, lượng người xem các bộ phim truyền hình xứ kim chi trên Netflix Ấn Độ đã tăng vọt 370% so với cùng kỳ năm 2020. Theo các chuyên gia, nhờ sự tương đồng về văn hóa, niềm tin vào các giá trị gia đình trong khi theo đuổi cách tiếp cận cuộc sống hiện đại giúp các tác phẩm xứ Hàn gây được tiếng vang lớn với người xem ở Ấn Độ, nhất là giới trẻ.

Chung Thu Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI