Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng

28/06/2023 - 05:33

PNO - Ngày Gia đình Việt Nam không chỉ là một sự kiện văn hóa thường niên mà còn nhắc mỗi người chúng ta về bổn phận, trách nhiệm gìn giữ, phát huy bao giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt.

Từ ngày cha mất do đột quỵ cách đây 5 năm, mỗi cuối tuần, bạn tôi đều đặn leo xe đò rời TPHCM về tỉnh Tiền Giang thăm mẹ. Anh lý giải về việc trực tiếp về thăm mẹ thay vì gọi video cho mẹ: “Tôi muốn làm điều tốt nhất chứ không phải làm điều dễ dàng, tiện lợi nhất”. 

Mới đây, một người bạn khác của tôi quyết định tổ chức lại bữa cơm gia đình có đầy đủ thành viên bởi chợt nhớ ra rằng, đã lâu, mình không nói tiếng nào với con. Mỗi ngày, chị leo mấy chục bậc cầu thang gõ cửa phòng, rủ con xuống nhà bếp ăn cơm chung bàn thay vì gửi tin nhắn nhắc con ăn đúng bữa như trước. 

Công nghệ giúp cho nhiều việc trở nên tiện lợi, đơn giản hơn, nhưng phần lớn chúng ta quên mất rằng, công nghệ chỉ là phương tiện phục vụ con người chứ không phải là thứ để con người phụ thuộc, bị chi phối, chia cách. 

Nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã chỉ ra mối liên hệ giữa trầm cảm với việc sử dụng mạng xã hội. Ở góc độ kết nối, đặc biệt là sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình, không khó nhìn ra sự khác biệt trong giao tiếp bằng những con chữ vô cảm qua màn hình với sự trực diện - nơi có sự biểu lộ cảm xúc qua nét mặt, giọng nói, dáng điệu để từ đó có sự thông hiểu, thấu cảm, sẻ chia.

Không chỉ chịu sự chi phối, tác động của công nghệ, sự phát triển chung của xã hội hiện đại còn dẫn đến sự thay đổi cấu trúc trong gia đình. Mỗi thành viên đều chịu rất nhiều áp lực. 

Để giữ được giềng mối gia đình, đòi hỏi mỗi thành viên phải học cách cân bằng, hỗ trợ và bày tỏ tình yêu thương với nhau. Vợ, chồng phải học cách tự giải quyết các vấn đề của mình để không trút giận lên nhau và lên con; mỗi người phải thấm nhuần giá trị của bình đẳng giới để tôn trọng nhau, yêu thương, chăm sóc nhau và tạo điều kiện cho nhau phát triển cá nhân.

Dù mô hình, cấu trúc gia đình có thể thay đổi, mỗi người có thể có nhiều mối bận tâm hơn, áp lực hơn thì những chức năng cơ bản của gia đình vẫn không hề thay đổi: là nơi xây dựng, nuôi dưỡng, trao truyền các giá trị văn hóa tốt đẹp, là thành tố quan trọng trong sự phát triển chung của xã hội, của đất nước. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 cũng nêu rõ: “Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. 

Chủ đề ngày Gia đình Việt Nam (28/6) năm nay là “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng”. Điều này thêm một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của gia đình đối với sự phát triển của đất nước, sự phồn thịnh của quốc gia.

Những ngày tháng Sáu này, khắp nơi tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam. Đây không chỉ là một sự kiện văn hóa thường niên nhằm tôn vinh vai trò, ý nghĩa của gia đình mà còn nhắc mỗi người chúng ta về bổn phận, trách nhiệm gìn giữ, phát huy bao giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt.

Phong Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI