Gần hơn với người xưa

28/04/2020 - 07:24

PNO - Lịch sử luôn mang lại niềm cảm hứng cho hậu thế, và phim ảnh cũng là con đường ngắn nhất đưa lịch sử đến gần hơn với công chúng.

Chọn đúng chủ đề được người xem quan tâm, đầu tư bài bản, mạnh dạn phá cách đưa vào hơi thở hiện đại, các sản phẩm giải trí chủ đề sử Việt thời gian qua như phim Phượng Khấu, series phim hoạt hình Nữ tướng Hai Bà Trưng, series truyện audio Hùng ca sử Việt đang được giới trẻ hào hứng đón nhận, bởi cách truyền tải lịch sử không bị khô khan - một hạn chế khiến lâu nay dòng phim này khó đến gần công chúng.

Yêu sử hơn qua phim ảnh

Trong tập mới nhất phim Phượng Khấu ra mắt ngày 23/4 có một cảnh phim gây chú ý, đó là đoạn vua Thiệu Trị thẩm tra và trị tội thủy quân cai đội Phạm Văn Nguyên, vì đã tắc trách trong vấn đề bảo vệ các bia miếu chủ quyền của Đại Nam ở Hoàng Sa. Câu chuyện Phạm Văn Nguyên từng được tiên đế chọn giao phụ trách xây dựng bia miếu, và từng bị trách phạt vì sai trễ trong việc họa lại bản đồ Đại Nam cũng được nhắc lại ở đoạn này.

Qua loạt phim hoạt hình Nữ tướng Hai Bà Trưng, người xem mới biết đến những nữ tướng như Bát Nàn, Thánh Thiên…
Qua loạt phim hoạt hình Nữ tướng Hai Bà Trưng, người xem mới biết đến những nữ tướng như Bát Nàn, Thánh Thiên…

Vào thời điểm dư luận trong, ngoài nước đang lên án hành động ngang ngược của Trung Quốc về hành vi xâm phạm chủ quyền Biển Đông, sự xuất hiện của cảnh phim trên như một lời nhắc nhở hậu thế đừng quên công cuộc giữ gìn bảo vệ chủ quyền biển đảo, bởi vấn đề này từ xưa đã được cha ông quan tâm thế nào. Ngoài ra, rải rác trong Phượng Khấu còn có một số tình tiết gợi nhắc “chuyện xưa tích cũ”, như chiếc nút áo hình chim phượng, hai thỏi vàng của vua Minh Mạng…

Chọn cách làm mang tính giải trí cao để nhẹ nhàng lồng ghép thông điệp giáo dục, quảng bá những cái hay cái đẹp của người xưa, từ đó khiến người xem tò mò tìm hiểu thêm về lịch sử, cũng là ý đồ của những người làm series hoạt hình hành động lịch sử về bảy nữ tướng Thánh Thiên, Lê Chân, Bát Nàn, Ả Chạ, Phật Nguyệt, Hồ Đề, Quý Lan thời Hai Bà Trưng.

Ba tập phim đã phát trên YouTube về nữ tướng Bát Nàn, Ả Chạ, Thánh Thiên, trong đó tập mới nhất về Thánh Thiên ra mắt ngày 11/4 vừa qua khiến khán giả - nhất là giới trẻ không khỏi phấn khích vì đã khơi gợi lòng tự hào dân tộc trong họ. Nội dung dễ hiểu, tiết tấu nhanh gọn, nét vẽ sắc sảo, âm thanh sống động, kỹ xảo tốt, chuyển động của các nhân vật mượt mà… là những lời khen chung dành cho phim, thể hiện qua các bình luận của người xem. 

Cũng được giới trẻ thích thú đón nhận là những mẩu chuyện về vua Quang Trung trong tập mới nhất của series phim audio Hùng ca sử Việt: Nguyễn Huệ phiêu lưu ký của kênh Đạt Phi Media (10 tập, ra mắt từ ngày 11/4) vì cách thể hiện dí dỏm. Chẳng hạn như miêu tả “nghĩa quân Tây Sơn đúng chuẩn Robin Hood”; gọi Nguyễn Nhạc là Mr. Nhạc hay đưa vào những từ/cụm từ hiện đại như “casino”, “phượt”, “vãi cả làng”…

Tất nhiên những sáng tạo này cũng gây tranh cãi, nhưng hầu hết bình luận của khán giả đều cho thấy mặt tích cực, bởi cách kể chuyện về ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ kiểu này khiến những vị anh hùng thời xưa trở nên gần gũi hơn với khán giả thời nay.

Giải trí có đầu tư

Lâu nay những tác phẩm phim ảnh làm về chủ đề lịch sử gặp nhiều hạn chế trong việc tiếp cận công chúng, bởi nội dung cũ kỹ, tư duy đề tài cũng như thể hiện theo lối mòn, dẫn đến cách truyền tải còn khô khan, cứng nhắc. Sự có mặt của những sản phẩm giải trí sử Việt như Nữ tướng Hai Bà Trưng, Hùng ca sử Việt mang đến một luồng gió mới cho công cuộc truyền bá tình yêu lịch sử qua phim ảnh. Ngay như Phượng Khấu, dù còn rất nhiều hạn chế, bất cập về chất lượng hư cấu lịch sử trong phim gây nhiều tranh cãi, nhưng không thể phủ nhận phim khiến người xem tò mò muốn biết thêm về số phận lịch sử của các nhân vật.

Tương tự, qua phim hoạt hình Nữ tướng Hai Bà Trưng, lớp hậu thế mới biết đến ngoài Hai Bà Trưng, Việt Nam còn những nữ tướng quật cường khác. Series phim audio Hùng ca sử Việt, trong đó tập mới nhất về vua Quang Trung cung cấp cái nhìn đa chiều về Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh cũng như cuộc khởi nghĩa Tây Sơn hào hùng.

Ngoài việc hướng đến cách thể hiện gần gũi, đậm tính giải trí, những sản phẩm sử Việt kể trên còn cho thấy sự đầu tư bài bản, chịu khó tìm tòi để có điểm nhấn lôi kéo người xem, người nghe. Phượng Khấu khác những phim cổ trang Việt ở sự chỉn chu, tỉ mỉ về phục trang. Nhiều hiện vật cổ được mô phỏng tinh xảo. Xem Nữ tướng Hai Bà Trưng có thể thấy phần nào công sức đầu tư, sự am hiểu lịch sử của ê-kíp, thể hiện qua những chi tiết nhỏ nhất như hình ảnh bộ chữ Khoa Đẩu của tộc người Việt cổ. 

Nói về “cách tân” sản phẩm giải trí chủ đề lịch sử, anh Đạt Phi, chủ kênh Đạt Phi Media cho biết: “Với giới trẻ, nếu kể chuyện lịch sử theo cách nghiêm túc, họ khó thể tiếp nhận, nên tôi tìm cách đưa vào sự hài hước. Trước đây, với hình thức kể chuyện, cả tuần mới đạt 3.000-4.000 người xem, nhưng khi chuyển sang hình thức phim, một ngày có thể đạt hơn 10.000 người xem”.

Các sản phẩm giải trí kể trên cho thấy lịch sử luôn mang lại niềm cảm hứng cho hậu thế, và phim ảnh cũng là con đường ngắn nhất đưa lịch sử đến gần hơn với công chúng. Vấn đề chỉ nằm ở cách làm, nếu tìm ra chìa khóa thực hiện, sản phẩm sẽ đạt hiệu quả tuyên truyền hơn bất cứ giáo trình sách vở nào. 

Hương Nhu

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI