Đừng ngồi im chờ khán giả quay lại

06/05/2025 - 19:30

PNO - Thực tế đời sống sân khấu ở TPHCM cho thấy chất lượng nghệ thuật chưa đủ để kéo khán giả trở lại rạp.

Trong bối cảnh khán giả ngày càng thay đổi thói quen thưởng thức, sân khấu không thể giữ cách tiếp cận truyền thống lâu nay. Cần nhiều hơn những sáng kiến mới để thu hẹp khoảng cách giữa sân khấu và công chúng.

Nhà hát Trần Hữu Trang, sân khấu Hoàng Thái Thanh, sân khấu Thế Giới Trẻ, nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TPHCM… vẫn đều đặn sáng đèn. Nhưng không ít đêm diễn, dù vở diễn có chất lượng tốt, được đầu tư nghiêm túc vẫn không thể lấp đầy khán phòng.

Các  chương  trình  Ngày  xửa  ngày  xưa thu  hút khán giả với không  gian  khán  phòng  sinh  động  và  lối  dà
Các chương trình Ngày xửa ngày xưa thu hút khán giả với không gian khán phòng sinh động và lối dàn dựng mang tính tương tác (Ảnh:Thuý Bình)

Khán giả không đến rạp không hẳn vì họ quay lưng với sân khấu, không phải vì sân khấu dở, không phải vì nghệ sĩ thiếu tâm huyết… mà vì sân khấu đang chậm thích nghi với những thay đổi trong thói quen tiếp nhận của công chúng. Sân khấu đang vận hành trong một thế giới có rất nhiều thay đổi, nơi khán giả không còn bị “hút” bởi sân khấu như xưa, nơi giải trí có thể đến từ chiếc điện thoại cầm tay, nơi thời gian trở nên quý giá hơn bao giờ hết. Khán giả không còn chờ đợi những đêm diễn nghiêm túc theo khuôn khổ. Họ muốn sự kết nối, trải nghiệm gần gũi, thoải mái hơn.
Nhiều người trẻ không ghét sân khấu, họ chỉ ngại đến rạp. Nhà hát vẫn là không gian nghệ thuật quan trọng nhất nhưng cũng là nơi đang bị xem là “xa cách”. Lý do có thể đến từ nhiều phía: không gian đơn giản, khép kín; cách đón tiếp cứng nhắc; thời lượng vở diễn quá dài; ít tương tác… Nếu sân khấu vẫn tiếp cận khán giả bằng cách cũ, khoảng cách ấy sẽ ngày càng xa.

Muốn kéo khán giả trở lại, cần tạo ra trải nghiệm hấp dẫn hơn từ khi họ bước vào nhà hát đến lúc rời khán phòng. Một đêm xem kịch hôm nay không chỉ cần vở diễn hay mà còn phải tạo cho khản giả cảm giác gần gũi. Khán giả cần được đón tiếp, được tương tác, kết nối.

Sân khấu TPHCM không thiếu nghệ sĩ tâm huyết, không thiếu kịch bản hay nhưng đang thiếu “thủ pháp” khiến khán giả cảm thấy họ được mời gọi tham gia chứ không chỉ “đến xem”.

Hiện nay tại Hàn Quốc, các nhà hát đang phá bỏ mô hình thưởng thức sân khấu một chiều. Trong vở nhạc kịch Once, khán giả được lên sân khấu 30 phút trước giờ diễn, gọi đồ uống tại quầy bar và giao lưu với nghệ sĩ. Vở Red Cliff tổ chức “ngày hát cùng”. Ở đó, khán giả được hòa giọng trong phần kết, cổ vũ theo phong cách pansori. Shear Madness thay đổi nội dung mỗi đêm dựa trên sự tương tác, phản ứng từ người xem, khiến khán giả trở thành một phần của vở kịch. Sự tương tác trên chẳng những không làm giảm giá trị nghệ thuật, trái lại, càng khiến người xem gắn bó hơn vì họ không chỉ là người xem thụ động mà là người đồng hành.

Với TPHCM, một đạo diễn đề xuất, nên chăng, bắt đầu từ những điều nhỏ: chia sẻ những câu chuyện hậu trường trước vở diễn; để khán giả tương tác với đạo cụ, bối cảnh; tạo sân khấu mở để người xem có thể giao lưu sau buổi diễn; thay đổi cách đón khán giả - gần gũi, cởi mở hơn. Thậm chí, có thể thử nghiệm hình thức diễn “không khán phòng”, nơi nghệ sĩ và khán giả cùng chung không gian. Những điều này không làm mất đi tính chuyên nghiệp, mà giúp nhà hát trở nên gần gũi hơn, nhất là với người trẻ.

Sân khấu TPHCM đang đứng trước ngã rẽ: chấp nhận thay đổi để thích ứng hoặc tiếp tục giữ khuôn mẫu cũ và dần bị quên lãng. Trong một thời đại công chúng bị bủa vây bởi vô vàn sự lựa chọn giải trí khác, nhà hát không thể chỉ chờ khán giả quay lại mà phải chủ động bước ra khỏi giới hạn để mời gọi họ.

Gia Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI