Đón tết và du lịch ở TPHCM, tại sao không?

05/01/2023 - 06:23

PNO - Khách tham quan sẽ hài lòng với các sản phẩm du lịch của TPHCM trong dịp tết này. Chính du khách là những tuyên truyền viên, những đại sứ du lịch quảng bá cho ngành du lịch TPHCM

Thay vì về quê hay du lịch ở xa, dịp tết, nhiều người chọn ở lại TPHCM và đưa người thân vào đây để du lịch. Đây là cơ hội của các đơn vị lữ hành, điểm du lịch ở TPHCM.

Ăn tết ở TPHCM không chỉ để giảm chi phí 

Du lịch cộng đồng ở ấp đảo Thiềng Liềng (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ) - một trong những sản phẩm du lịch mới của ngành du lịch TPHCM được kỳ vọng sẽ thu hút khách trong dịp tết Quý Mão 2023 ẢNH: M.A.X
Du lịch cộng đồng ở ấp đảo Thiềng Liềng (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ) - một trong những sản phẩm du lịch mới của ngành du lịch TPHCM được kỳ vọng sẽ thu hút khách trong dịp tết Quý Mão 2023 ẢNH: M.A.X

Những ngày cuối năm Nhâm Dần, vợ chồng anh Trương Đỏ (quận Bình Tân, TPHCM) không lo “săn” vé tàu, xe để về quê hay đi du lịch. 20 năm sống ở TPHCM, đây là năm thứ ba, anh không đưa gia đình về quê (TP Đà Nẵng) ăn tết.

Anh nói: “Năm nay, nếu về quê bằng tàu hỏa, gia đình tôi tốn vài chục triệu đồng tiền vé. Nếu đi bằng máy bay, chi phí nhiều gấp đôi, gấp ba. Do đó, tụi tôi quyết định đón tết ở TPHCM và mời người thân vào đây cùng đón tết để tiết kiệm tiền và cùng nhau du lịch ở đây luôn”.

Anh lý giải, ngày 25 tháng Chạp là cao điểm vé tàu, xe từ TPHCM đi các tỉnh miền Trung. Người nhà anh đi chiều ngược lại nên giá vé rất rẻ. Qua tết, khi người dân trở lại TPHCM thì người nhà anh sẽ về quê. Anh nói: “Tôi hay nói vui là gia đình tôi đón tết ngược. Nhưng năm nay, kinh tế khó khăn, việc tính toán để tiết giảm chi phí là hợp lý”.

Gia đình anh Trương Đỏ đã chọn tour du lịch “Sắc màu Bình Tân” để trải nghiệm, khám phá quận Bình Tân - nơi gia đình anh đã gắn bó suốt 20 năm qua. “Sắc màu Bình Tân” là sản phẩm du lịch mà UBND quận Bình Tân vừa ra mắt vào cuối tháng 12/2022, bao gồm tham quan đình Bình Trị Đông và tham gia hoạt động của đình làng xưa như dâng chữ, hái lộc, xem các “thầy đồ” địa phương trình diễn nghệ thuật họa pháp (kết hợp giữa viết và vẽ). 

Cũng trong tour này, du khách sẽ được chiêm bái chùa Huệ Nghiêm - ngôi chùa có kiến trúc hình chữ sơn độc đáo và khung cảnh thanh tịnh, yên bình; tham quan xưởng làm bánh ABC và tìm hiểu quy trình sản xuất bánh của một thương hiệu Việt nổi tiếng; trải nghiệm Vườn Nắng Outdoor Café và tự tay làm ra những món quà ý nghĩa từ ống tre để tặng người thân và bạn bè.

Theo anh Trương Đỏ, giá tour gần 850.000 đồng/khách/ngày, gần 500.000 đồng/khách/buổi là hợp lý. Gia đình anh chưa bao giờ biết đến những điểm du lịch trên dù đã sống ở quận Bình Tân 20 năm qua.

Chị Trần Minh Hạnh (quận 6, TPHCM) cho biết, gia đình chị vừa đăng ký 2 tour du lịch nội thành TPHCM trong những ngày đầu năm Quý Mão, gồm 1 tour vãn cảnh và 1 tour tìm hiểu văn hóa của người Hoa ở Chợ Lớn: “Năm nay, việc kinh doanh hàng thời trang không tốt lắm nên vợ chồng tôi không đủ chi phí để đưa 2 bên nội ngoại du lịch xa như mọi năm. Tôi chọn du lịch ở TPHCM để giảm chi phí và cũng để các cháu nhà tôi hiểu thêm về văn hóa của vùng đất này. Tôi thấy TPHCM ngày càng có nhiều loại hình du lịch đa dạng, hấp dẫn”.

Tham quan xưởng làm bánh ABC là một trong những điểm nhấn của chương trình du lịch “Sắc màu Bình Tân” (trong ảnh: Chủ hiệu bánh ABC Kao Siêu Lực (bìa trái) đang thuyết trình với du khách về quy trình làm bánh mì thanh long từng để giải cứu nông sản Việt trong mùa dịch) - Ảnh: Sơn Vinh
Tham quan xưởng làm bánh ABC là một trong những điểm nhấn của chương trình du lịch “Sắc màu Bình Tân” (trong ảnh: Chủ hiệu bánh ABC Kao Siêu Lực (bìa trái) đang thuyết trình với du khách về quy trình làm bánh mì thanh long từng để giải cứu nông sản Việt trong mùa dịch) - Ảnh: Sơn Vinh

Ông Trần Quang Duy - Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ lữ hành Chim Cánh Cụt - cho hay, từ khi có dịch COVID-19 đến nay, nhiều người dân TPHCM chọn du lịch ngay trong thành phố để phòng tránh dịch bệnh, đồng thời tiết kiệm chi phí. Hiện công ty đã phối hợp với Sở Du lịch TPHCM, 21 quận, huyện và TP Thủ Đức để xây dựng và khai thác tour. Các tour du lịch này nhận được sự quan tâm của du khách, nhiều người đã đặt mua tour. 

Theo ông, mỗi địa phương ở TPHCM đều xây dựng một sản phẩm du lịch nhưng điều đặc biệt là các sản phẩm du lịch không bị trùng nhau, thuận tiện cho du khách lựa chọn. Chẳng hạn, ở quận 11 có tour “Có

Các sản phẩm du lịch mà các quận, huyện ở TPHCM xây dựng và khai thác không chỉ chú trọng về thưởng lãm, trải nghiệm mà còn hướng đến quảng bá nền văn hóa đa dạng của TPHCM” - ông Trần Quang Duy cho biết. 

một Chợ Lớn rất khác”, gồm tham quan chợ Thiếc, tìm hiểu về cách chế tác đồ thủ công của người Hoa sống ở Sài Gòn - Chợ Lớn xưa; tham quan Khánh Vân Nam Viện đạo quán - một đạo quán lớn nhất của người Hoa ở TPHCM, có cảnh sắc lung linh như trong các phim cổ trang; xem cách làm và thưởng thức sủi cảo ở phố ẩm thực Hà Tôn Quyền. Còn ở TP Thủ Đức thì có tour đi thuyền ngắm sông Sài Gòn…

Nâng tầm thương hiệu du lịch TPHCM

Bà Lê Thị Ngọc Dung - Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân - cho biết, Bình Tân là một quận đông dân, nằm ở cửa ngõ phía tây TPHCM, không có nhiều tài nguyên du lịch so với các quận, huyện khác. “Sắc màu Bình Tân” là sản phẩm du lịch do UBND quận Bình Tân phối hợp với Sở Du lịch và Công ty cổ phần Dịch vụ lữ hành Chim Cánh Cụt tổ chức khảo sát, xây dựng và giới thiệu. Sản phẩm này nằm trong chương trình “Mỗi quận, huyện có ít nhất 1 sản phẩm du lịch đặc trưng”. 

“Sắc màu Bình Tân” giới thiệu đến du khách các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của quận gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Sài Gòn - Gia Định, đồng thời quảng bá đời sống phong phú của cộng đồng địa phương gắn với các hoạt động kinh tế, sự sống động, vui tươi của một quận trẻ. 

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM - thông tin, năm nay, bên cạnh các tour trong chương trình “Mỗi quận, huyện có ít nhất 1 sản phẩm du lịch đặc trưng”, ngành du lịch TPHCM còn tiếp tục công bố những sản phẩm gắn liền với tết dương lịch và tết cổ truyền, như tham quan các làng nghề hoa kiểng, mai tết; trải nghiệm cảnh “trên bến dưới thuyền” ở bến Bình Đông; khám phá, trải nghiệm phong tục tập quán, đời sống văn hóa của người Kinh, người Hoa.

Bà nói: “Đối với những tour khai thác phong tục tập quán, đời sống văn hóa trong ngày tết cổ truyền, chúng tôi chú trọng đa dạng hóa về hình thức lẫn nội dung để chúng thật đặc sắc, từ đó nâng tầm thương hiệu du lịch TPHCM”.

Theo bà, năm nay, ngành du lịch TPHCM cũng sẽ ra mắt nhiều sản phẩm du lịch mới, như sản phẩm du lịch cộng đồng ở ấp đảo Thiềng Liềng. Sở Du lịch TPHCM sẽ phối hợp với các đơn vị truyền thông để quảng bá tour này. Hiện nay, sở đang phối hợp với UBND các quận, huyện cập nhật các địa điểm du lịch lên Google Maps để người dân biết đến.

“Chúng tôi tin rằng, khách tham quan sẽ hài lòng với các sản phẩm du lịch của TPHCM trong dịp tết này. Chính du khách là những tuyên truyền viên, những đại sứ du lịch quảng bá cho ngành du lịch TPHCM” - bà Ánh Hoa nhận định. 

Ra mắt tour du lịch đông y

Ngày 30/12/2022, UBND quận 10 công bố 2 tour du lịch đặc trưng của quận là “Quận 10 - nơi lịch sử ghi dấu” và “Quận 10 - nghe kể chuyện đông y”. Du khách sẽ tham quan, trải nghiệm phòng bào chế thuốc và vườn thảo dược của chùa Tân Hưng Long, tham quan Bảo tàng Y học cổ truyền (Fito) - nơi có hơn 3.000 hiện vật quý liên quan đến nền y học cổ truyền Việt Nam. 

Cần quảng bá mạnh cho tour, điểm du lịch mới

Ông Trần Vũ Bình - con trai của Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Văn Lai - cho hay, sau khi hệ thống quán cà phê Đỗ Phủ và Bảo tàng Biệt động Sài Gòn được xếp vào nhóm sản phẩm du lịch đặc trưng của quận 1, lượng khách đến những nơi này tăng khoảng 50 - 60% so với trước. Trước đây, mỗi tuần, quán và bảo tàng đón 2-3 đoàn khách còn hiện nay, mỗi tuần có 4-5 đoàn, có đoàn hàng trăm khách. Theo đại diện các doanh nghiệp du lịch, rất nhiều tour du lịch của các quận, huyện có tiềm năng thu hút khách nhưng vẫn trầm lắng là do chưa được quảng bá tốt. 

Vẫn còn nhiều tour chưa hấp dẫn

Ông Trần Quang Duy cho biết, Công ty cổ phần Dịch vụ lữ hành Chim Cánh Cụt đang phối hợp với UBND nhiều quận, huyện xây dựng và khai thác tour mới trong khuôn khổ chương trình “Mỗi quận, huyện có ít nhất 1 sản phẩm du lịch đặc trưng”. 

Theo ông, sản phẩm du lịch của huyện Bình Chánh, quận 11 thu hút khách khá tốt, lượng khách ổn định nhưng sản phẩm du lịch của quận 12 chưa thu hút do đường đi khá xa, khách ít được trải nghiệm, điểm đến là công viên phần mềm Quang Trung hạn chế đưa khách vào, giá tham quan khá cao. Tour du lịch của quận Phú Nhuận có điểm đến là di tích Trụ sở phái đoàn liên lạc Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam (87A Trần Kế Xương) nhưng điểm này lại chưa có thuyết minh viên, ít tư liệu lịch sử. Do đó, công ty đang làm việc lại với các điểm đến, tính toán lại hoạt động đưa đón khách, chính sách giá.

Sơn Vinh - Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI