Doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chật vật tìm nguyên liệu

02/06/2022 - 06:15

PNO - Một số quốc gia đã hạn chế, tạm dừng xuất khẩu ngũ cốc, dầu ăn, thịt… vì lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong nước. Tình hình này khiến các doanh nghiệp sản xuất sử dụng nguyên liệu nhập khẩu gặp không ít khó khăn.

 

Giá các sản phẩm dầu ăn, đường, bột mì... hiện đều tăng cao. Người tiêu dùng có xu hướng chọn mua sản phẩm có giá trung bình để tiết kiệm chi tiêu (trong ảnh: Một sạp tạp hóa ở chợ Tân Định, Q.1, TP.HCM) - ẢNH: THANH HOA
Giá các sản phẩm dầu ăn, đường, bột mì... hiện đều tăng cao. Người tiêu dùng có xu hướng chọn mua sản phẩm có giá trung bình để tiết kiệm chi tiêu (trong ảnh: Một sạp tạp hóa ở chợ Tân Định, Q.1, TPHCM) - Ảnh: Thanh Hoa

Nguồn cung khan hiếm
Bà Huỳnh Phương Trinh - Phó Tổng giám đốc Công ty liên doanh Bột quốc tế (Intermix) - cho biết: Hiện công ty đang bị thiếu hụt các loại nguyên liệu tinh bột bắp, tinh bột mì... Các đối tác của công ty ở Ý, châu Âu thông báo họ không có đủ hàng để cung ứng, giá các nguyên liệu này cũng điều chỉnh tăng rất cao. Ví dụ giá bột bắp hiện là 20.000 đồng/kg sẽ lên 25.000 đồng/kg trong quý III/2022 và 38.000 đồng/kg trong quý IV/2022... Dù giá nguyên liệu “nhảy múa” như vậy nhưng vẫn không đủ hàng để mua, do đó công ty không dự trữ hàng được. Nguyên liệu khan hiếm nên các đối tác phải chia hàng ra bán cầm chừng cho các khách hàng. 
“Sau hai tháng thiếu hụt nguồn bột mì, hiện giá nguyên liệu này đã tăng từ 700 USD/tấn lên 1.000 USD/tấn. Giá bột mì sẽ còn tăng nữa trong khi lượng hàng có thể nhập được rất hạn chế. Trung bình, doanh nghiệp (DN) nhập 8 container bột mì/tháng nhưng hiện nay đối tác chỉ cung cấp 2 container/tháng, chúng tôi phải tìm thêm nguồn hàng khác bù đắp khoản thiếu hụt này”, bà Trinh chia sẻ. 
Ông Đỗ Thái Vương - Phó Chủ tịch Công ty Unilever Việt Nam - cho biết đến nay, ngoài việc đứt nguồn cung từ Ukraine còn có thêm các nước như Kazakhstan, Serbia, Ấn Độ, Ai Cập, Nga, Argentina, Iran, Algeria, Indonesia, Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tạm dừng xuất khẩu bột mì, ngũ cốc, dầu, muối, đường… cho đến ngày 31/12/2022. Trong các nước này, Ukraine, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Algeria là những nước xuất khẩu lúa mì, ngũ cốc hàng đầu thế giới. Lệnh dừng xuất khẩu này đang giáng một đòn khá mạnh vào thị trường thế giới, trong đó có các DN Việt Nam vốn đang lao đao vì nguồn cung nguyên liệu thắt chặt. “Chúng tôi buộc phải tìm kiếm thêm nguồn cung từ các nước khác như Bangladesh, Brazil… Tuy nhiên nguồn hàng không dồi dào, chi phí gia tăng gần gấp đôi. Chưa bao giờ các DN gặp khó khăn như lúc này” - ông Đỗ Thái Vương thông tin. 
Bà Lê Thị Giàu - Chủ tịch Công ty Thực phẩm Bình Tây - cho biết DN bà nhập khoảng 20% bột mì để sản xuất mì, bún, phở... Hiện giá nguyên liệu bột mì nhập đã tăng 20%, giá dầu ăn tăng 40% so với lúc trước dịch COVID-19. Nguồn nguyên liệu nhập của DN tuy chưa bị khan hiếm nhưng giá tăng cao, đối tác cũng không cho thanh toán chậm 30 - 40 ngày như bình thường mà buộc phải thanh toán trước.  Họ cũng thông báo giá nguyên liệu sắp tới sẽ còn tăng nữa. Khó khăn là DN không thể nhập nhiều bột mì để dự trữ vì hạn sử dụng bột mì tối đa chỉ ba tháng. 
Ông Nguyễn Quốc An - Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm bánh kẹo Ánh Dương - cho biết DN ông không nhập trực tiếp mà mua qua các DN cung cấp nguyên phụ liệu ngành bánh. Hiện giá một số loại nguyên liệu tăng cao nhưng nguồn cung không còn nhiều. Chẳng hạn giá bột mì tăng 40%, giá đường tăng 60% (có thời điểm tăng 100%). Giá các loại shortening từ 22.000 đồng/kg nay lên 48.000 - 52.000 đồng/kg; giá bơ, dầu cọ từ 26.000/kg lên 56.000 đồng/kg. 
Giá hàng hóa tăng theo
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại TPHCM, đã có tình trạng một số nhóm hàng thiếu hụt cục bộ. Mẫu mã sản phẩm cũng không còn phong phú... 
Chị Hiền - chủ sạp bánh kẹo Hiền Lan (chợ Tân Định, Q.1) - cho biết trước đây kẹo sữa Milkita có đến 8-9 loại nhưng giờ chỉ nhập về bán được một loại. Giá các loại kẹo bắp (làm bằng bột mì) tăng từ 35.000 đồng/kg lên 42.000 đồng/kg. Giá bán sỉ các loại bánh (bán theo kg) tăng từ 150.000 đồng/thùng lên 170.000 đồng/thùng. 

Nhiều nhóm hàng hóa sử dụng nguyên liệu nhập khẩu đã tăng giá liên tục Ảnh: Nguyễn Cẩm
Nhiều nhóm hàng hóa sử dụng nguyên liệu nhập khẩu đã tăng giá liên tục Ảnh: Nguyễn Cẩm


Anh Bảo - tiểu thương chợ Rạch Ông kinh doanh thực phẩm khô hơn 20 năm nay - cho biết chưa bao giờ mãi lực chợ yếu và giá hàng hóa tăng liên tục như hiện nay. Các loại ngũ cốc, bột mì vẫn có hàng nhưng giá tăng từ 9.000 đồng lên 12.000 đồng/gói 0,5kg; Giá dầu ăn tăng gần gấp đôi so với trước. Chẳng hạn dầu Cái Lân từ 25.000 đồng/lít lên đến 46.000 đồng/lít; dầu Tường An từ 30.000 đồng/lít lên 50.000 đồng/lít. Tình hình này khiến anh không dám lấy hàng nhiều để bán. 
Theo chủ sạp bách hóa Thiện (chợ An Đông, Q.5), khoảng một tháng trở lại đây, sức mua vốn đã yếu lại còn chững lại thêm, nhất là ở phân khúc mặt hàng cao cấp. Có khi cả tháng trời, sạp này không bán được mặt hàng dầu ô-liu, dầu gạo lứt nào cả do giá đắt hơn vài chục ngàn đồng/sản phẩm so với các loại dầu thông thường. 
Về phía các DN, theo bà Lê Thị Giàu, hiện công ty thực phẩm Bình Tây chỉ cố gắng duy trì sản xuất, kìm giữ giá chứ không có lời. Ông Nguyễn Quốc An cho biết, trước áp lực giá xăng dầu, nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển, lương nhân công… tăng, DN buộc phải tăng giá sản phẩm 30%. Dù vậy, DN vẫn đang lỗ chứ không có lời. “Đã vậy, hàng nhập Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia lại còn tràn vào, dập “te tua” DN nội. Thời gian qua, DN vừa và nhỏ trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ nào về giãn nợ, giảm lãi suất. Tôi mong rằng gói cấp bù lãi suất 2% tới đây của Nhà nước có chỗ dành cho các DN vừa và nhỏ để chúng tôi tiếp tục có cơ hội duy trì sản xuất” - ông Nguyễn Quốc An nói. 

Xuất khẩu nông sản, thực phẩm tăng mạnh
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản năm tháng đầu năm 2022 ước đạt 41,3 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 23,2 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi nhập khẩu gần 18,1 tỷ USD, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Ngành nông nghiệp đang xuất siêu gần 5,1 tỷ USD, cao gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước.
Nhóm sản phẩm chính (cà phê, gạo, rau quả, tôm, sản phẩm gỗ) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 9,4 tỷ USD (tăng 10,4%); lâm sản chính đạt gần 7,7 tỷ USD (tăng 7,6%). Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông, lâm, thủy sản Việt Nam với gần 6,5 tỷ USD (28,0% thị phần). Trong đó, nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 67,5% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản xuất khẩu vào thị trường này.

Quang Bình

Thanh Hoa - Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI