TPHCM

Đề kiểm tra cuối học kỳ chất liệu “cây nhà lá vườn” gây sốt

06/05/2023 - 15:23

PNO - Viết bài luận ứng tuyển vào câu lạc bộ trường, thuyết phục bạn bè trong lớp bỏ “chia bè kết phái”… là yêu cầu “vừa quen vừa lạ” xuất hiện trong đề kiểm tra ngữ văn lớp 10 cuối học kỳ II tại TPHCM khiến học sinh thích thú.

“Cây nhà lá vườn” vào đề

“Em hãy viết bài luận về bản thân để thuyết phục một trường đại học ở nước ngoài cấp học bổng cho em hoặc để ứng tuyển vào một câu lạc bộ của trường (CLB Văn học/ Anh văn/ văn nghệ/ Trần Phú Media/ Nhiếp ảnh/ Mỹ thuật…) mà em yêu thích” - (4 điểm) là yêu cầu được đặt ra cho học sinh khối 10 trong đề kiểm tra ngữ văn cuối học kỳ II Trường THPT Trần Phú (quận Tân Phú).

M.Q - học sinh lớp 10, Trường THPT Trần Phú - hào hứng: “Đây là lần đầu tiên em được tiếp cận một đề kiểm tra với yêu cầu thú vị như vậy. Việc đưa yêu cầu thực tế hoạt động tại trường vào trong đề kiểm tra cuối học kỳ giúp chúng em không áp lực khi làm bài bởi sự gần gũi. Với đề kiểm tra này, bạn nào cũng có thể làm được bài dưới góc nhìn của mình mà không thể nào học tủ, học vẹt được, quan trọng là phải có kỹ năng để làm bài”.

Tương tự, đề kiểm tra ngữ văn khối 10 cuối học kỳ II của Trường THPT Ngô Quyền (quận 7) cũng khiến nhiều học sinh khá bất ngờ khi thấy ở phần nghị luận xã hội (4 điểm) xuất hiện yêu cầu học sinh viết bài luận giới thiệu bản thân để ứng tuyển vào vị trí Ban chấp hành Đoàn trường.

Cụ thể: “Ban Chấp hành Đoàn Trường THPT Ngô Quyền đang tổ chức tuyển vị trí đội trưởng cho đội Xung kích của trường. Anh/chị hãy viết một bài luận (khoảng 500 chữ) giới thiệu về bản thân để ứng tuyển vào vị trí đó”. Yêu cầu “lạ mà quen” này đã tạo ra sự say mê và hào hứng làm bài cho học sinh.

Chất liệu trường học cũng là nội dung đang gây sốt trong đề kiểm tra ngữ văn cuối học kỳ II lớp 10 của Trường THPT Trưng Vương (quận 1). Theo đó, phần làm văn (6 điểm) trong đề kiểm tra có yêu cầu: “Gần đây trong lớp thường xảy ra tình trạng nội bộ lục đục giữa các nhóm học sinh với nhau. Vì vậy, để tránh việc gây mất đoàn kết giữa các thành viên, em hãy viết một bài luận thuyết phục các bạn trong lớp từ bỏ thói quen chia bè kết phái”.

“Em thấy đề rất gần gũi, nhiều ý nghĩa, đặc biệt khi vấn đề bạo lực học đường thời gian qua đang gây nhức nhối. Yêu cầu này khiến chúng em phải tự nhìn nhận, suy nghĩ để tìm ra giải pháp, qua đó hạn chế bạo lực học đường” - 1 học sinh lớp 10, Trường THPT Trưng Vương bày tỏ.

Đổi mới là đưa môn học gần hơn với học sinh

Chia sẻ về đề kiểm tra độc đáo, cô Lê Thị Tuyết Lan - Tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THPT Trần Phú - cho hay, trong chương trình ngữ văn lớp 10 Chương trình mới, học sinh được học về kỹ năng viết bài luận. Kết thúc học kỳ II, việc ra đề kiểm tra được cả tổ bàn bạc để làm sao đề không chỉ mang tính mới, học sinh ứng dụng được các kỹ năng đã học vào làm bài mà còn gắn với chính thực tế ở trường học, thực tế trong đời sống của các em…

“Quan sát học sinh khối 10 năm nay, nhận thấy nhiều em có nguyện vọng xin học bổng đại học và đã có chuẩn bị ngay từ bây giờ. Trong khi đó, việc tham gia các hoạt động câu lạc bộ, phong trào tại trường phổ thông là một trong những yếu tố được nhiều trường đại học đưa vào tiêu chí xét duyệt học bổng. Khi ra yêu cầu này trong đề kiểm tra, nhà trường mong muốn hướng các em đến việc tự tin giới thiệu về bản thân mình, hăng hái, mạnh dạn hơn tham gia vào các câu lạc bộ, phong trào của trường để rèn luyện, tích lũy thêm kỹ năng, kiến thức và các cơ hội cho bản thân” - cô Lan nói.

Đổi mới là đưa môn học đến gần hơn với học sinh
Học sinh được rèn luyện, tích lũy thêm kỹ năng, kiến thức...

Theo cô Tuyết Lan, đổi mới môn học không phải là đưa những yêu cầu thật to tát, xa vời vào trong kiểm tra đánh giá học sinh. Đổi mới chỉ đơn giản là làm cho môn học trở nên gần gũi, thiết thực, ứng dụng nhiều hơn vào trong cuộc sống, từ đó học sinh sẽ có ý thức hơn khi tiếp cận môn học.

Trong khi đó, với yêu cầu “thuyết phục học sinh trong lớp không chia bè kết phái” trong đề kiểm tra, cô Nguyễn Trần Hạnh Nguyên - Tổ tưởng tổ Ngữ văn, Trường THPT Trưng Vương - mong muốn học sinh nhận thức đúng đắn hơn về bạo lực học đường, cùng chung tay đẩy lùi bạo lực học đường trong lớp, trường. 

Cô Nguyên chia sẻ: "Thời gian gần đây, những câu chuyện buồn từ việc bị bạn bè bắt nạt, tẩy chay, đánh đập, bè phái trong học sinh đã gây ra tổn thương ghê gớm về thể xác, tâm lý, tinh thần học sinh. Là một người mẹ, là một giáo viên tôi rất đau lòng và thật sự lo lắng. Ngay học sinh tôi dạy cũng có em là nạn nhân của bạo lực học đường khi từ khi học lớp 10 em đã bị bạn bè bắt nạt, bè phái…".

“Bạo lực học đường chỉ được đẩy lùi khi thay đổi được nhận thức của học sinh. Đề kiểm tra cuối học kỳ được tổ chuyên môn suy nghĩ, để vừa đáp ứng được yêu cầu kỹ năng làm bài của học sinh, vừa mang tính mới song đồng thời ít nhiều giúp các em nhận thức được vấn đề đang diễn ra xung quanh, có suy nghĩ đúng, từ đó hành xử đúng về bạo lực họ đường. Qua đây cũng giúp học sinh nhận thấy học văn là học làm người từ nhưng điều đơn giản nhất…” - cô Hạnh Nguyên nói thêm. 

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI