Để chỗ ở không quá xa tầm với người dân

09/08/2022 - 06:24

PNO - Nhiều người sống ở TPHCM không khỏi chạnh lòng khi nhà cao tầng cứ liên tục mọc lên khắp nơi, nhưng mình lại không thể có được một chỗ ở đúng nghĩa.

 

Theo UBND TPHCM, trong giai đoạn 2016-2020, diện tích sàn nhà ở xã hội (NƠXH) chỉ tăng thêm 1,23 triệu m2, tức chỉ tăng 2,2%. Còn theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), trong giai đoạn 2011-2020, cả nước đạt 41% kế hoạch phát triển NƠXH. Riêng TPHCM xây dựng được 15.000 căn NƠXH, đạt 75% kế hoạch của giai đoạn 2016-2020. 

Nhưng chưa có thống kê nào cho biết, trong số căn NƠXH đã được xây, bao nhiêu phần trăm đến được đúng đối tượng có nhu cầu ở thật sự chứ không phải đến tay “nhà đầu tư”. 

Chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng thông tin, quy hoạch ban đầu năm 1991 của Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TPHCM) dành ra khoảng 6ha xây dựng nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, đề xuất này bị bác. Lẽ ra, một mô hình khu chế xuất tiên phong cả nước như Tân Thuận phải bảo đảm các yếu tố mang tính chuẩn mực để các khu chế xuất, khu công nghiệp sau này làm theo. Các yếu tố đó bao gồm:  chỗ lưu trú cho công nhân, khu thương mại dịch vụ, khu vui chơi, nhà trẻ…

Ở Singapore, khu đô thị Queenstown - khối tài sản đầu tiên được lưu hành giúp tạo ra một thị trường bất động sản vững mạnh sau này của đảo quốc - lại chính là một khu NƠXH do chính phủ xây cất và trợ giá. Năm 1960, Thủ tướng Lý Quang Diệu cho thành lập Hội đồng Phát triển nhà ở (HDB) với nhiệm vụ cung cấp nhà ở với giá cả hợp lý cho các gia đình có thu nhập thấp.

Ban đầu, Chính phủ Singapore cho thuê “căn hộ trợ cấp” HDB với giá 20 USD/tháng, tức không quá 20% thu nhập trung bình hằng tháng của người làm công ăn lương. Trong năm năm đầu triển khai chương trình (1961-1965), HDB đã cung cấp hơn 51.000 căn hộ, với ít nhất 10.000 căn giá rẻ cho nhóm có thu nhập thấp. Phần lớn căn hộ trong số này nằm gần trung tâm, là địa bàn kiếm sống quen thuộc của người nghèo đô thị. 

Năm 1964, Chính phủ Singapore quyết định bán căn hộ có trợ cấp. Khoảng 2.000 căn hộ hai và ba phòng ngủ ở Queenstown đã được bán cho những người có thu nhập trung bình thấp với giá chỉ 4.900 đô la Singapore/căn. Các giao dịch bán NƠXH của HDB đều theo hình thức hợp đồng thuê 99 năm, người mua bị cấm bán lại tài sản trong ít nhất năm năm và mỗi hộ được quyền mua căn hộ trợ cấp hai lần trong đời. 

Hiện Singapore là quốc gia có tỷ lệ sở hữu nhà cao nhất thế giới và hơn 80% dân số đang sống trong các khu NƠXH do chính phủ xây dựng. Nước này hiện có hơn 1 triệu căn NƠXH. HDB trở thành “tập đoàn” phát triển các dự án bất động sản hiện đại nhưng dành cho người có thu nhập từ thấp đến trung bình…

Sự thành công của mô hình phúc lợi nhà ở của Singapore cho thấy, cần có chiến lược về nhà ở dành cho người có thu nhập thấp. Thị trường nhà ở phải được phân khúc, điều tiết cẩn thận; nguồn vốn chủ yếu để hỗ trợ việc mua nhà ở là từ quỹ tiết kiệm trong nước; nhà ở luôn được trao cho các hộ đủ điều kiện mua chứ không rơi vào tay giới đầu cơ...

Ở TPHCM, bao năm nay, HoREA miệt mài kiến nghị giải quyết các “vướng mắc kinh niên” khi doanh nghiệp tư nhân chưa được vay ưu đãi để thực hiện các dự án xây NƠXH; các dự án NƠXH cho thuê chưa được giảm thuế; thủ tục đầu tư dự án NƠXH vẫn quá rắc rối…

Trong một cuộc họp về vấn đề nhà mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng nhấn mạnh cần tập trung tháo gỡ các vướng mắc để phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp: "Chúng ta vừa khởi công một số chung cư, nhà lưu trú công nhân, NƠXH nhưng kể ra cũng mới vài ngàn căn. Vài ngàn căn so với hàng triệu người có nhu cầu thì không là gì hết".

Tại hội nghị thúc đẩy phát triển NƠXH cho người có thu nhập thấp ngày 1/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại một trong những quyền cơ bản của con người là có chỗ ở, có công ăn việc làm, có quyền mưu cầu hạnh phúc. Theo Thủ tướng, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân, nhất là NƠXH luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Nhiều chính sách đã ban hành như miễn tiền sử dụng đất; giảm 50% thuế giá trị gia tăng, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án; cho vay ưu đãi lãi suất thấp…

Dù vậy, Thủ tướng nhìn nhận việc triển khai chính sách vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, vấn đề nhà ở vẫn rất cấp bách, trong khi chính sách thực thi còn nhiều hạn chế. Thủ tướng mong các doanh nghiệp trên tinh thần trách nhiệm với xã hội, suy nghĩ cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ tìm ra giải pháp thúc đẩy, tổ chức hiệu quả, tạo bước chuyển biến lớn về nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp...

Hy vọng với sự quan tâm chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ, các bộ, ngành cũng như sự quyết tâm của lãnh đạo các địa phương, việc có được chỗ an cư sẽ không còn là giấc mơ xa vời với người dân đô thị. 

Quốc Ngọc
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI