Đắm mình trong cảm hứng bất tử

05/01/2019 - 15:55

PNO - Tác phẩm ra đời đã tạo nên những cuộc tranh luận không hồi kết về đạo đức y học, tôn giáo và cả nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ

Ngày 4/10/1951, Henrietta Lacks qua đời tại Bệnh viện Johns Hopkins (Mỹ), vì ung thư cổ tử cung. Nhưng tế bào của bà - tế bào HeLa - vẫn sống và trở thành cứu tinh cho y học trong việc nghiên cứu cách chữa trị hàng loạt các bệnh nghiêm trọng trên cơ thể người. Sự thật này chỉ được phát hiện sau hơn nửa thế kỷ, nhờ nhà văn Rebecca Skloot và cuốn sách của bà: Cuộc đời bất tử của Henrietta Lacks (The immortal life of Henrietta Lacks, 2010).

Dam minh trong cam hung bat tu

Tác phẩm nhanh chóng nằm trong danh sách bán chạy nhất trong nhiều tuần liền của New York Times, được đài HBO dựng thành phim vào năm 2017 (vai chính do MC nổi tiếng Oprah Winfrey đảm nhận). Bản dịch tiếng Việt vừa được Công ty sách Omega Plus và nhà xuất bản Lao động ấn hành.

Sách bắt đầu từ câu chuyện của người phụ nữ da màu qua đời vì bệnh ung thư. Tiếp nối là hành trình bất tử của tế bào HeLa (tên tế bào được ghép từ hai chữ đầu tên của Henrietta Lacks) - được lấy từ cổ tử cung của bệnh nhân và tạo nên cuộc cách mạng lớn cho ngành y vào năm 1951. Hàng loạt nghiên cứu y khoa đã chỉ ra rằng, nhờ tế bào HeLa mà các nhà khoa học đã tìm ra vắc-xin phòng bại liệt, nghiên cứu phương thức chống bệnh AIDS, lập bản đồ gen, tác động của phóng xạ và chất độc lên tế bào…

Dam minh trong cam hung bat tu
Nhân vật Henrietta Lacks. Ảnh: History.

Nhưng cuộc đời của Henrietta Lacks và hành trình tìm kiếm lại cuộc đời ấy của nhà văn Rebecca Skloot mới thật sự tạo nên cảm hứng bất tử. Hàng triệu người trên thế giới hưởng lợi từ tế bào HeLa, nhưng Henrietta Lacks gần như bị lãng quên. Lúc còn sống, bà và gia đình là nạn nhân phân biệt chủng tộc. Khi qua đời, không ai biết đến sự cống hiến thầm lặng của bà. Henrietta Lacks chỉ có một ngôi mộ không bia. Thậm chí cả gia đình nhà Lacks sống trong cảnh nghèo túng, bệnh tật, nhưng không một ai có được sự đãi ngộ về chăm sóc y tế.

Nếu không có cuộc tìm kiếm của nhà văn Rebecca Skloot, có lẽ sự thật về tế bào HeLa sẽ mãi mãi chìm khuất trong tro tàn lãng quên. Tác phẩm ra đời đã tạo nên những cuộc tranh luận không hồi kết về đạo đức y học, tôn giáo và cả nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ. Câu chuyện mở ra một sự thật về tế bào HeLa, đồng thời cũng là sự thật về giá trị của một con người - Henrietta Lacks là một phụ nữ kiên cường, một người mẹ với trái tim đầy yêu thương, nghị lực.

Dam minh trong cam hung bat tu
Tác giả đã dành 10 năm tìm hiểu về nhân vật

Để hoàn thành tác phẩm về một nhân vật vô danh và bị lãng quên, nhà văn Rebecca Skloot đã dành hơn 10 năm tìm hiểu, thực hiện hàng ngàn cuộc phỏng vấn các thành viên trong gia đình, bạn bè Henrietta Lacks cũng như trò chuyện với các luật sư, các nhà khoa học, chuyên gia về đạo đức…

Henrietta Lacks qua đời ở tuổi 31. Bìa sách là hình ảnh bà chụp vào những năm cuối thập niên 1940, với nước da màu nâu sáng, môi tô son đỏ thẫm, đôi mắt trẻ trung nhìn thẳng vào máy ảnh và mỉm cười - hình ảnh ý nghĩa được nhắc lại rất nhiều lần trong quyển sách. Đó cũng là bức ảnh được treo trong phòng cô con gái nhỏ của bà mãi về sau này… Cuộc đời bất tử của Henrietta Lacks đã được dịch ra hơn 25 thứ tiếng, giành được nhiều giải thưởng danh giá trong nước, được Amazon bình chọn 100 cuốn sách cần đọc trong đời. 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI