Cùng tiểu thương phát triển kinh tế và hoạt động từ thiện

31/03/2021 - 07:00

PNO - Hơn 5 năm trước, nói chuyện “thương hiệu”, nhiều tiểu thương của chợ đầu mối nông sản Thủ Đức vô cùng lạ lẫm. Vậy mà hôm nay, hầu như ngành hàng nào ở chợ cũng có thương hiệu riêng và nhờ nó mà việc kinh doanh thuận lợi.

 

Gầy dựng thương hiệu

Nhắc chuyện xây dựng thương hiệu Xoài Năm Thìn, chị Huỳnh Bé Hai, sạp D4-1,2 khu A, chợ đầu mối nông sản Thủ Đức vui kể: “Có thương hiệu này là nhờ công mấy chị cán bộ Hội không đó!”. 

Chị Bé Hai kinh doanh xoài cát, do gia đình trồng ở H.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Vườn nhà chỉ hơn 1ha, nên chị phải thu gom thêm của nhiều nhà vườn ở miền Tây. Lúc trước, chị thu mua theo kinh nghiệm của thương lái: quả đẹp, đều… Nhưng khi vào Hội, được tuyên truyền và tham gia các lớp học về an toàn thực phẩm, chị Bé Hai thay đổi cách lựa chọn xoài theo tiêu chí mới: nguồn gốc trái, quy trình trồng, xoài có thuốc hay không có thuốc bảo vệ thực vật… Chị nói: “Ban đầu tôi cũng lo. Nhưng qua nhiều chuyến tham gia công tác từ thiện với Hội, nhìn cảnh những bệnh nhân ung thư, trẻ em khuyết tật, tôi dần hiểu ra an toàn thực phẩm cũng cần có bàn tay của mình. Nên tôi dẹp các tính toán kiểu như xây dựng thương hiệu chỉ tốn thêm chi phí như: tiền mua thùng carton, công sức để coi cả quy trình trồng của các nhà vườn mà mình liên kết… Bởi tôi nhìn ra cái lợi lớn hơn: uy tín của Xoài Năm Thìn!”.

Chị Lê Thị Hồng Hạnh với sạp hoa tươi  luôn gọn gàng, đẹp mắt
Chị Lê Thị Hồng Hạnh với sạp hoa tươi luôn gọn gàng, đẹp mắt

Nhiều thương hiệu hàng hóa của chị em cũng đã ra đời với tên gọi giản dị, gắn ngay với ngành hàng kinh doanh như Xoài Năm Thìn, hành tỏi Hòa Chu, cà chua, bắp cải, cải thảo Út Vân, ớt Ngọc Vân, dưa hấu Phú Liên, dưa leo, bí xanh, khổ qua Liên Tài… Song song với việc xây dựng thương hiệu, 100% các tổ ngành hàng ở chợ đầu mối nông sản Thủ Đức triển khai cho thương nhân/hội viên phụ nữ đăng ký thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, tham gia phong trào người kinh doanh văn minh. 

Chị Lê Thị Hồng Hạnh, chủ điểm kinh doanh hoa tươi C7-C khu nhà lồng C, cho biết, chị đăng ký tham gia phong trào người kinh doanh văn minh (trước đây là phong trào người kinh doanh mới) từ hơn 10 năm qua. “Được gọi Người kinh doanh văn minh cũng vui lắm chứ! Nhưng muốn được công nhận cũng không phải một ngày một bữa. Không chỉ trang bị bảng giá niêm yết theo ngày, hàng hóa phải trưng bày gọn gàng, đẹp mắt, không lấn chiếm lối đi, hành lang chung, còn phải hiểu biết về an toàn phòng, chống cháy nổ, bí quyết giữ nụ cười với khách hàng, không nói thách…” - chị Hồng Hạnh nói. “Những tiêu chí nghe thật dễ thực hiện và cái nào cũng tốt cho thương thân. Nhưng ở chợ đầu mối công việc kinh doanh luôn tất bật, căng thẳng, nên không phải lúc nào cũng nhớ và giữ nền nếp. Có tham gia phong trào với chị em, chúng tôi mới tự nhắc mình từng ngày…”.

Các thương nhân tham gia sinh hoạt phong trào
Các thương nhân tham gia sinh hoạt phong trào

Kiên trì đồng hành với chị em

Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức được hình thành năm 2003, sau khi thành phố giải tỏa các chợ Cầu Muối, Cầu Ông Lãnh. Ban đầu, việc buôn bán rất khó khăn, doanh số tụt giảm nên nhiều tiểu thương muốn bỏ cuộc. Thế nhưng, Ban quản lý chợ và cán bộ phụ nữ đã động viên, chia sẻ. Buôn bán ban đêm, ban ngày chị em tiểu thương nghỉ, nhưng xế chiều, lúc chờ lên hàng đã thấy các chị phụ nữ có mặt rủ rê vô Hội. Hiện chợ có 945 thương nhân, 479 người là nữ, 365 hội viên sinh hoạt tại 20 tổ Hội được phân đều theo các ngành hàng. 

18 năm tồn tại của chợ là ngần ấy thời gian Hội Phụ nữ ra đời, phát triển và gắn bó cùng tiểu thương. Theo bà Tôn Nữ Ngọc Thúy - Chủ tịch Hội Phụ nữ chợ nông sản Thủ Đức: “Thương nhân rất bận rộn, đôi lúc việc kinh doanh gặp khó khăn nên đòi hỏi tất cả hội viên tham gia hoàn toàn với Hội là điều không thể. Những cuộc vận động như Người kinh doanh văn minh, Xây dựng thương hiệu, Hạn chế sử dụng túi ni-lông… đều phải kiên trì, bền bỉ. Nhưng cũng có những hoạt động tiểu thương rất hăng hái chung tay, như chuyện làm từ thiện, giúp đồng bào bị ảnh hưởng thiên tai…”.

Một chuyến trao quà cho học sinh nghèo
Một chuyến trao quà cho học sinh nghèo

Theo ghi nhận, trong 5 năm qua, Hội Phụ nữ chợ đã quyên góp hơn 1 tỷ đồng cho hàng loạt hoạt động xã hội từ thiện như: tặng quà người nghèo, xây dựng mái ấm tình thương trên 318 triệu đồng; giúp đồng bào miền Trung bị lũ lụt, bà con bị ảnh hưởng hạn hán, ngập mặn trên 511 triệu đồng; ủng hộ hàng trăm triệu đồng cho các vùng biên giới, hải đảo và nhà giàn DK; xây dựng 5 mái ấm tình thương… Ngoài ra, các thương nhân còn ủng hộ hơn 1.500kg rau củ quả phục vụ siêu thị 0 đồng, gần 15 tấn gạo đến các vùng khó khăn…

Nhắc chuyện thương nhân đồng hành cùng các hoạt động xã hội từ thiện, bà Nguyễn Thị Danh - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ chợ, xúc động: “Cả đêm phải thức để buôn bán, nên sáng ra, lên xe đi làm từ thiện ai cũng ngủ gà ngủ gật. Nhưng đến nơi, thấy những khó khăn chật vật của người dân ở vùng hạn mặn, nơi bị bão lũ quét qua, hình ảnh những trẻ em, người già neo đơn, bệnh tật… các chị như bừng tỉnh, mỗi người một tay, lăng xăng, chăm chút… Thương không kể hết”. 

Hạnh Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI