COVID-19 và những sàn diễn không người

08/03/2020 - 16:28

PNO - Shanghai Fashion Week, Seoul Fashion Week và mới đây nhất là Tokyo Fashion Week 2020 đều bị tạm hoãn vô thời hạn.

Bên kia nửa bán cầu, khi tình hình dịch bệnh bùng phát tại Italia vào cuối tháng Hai, Milan Fashion Week cũng rơi vào tình trạng ảm đạm. 

Ngành xa xỉ “co mình” trước COVID-19

Những con đường vắng bóng người, ga tàu điện ngầm, các chuyến xe buýt trống trơn. Tại Padiglione Visconti - nơi diễn ra Milan Fashion Week, không khí nhộn nhịp không còn nữa. Hình ảnh các fashionista dập dìu khoe street style, đèn máy ảnh chớp liên tục được thay thế bằng bầu không khí nặng nề. Dòng người qua lại thưa thớt và ăn mặc kín đáo, gần như không ai còn nhận ra ai vì tất cả đều mang khẩu trang.

Quảng trường Gae Aulenti, khu kinh doanh sầm uất bậc nhất ở Milan chỉ còn những đài phun nước cao lẻ bóng. Hàng loạt nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, các điểm tham quan của thành phố 1,4 triệu dân tê liệt. Hơn nửa triệu phòng khách sạn đã bị hủy trong khoảng thời gian từ ngày 24/2 đến cuối tháng Tư vì dịch bệnh. Ước tính tổng mức thiệt hại doanh thu của ngành khách sạn Ý lên tới 200 triệu euro (220 triệu USD).

Với người dân Milan, dịch COVID-19 ập đến là một cú sốc. Ông Tarcisio De Bacco, chủ nhà hàng Il Biffin gần thánh đường Duomo Milan, một trong những vị trí đắc địa ở khu trung tâm thương mại Galleria Vittorio Emanuele II, buồn bã nhìn ra dãy bàn trải khăn trắng bỏ trống, nói với phóng viên AFP: “Vào giờ này chúng tôi luôn quá tải lượng khách. Vậy nhưng, chúng tôi đã mất 90% lượng khách trong tuần này”.

Giorgio Armani và dàn người mẫu vẫn cố giữ tinh thần lạc quan giữa một sân khấu không khán giả
Giorgio Armani và dàn người mẫu vẫn cố giữ tinh thần lạc quan giữa một sân khấu không khán giả.

Nhiều show diễn thời trang của các nhà mốt buộc phải bị hủy bỏ. Một số diễn ra trong bầu không khí dè chừng như show của Dolce & Gabbana. Các nhà mốt khác như Giorgio Armani, Laura Biagiotti, để không lãng phí công sức của đội ngũ sáng tạo, vẫn cho show diễn tiến hành nhưng… không có bất kỳ khán giả nào đến xem.

Thay vào đó, show sẽ được phát trực tiếp trên website của hãng và mạng xã hội Facebook, Instagram. Nhưng ngay cả như vậy thì nỗi lo ngại dịch bệnh lây lan rộng vẫn đè nặng lên tâm trí khiến nhà thiết kế và các người mẫu, trong hậu trường tập dượt, tất cả đều kè kè khẩu trang để tự bảo vệ bản thân.

Hiệp hội Thời trang quốc gia Italia đưa ra dự đoán hàng xuất khẩu Ý sẽ giảm ít nhất 100 triệu euro trong quý I và 200 triệu euro ở quý II trong trường hợp khủng hoảng vì dịch bệnh kéo dài nửa đầu năm 2020. Nhưng đó là suy tính lạc quan, chưa phải kịch bản xấu nhất.

Châu Á: mây đen bao trùm

Các thương hiệu thời trang hàng đầu cũng lao đao trước Covid-19
Các thương hiệu thời trang hàng đầu cũng lao đao trước COVID-19
Món phụ kiện không thể thiếu trên toàn thế giới trong năm 2020  là những chiếc khẩu trang
Món phụ kiện không thể thiếu trên toàn thế giới trong năm 2020 là những chiếc khẩu trang

Tại châu Á, tâm điểm của dịch bệnh, từ tháng 1/2020, tình hình đã ảm đạm. Hàng loạt cửa hiệu thời trang từ cao cấp như Gucci, Dior, Chanel, Louis Vuitton cho tới trung cấp như Nike, Hugo Boss, Levi’s, Uniqlo... tại Trung Quốc, Hồng Kông đã đóng cửa, nhân viên mất việc.

Giá cổ phiếu của các hãng liên tục lao dốc không phanh, tốc độ giảm của doanh số bán hàng chưa có dấu hiệu dừng lại. Dior giảm 2,3% tại Paris, tập đoàn Kering (chủ sở hữu thương hiệu Gucci và Yves Saint Laurent) giảm hơn 4% và Burberry giảm 3%. Mới đây, nối tiếp Chanel, Prada, nhà mốt Gucci thông báo hủy show diễn Cruise 2021, dự kiến diễn ra tại Mỹ ngày 21/5. 

Từ ngày 16-21/3, theo thông lệ, Seoul Fashion Week và Tokyo Fashion Week sẽ diễn ra tại hai quốc gia có ngành thời trang phát triển bậc nhất châu Á nhưng tất cả đều bị hủy bỏ hoặc tạm hoãn đến mùa hè. Điều này đồng nghĩa các thương hiệu nội địa, đối tác từ các nước sẽ không thể kết nối, giao lưu trực tiếp như mọi năm. Trên CNN, cơ quan chức năng Hàn cam kết hỗ trợ các thương hiệu trong nước bằng cách tổ chức hội chợ thiết kế quốc tế trong thời gian tới.

 

Tương tự, Shanghai Fashion Week dự kiến diễn ra từ ngày 26/3-2/4 cũng bị hoãn vô thời hạn. Những năm gần đây, Shanghai Fashion Week đã trở thành tuần lễ thời trang tham vọng nhất khu vực, là nơi diễn ra hội chợ thương mại thời trang lớn nhất châu Á - thu hút nhiều tên tuổi quốc tế như Vera Wang, Jenny Packham, Vivienne Tam… Chính vì thế, nhà tổ chức hiện đang tích cực tìm kiếm cách thức mới để duy trì liên lạc với các đối tác.

Theo Jefferies, ngành thời trang thế giới hiện đang phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc, từ doanh số bán hàng cho đến khâu sản xuất. Người tiêu dùng Trung Quốc hiện đang chiếm khoảng 40% trong 281 tỷ euro tổng chi tiêu các mặt hàng xa xỉ năm 2019 và tạo ra 80% tốc độ tăng trưởng doanh số tại các tập đoàn LVMH hay Kering.

Vì thế, để đối phó với đợt khủng hoảng trên toàn cầu, các thương hiệu đang tính đến giải pháp đóng các cửa hàng, giảm đợt tung ra sản phẩm mới, giảm các chiến dịch quảng cáo, đồng thời giảm luôn chi phí nhân viên trên toàn cầu. Việc livestream sản phẩm, show diễn chính là biện pháp tối ưu trước mắt để các nhà mốt giới thiệu bộ sưu tập mới và cứu vãn doanh số.

Không ai dám tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu tình hình trở nên xấu đi. 

Thư Hiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI