Con riêng của chồng muốn theo tôi

18/04/2025 - 08:00

PNO - Điều đúng đắn nhất, tuyệt vời nhất tất nhiên là khi cháu bé được nhận nuôi bởi người cháu yêu thương và yêu thương cháu.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Tôi kết hôn với một người có gia đình và đã ly hôn. Anh ấy có 1 con gái 6 tuổi. Vợ anh ấy đã lập gia đình mới và hoàn toàn không quan tâm đến con nên khi tôi về làm mẹ, cháu rất gắn bó với tôi.

Sau 3 năm chung sống, chúng tôi ly hôn. Hiện tôi có 1 con trai 2 tuổi. Chồng tôi hứa cho tôi 1 căn nhà nếu tôi nhận nuôi con gái của anh ta vì anh ta muốn đi làm việc ở nước ngoài, không có điều kiện chăm sóc con. Và vì con bé cũng quấn tôi.

Tôi hết sức phân vân, phần vì thương con bé bởi nó coi tôi như mẹ, phần vì nếu có căn nhà, cuộc sống của mẹ con tôi sẽ đỡ vất vả. Nhưng tôi không biết trong tương lai, mối quan hệ của tôi với cháu sẽ ra sao: tôi có thể chịu trách nhiệm về cuộc đời cháu hay không, có gắn bó với cháu như mẹ con được hay không.

Nhưng, dứt khoát từ chối cháu thì lòng tôi áy náy, vì cháu sẽ phải về sống với ông bà nội ở quê. Tất nhiên cha cháu sẽ chu cấp cho cháu nhưng cháu rất sợ về quê. Tôi nên làm thế nào?

Hoàng Thanh Mai

Minh họa: Internet
Minh họa: Internet

Chị Hoàng Thanh Mai thân mến,

Đúng là chị rơi vào một tình huống éo le, khó xử thật. Nhưng trong sự khó xử đó có một điều đáng vui: có lẽ chị là người mẹ kế rất đáng yêu. Đâu phải dễ mà mẹ kế có thể chiếm được tình cảm con riêng của chồng và chiếm được sự tin cậy của chồng cũ, tới mức anh ta muốn giao con cho chị.

Hạnh Dung hiểu tâm trạng khó xử của chị lúc này. Làm mẹ đơn thân của 1 cháu nhỏ đã vất vả, của 2 cháu chắc chắc sẽ càng nhiều khó khăn. Huống chi 1 trong 2 cháu bé không phải là con ruột của chị.

Hoàn cảnh của cháu bé ấy lại quá đặc biệt không thể không khiến ai dù muốn nhận nuôi cháu cũng phải lưỡng lự, chứ đừng nói là chị: cháu là đứa trẻ bị cả cha lẫn mẹ từ chối.

Cha mẹ cháu bé quả thực quá lạnh lùng, nhẫn tâm khi có thể quay lưng với chính con ruột của mình, trao cuộc đời, số phận của con mình vào tay người hoàn toàn không có mối liên quan họ hàng, huyết thống nào. Làm sao biết được cháu lớn lên sẽ tiếp nhận những sự thật tàn nhẫn đó như thế nào và cháu sẽ ra sao!

Hạnh Dung muốn nhắc chị nhớ một điều hết sức quan trọng. Về mặt lý, chị hoàn toàn không có nghĩa vụ hay trách nhiệm phải nhận nuôi cháu bé. Ở đây chỉ có một điều có thể có ý nghĩa trong việc chị cân nhắc để lựa chọn: tình yêu thương của chị dành cho bé.

Cho nên, chị hãy cân nhắc thật kỹ: Tình yêu thương đó có đủ để chị sẵn sàng yêu thương, chăm sóc và chịu trách nhiệm về cuộc đời con riêng của chồng cũ từ nay cho đến khi bé trưởng thành?

Chị hãy cân nhắc cả về mặt tài chính khi chị nhận nuôi bé. Dù là có căn nhà được hứa hẹn nhưng không phải cuộc sống sẽ luôn đúng như mình dự tính.

Cuộc sống sẽ có những khó khăn bất ngờ. Vậy thì, chị hãy tự khẳng định một điều với bản thân: nếu nhận nuôi bé, chị có chắc sẽ không bao giờ hối hận, tính đi tính lại, giận chính mình khi gặp khó khăn? Nghĩa là khi cháu và chị khỏe cũng như khi đau ốm bệnh tật, giàu cũng như nghèo... cháu sẽ luôn là đứa con được yêu thương và mong muốn của chị?

Có một điều Hạnh Dung thường chứng kiến, dù so sánh này có vẻ khập khiễng: Khi thấy một con mèo hay chó bị bỏ rơi hoặc cần cho đi, nhiều người thường vào năn nỉ, nhắn gửi: Nuôi bé đi chị/em/cô/cháu...

Thế nhưng khi khuyên, nài nỉ người ta, không ai tự nghĩ rằng nếu là mình, mình có quyết định dễ dàng như vậy được hay không. Vì nuôi những con vật đó là phải chăm sóc nó suốt cuộc đời của nó, phải hy sinh cả thời gian, công sức lẫn tiền bạc cho nó rất nhiều. Đó là chỉ với một con mèo hay chó.

Nuôi lớn, dạy dỗ một con người còn khó hơn gấp nhiều lần. Điều đúng đắn nhất, tuyệt vời nhất tất nhiên là khi cháu bé được nhận nuôi bởi người cháu yêu thương và yêu thương cháu - một người có trái tim nhân hậu, tử tế, bao dung; một người dù có nhìn thấy bao nhiêu khó khăn trước mắt cũng mở rộng lòng mình và ôm trọn lấy bé. Hạnh Dung thực lòng ước mong chị sẽ trở thành một con người như thế với cuộc đời cháu bé.

Tuy nhiên, nếu quyết định nhận nuôi cháu, chị cần phải bàn bạc, thỏa thuận và có sự tư vấn của luật sư một cách rõ ràng mọi thủ tục cần thiết với cả cha và mẹ cháu. Đừng để mình sẽ gặp những rắc rối không đáng có nếu bỗng một ngày cha mẹ ruột cháu bé lại có những thay đổi khiến cuộc sống chị và cháu bị xáo trộn.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(6)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI