Con người châu Á qua cái nhìn của một nhà văn Hàn Quốc

10/05/2021 - 19:28

PNO - Nhan đề tập truyện "Con người hỡi ôi" của Song Sok Ze dễ khiến ta liên tưởng đến các thể loại hoạt kê hoặc phiếm luận. Thế nhưng đây lại là những trang viết nghiêm túc về con người Á đông trong bối cảnh toàn cầu hóa với cái nhìn Hàn Quốc làm tâm điểm.

Giữ cái nhìn tỉnh táo về các cung bậc khác nhau từ những tình huống xảy ra trong đời thật, Song Sok Ze có khả năng tạo cho người đọc cảm giác như những tình tiết truyện ngắn của anh là một loại tự truyện.

Sự va quệt ô tô giữa người thanh niên và cụ già ngay trước cửa bưu điện không chỉ mang cảm giác về tình trạng vô phương đối thoại giữa hai thế hệ mà còn cho thấy đời sống thị dân với các loại hình dịch vụ đang ngày một tỏ ra hữu hiệu trong giải quyết sự cố nhưng cũng âm thầm tước bỏ đi niềm tin giữa người với người (Luân khúc).

Và con người trong nhiều trường hợp tự đem mình lìa khỏi quê hương bản quán để thử nghiệm một không gian sống mới chưa chắc sẽ đạt hạnh phúc hơn. 

Anh chàng Park và cuộc hội ngộ với hai đồng hương Hàn Quốc trên đất Lào mang chiều sâu suy tư của tác giả trước sự chênh lệch không chỉ hoàn cảnh sống, mức thu nhập giữa các quốc gia trong cùng một khu vực châu lục mà chính quan niệm sống trong mỗi người ở mỗi chặng đường đời dường như cũng có độ chênh. Trong khi Park xác định bảo vật của Lào là mật ong đá, than củi dừa và nấm thượng hoàng thì hai người Hàn kia lại cho rằng “sự yên bình tĩnh lặng chính là bảo vật của Lào, tiếng gà mẹ cục ta cục tác gọi bầy con chính là bảo vật của Lào...” (Phương Nam).

Ở mức độ sâu hơn của mối quan hệ giữa người với người, tác giả đưa ra một câu chuyện về tình bạn giữa những người bạn học gắn bó từ thuở thiếu thời nhưng chưa chắc đã hiểu nhau. Những giông bão trong tâm hồn người bạn thân của mình, bao trăn trở suy tư thậm chí ước mơ hay quan niệm về hạnh phúc... rất có thể đám đông ồn ào vẫn nhận là bạn nhau ấy đã hồn nhiên bỏ qua (Tuyệt mỹ).

Song Sok Ze cho biết anh viết các truyện này trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu diễn ra mạnh mẽ. Điều đó mang lại cảm giác rằng việc giữ cân bằng trong một thế giới lồi lõm quả thật không dễ dàng.

Điều thú vị là trong truyện ngắn của anh, thỉnh thoảng người ta bắt gặp những hình ảnh thời sự được xếp đặt khéo léo theo mạch chuyện của các nhân vật. Vì thế, thông điệp được truyền tải qua trang văn có được độ ngấm khác với các loại hình thông tấn khác. 

Chẳng hạn đoạn trò chuyện giữa hai khách du lịch “Bây giờ chỗ này cũng bắt đầu ô nhiễm rồi. Đi Lào sớm ngày nào tốt ngày ấy. Tuy rằng không biết còn dịp nào để trở lại nữa hay không” chính là một thông điệp bức thiết không riêng gì ở đất nước triệu voi. Hay “nuôi tôm với mục đích kiếm tiền như thế thì đất sẽ bị ô nhiễm trầm trọng và nhiễm mặn. Đất sẽ chết hoàn toàn. Doanh nghiệp nuôi tôm chuyển đến đâu sẽ để lại sự chết chóc như khối u ác tính trong đất đến đó” cũng chính là vấn đề mà Việt Nam đang phải đối diện.

Trước thực trạng đó, Song Sok Ze thừa nhận rằng chính anh cũng chỉ còn cách “trở về với ký ức, những kỷ niệm từ thời ấu thơ, mối tình đầu, thời thanh xuân... đang nằm lẩn khuất trong các tế bào thần kinh”. Đó cũng là cách mà độc giả và nhà văn gặp nhau, trong cuộc tìm kiếm sự cân bằng cho tâm hồn qua trang văn trước thực tế đời thường.

Địa Lam

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI