Chuyện ở CITOPIA

05/12/2022 - 08:20

PNO - Câu chuyện Time Records và Phùng Khánh Linh với chuyến công tác tại Mỹ hơn 1 tháng để thu âm cho đĩa nhạc CITOPIA đã khiến giới nghệ thuật lẫn truyền thông phải nể phục.

Phần lớn thời gian làm việc tại phòng thu lớn ở Nashville - vốn được mệnh danh là thủ phủ âm nhạc của nước Mỹ, nơi làm nên những tuyệt phẩm album của “Công chúa nhạc đồng quê” Taylor Swift.

Phùng Khánh Linh cũng bắt tay với những kỹ sư âm thanh hàng đầu, đứng sau nhiều siêu phẩm album từng giành giải Grammy của Adele, Ariana Grande, Lady Gaga… để cho ra đời những bản thu hoàn hảo nhất của mình.

Và cuối cùng, CITOPIA ra mắt, mang cảm hứng khơi dựng nên 1 thành phố mà ở đó, từng chi tiết, hình ảnh, thanh điệu đều hoàn hảo. Thế nhưng, sự hoàn hảo đó được quan sát, ghi nhận từ góc nhìn hoàn toàn khác lạ, không hề giống trong suy nghĩ vốn có của mọi người.

10 sáng tác mới nhất được Phùng Khánh Linh lựa chọn trên 100 ca khúc là 10 câu chuyện, 10 thái độ cảm xúc và 10 đặc tả tình yêu hoàn toàn khác nhau.

Điển hình như Căn gác mùa hè Năm ngoái giờ này lần lượt được đánh giá là 2 sản phẩm âm nhạc “thỏa cơn khát” của công chúng mộ điệu.

Nếu như lead single tràn căng năng lượng sức trẻ, mô phỏng tình yêu thăng hoa quá đỗi hấp dẫn - cô gái trẻ và tình yêu đầu yêu hết lòng, hết dạ thì promo-single Năm ngoái giờ này lại gợi mở tiết tấu thú vị, mang lại cảm giác thành thị.

Sự tiên phong trong âm nhạc Phùng Khánh Linh quá rõ ràng thông qua City Pop. Ngay khi bước xuống máy bay, cô gái nhận ra chàng trai chẳng còn ở bên. Bắt được tâm lý này, Phùng Khánh Linh thể hiện độ “cao tay” ngay ở phần ca từ.

Cách dàn dựng tình cảm khéo léo, người nghe chợt thấy cô gái quay ngược thời gian. Đứng cạnh cô gái và nhìn về quá khứ, nỗi nhớ xa mà gần. Khoảnh khắc vụt chốc được lan tỏa. Người nghe cứ thế nhìn thấy không gian vô hình. Đau cùng cô gái, buồn và xót cùng chuyện tình nhiều thao thức lúc nào chẳng hay. 

Quý cô say xỉn lại thể hiện thái độ yêu đầy chủ động của 1 cô gái với bối cảnh có chút men say. Sự thăng hoa xúc cảm, thanh âm trộn lẫn màu sắc quyến luyến mê hoặc. Người nghe sẽ có nhiều tưởng tượng cho câu chuyện của chính mình tại căn nhà này giữa thành phố CITOPIA.

Hay đến Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã lại là sự đợi chờ mòn mỏi. Sự tuyệt vọng được tô vẽ bằng City Pop ở sản phẩm này được đánh giá thực sự thông minh dành cho nghệ sĩ và nhà sản xuất. Cá mè một lứa, biến nhanh cho rồi… - lần đầu ta thấy sự tuyệt vọng được Phùng Khánh Linh đưa lên âm nhạc nhiều gai góc ở ca từ đến thế.

CITOPIA - Phùng Khánh Linh:

Bản nhạc cuối cùng Em tạm đi vắng khi anh thức giấc, Phùng Khánh Linh “chạm” và “thấy” được nỗi đau của sự mất mát từ 1 người ở gần bên. Cô nhận ra được nỗi đau đó như thấu được sự thiêng liêng trong tình cảm mà người kia đang phải ngậm ngùi, day dứt.

Âm nhạc cất lên, Phùng Khánh Linh nhờ những thanh âm để xoa dịu nỗi đau: “… Chẳng phải ra đi mãi mãi… Chỉ là tạm đi vắng mà thôi…”.

Tất cả vẫn hoàn hảo, nhưng hoàn hảo chẳng phải chỉ mô tả khúc vui hoan ca, nó còn là thời điểm ghi lại khoảng lặng buồn đâu đó, hay nỗi đau xâm chiếm mà Phùng Khánh Linh cho thấy nhiều sự tinh tế khi ghi lại bằng âm nhạc.

Lam Khánh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI