Chương trình truyền hình về gia đình: Dòng chảy âm thầm nhưng nhiều ý nghĩa

08/07/2021 - 06:24

PNO - Không đình đám, chiêu trò như những chương trình giải trí đơn thuần, các chương trình truyền hình thực tế về gia đình mang nhiều thông điệp ý nghĩa vẫn đều đặn lên sóng, dù ít nhiều gặp những trở ngại nhất định.

Vui buồn có đủ

Người một nhà đang phát sóng trên VTV3, có format khá thú vị, gồm ba vòng. Hai nghệ sĩ dùng năng lực phán đoán để đoán hình ảnh tuổi thơ của một người, xác định quan hệ ruột thịt trong gia đình thông qua các tình huống giả định.

Tâm đầu ý hợp (HTV7) có ba vòng, hai cặp vợ chồng sẽ trải qua những câu hỏi, tình huống giả định để thể hiện sự hiểu ý nhau trong cuộc sống. Cả nhà cùng vui (Đài Vĩnh Long) gồm hai đội chơi, trong đó con được cử làm đội trưởng, cùng cha mẹ trải qua các vòng thi về kiến thức. Mỗi số Gõ cửa thăm nhà (HTV7),  Ngọc Lan và Quốc Thuận sẽ đến thăm gia đình một nghệ sĩ, hoặc một khán giả nào đó để lắng nghe chia sẻ của họ về cuộc sống gia đình.

Chương trình Tâm đầu ý hợp

Chương trình Tâm đầu ý hợp

Mảnh ghép hoàn hảo, Chuyện cuối tuần, Điều con muốn nói (VTV9), Hạnh phúc ở đâu (Đài Tây Ninh), Tình trăm năm, Mẹ chồng nàng dâu (HTV7) thuộc dạng talk show đơn thuần. Người thứ ba được sản xuất dạng talk show phát trên YouTube Jet TV Show. 

Có những chương trình rất vui, mang tính giải trí đơn thuần nhưng cũng có những chương trình ý nghĩa, dễ lấy nước mắt khán giả như: Tình trăm năm, Người thứ ba, Gõ cửa thăm nhà... Tình trăm năm là những câu chuyện xúc động về những cặp vợ chồng già, sống bên nhau có khi hơn nửa thế kỷ. Số phát sóng của cụ ông Huỳnh Văn Ráng (90 tuổi) và cụ bà Lê Thị Hổ (85 tuổi) khiến nhiều khán giả thích thú với hơn nửa triệu lượt xem. 

Họ kết hôn hơn 60 năm, trải qua những khó khăn nhất định trong hôn nhân như: chuyện mẹ chồng nàng dâu, tiền nong, hay cả những lần say nắng... Một thông điệp cụ ông chia sẻ khiến người xem suy ngẫm: “Trao nhẫn cho nhau mang ý nghĩa nhẫn nhịn. Cần nhớ nhất là vợ chồng không tranh luận giành phần phải”.

Cụ Huỳnh Văn Ráng và bà cụ Lê Thị Hổ trong chương trình Tình trăm năm
Cụ Huỳnh Văn Ráng và bà cụ Lê Thị Hổ trong chương trình Tình trăm năm

Gõ cửa thăm nhà số 61 phát sóng cách đây không lâu khiến khán giả cảm động với câu chuyện của chị Thủy Trúc và anh Chánh Tín. Anh bị liệt tứ chi sau tai nạn năm 2010, nhưng chị Trúc vẫn yêu anh dẫu bị gia đình ngăn cản.

Một số chương trình không dừng lại ở việc chia sẻ, mà còn giúp nhân vật tìm lời khuyên, giải pháp thông qua sự góp mặt của các chuyên gia tâm lý. Chẳng hạn, trong số phát sóng mới nhất của Người thứ ba, ngoài sự đồng cảm dành cho người phụ nữ, khán giả cũng có thể nhìn thấy vấn đề rộng hơn khi sự việc xảy ra với nguyên nhân từ hai phía. Cuối cùng, vì con cái, họ vẫn cho nhau cơ hội để làm lại. Chuyên gia tâm lý Tô Nhi A tìm cách gỡ rối, ổn định tâm lý và cho nhân vật một số lời khuyên hữu ích.

Điều con muốn nói không ít lần khiến phụ huynh giật mình với những tâm sự của con trẻ. Vì quá bận rộn, hoặc thiếu để tâm, đôi khi phụ huynh gây ra những tổn thương cho con em. Chuyên gia tâm lý luôn là chiếc cầu nối để làm liền những khoảng cách.

Clip chương trình Gõ cửa thăm nhà- Nhân vật Chánh Tín và Thuỷ Trúc:

 

 

Dòng chảy không cạn

“Đề tài gia đình không mới nhưng chưa bao giờ cũ, không bao giờ hết nội dung để khai thác và luôn có sức hút đặc biệt. Những câu chuyện gần gũi với khán giả bằng sự mộc mạc, nhưng đầy nhân văn. Từ đó, chúng tôi mong mang đến cho khán giả niềm tin vào những điều tốt đẹp vẫn luôn tồn tại trong cuộc sống này”, đại diện truyền thông của nhà sản xuất MCV chia sẻ.

Theo ông Lê Xuân Huy, Phó Tổng giám đốc Công ty BeeComm (đơn vị sản xuất Người một nhà, Cả nhà cùng vui), thì: “Việc tạo ra một format mới mẻ, đột phá cho một show truyền hình chưa bao giờ là dễ dàng. Đặc biệt với nhóm chương trình về gia đình thì lại càng khó khăn gấp bội. Tôi nghĩ nếu lạ quá, e rằng sẽ làm mất đi những thế mạnh của dòng chương trình này, đó là sự tự nhiên, chân thực. Dù mới lạ đến đâu, tôi nghĩ cũng cần có chừng mực”.

Chương trình Người một nhà
Chương trình Người một nhà

Hầu hết các chương trình tập trung khai thác chủ đề gia đình ở các góc khuất, bước qua khó khăn để giữ gìn hạnh phúc. Đối tượng được các nhà sản xuất quan tâm không dừng lại ở các cặp vợ chồng, chủ thể của một gia đình, mà sang nhiều thành tố liên quan trực tiếp như: mẹ chồng, ông bà, con cháu... Tất cả đều cho thấy không gia đình nào không có vấn đề, quan trọng là cách họ đối diện và vượt qua.

Tất cả đều được thể hiện dưới góc nhìn nhân văn, không chiêu trò, hay lạm dụng ồn ào để gây chú ý. Đây cũng là chìa khóa quan trọng để nhà sản xuất tiếp cận nhiều đối tượng trong gia đình. Ông Huy nhấn mạnh: “Làm show không khéo sẽ khiến show thành phản cảm. Khán giả đang ngày một khó tính hơn, tôi nghĩ người xem cũng sẽ đòi hỏi những chương trình sạch sẽ và có giá trị”.

So với những dạng khác, chương trình về gia đình như một dòng chảy âm thầm, nhưng nhiều ý nghĩa. Thực tế hơi đáng buồn là những chương trình này phần lớn đều khó “chen chân” vào những khung giờ đẹp.

Clip: Cụ Huỳnh Văn Ráng và cụ Lê Thị Hổ (chương trình Tình trăm năm)

 

 

Nhiều chương trình chỉ được phát sóng vào các khung giờ khó để gia đình theo dõi như: 12g, 15g, 17g hay thậm chí 22g. Đại diện truyền thông cho một đơn vị sản xuất chia sẻ: “Chúng tôi luôn mong các chương trình đến với đông đảo gia đình. Nhưng việc bị xếp vào những khung giờ xấu khiến thành quả có được không như mong muốn”. 

Rating, quảng cáo luôn là vấn đề quan trọng với các đài truyền hình. Điều này, những chương trình giải trí đơn thuần có thể mang lại tốt hơn. Dù vậy, gia đình là cội nguồn của xã hội, là cái gốc phát triển của con người. Có lẽ, đây cũng là điều để các đài truyền hình ít nhiều cân nhắc. 

Trung Sơn 

 

 


 



 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI