Chúng ta đã để cơn giận dẫn dắt!

29/05/2022 - 22:08

PNO - Khi để cơn giận dẫn dắt, chúng ta quên luôn mục tiêu ban đầu của mình: Bảo vệ những đứa trẻ.

 

Ảnh cắt từ clip về cuộc nói chuyện ồn ào của phụ huynh và nhà trường sau vụ
Ảnh cắt từ clip về cuộc nói chuyện ồn ào của phụ huynh và nhà trường sau vụ đánh nhau của 5 em học sinh trường một quốc tế 

Chỉ trong 3 ngày ngắn ngủi kể từ sau cuộc livestream của người mẹ trước sự việc con mình bị bạn học đánh tại một ngôi trường quốc tế, sự việc đã đi xa đến độ tôi giật mình nhận ra dường như lợi ích của chính những đứa trẻ - thứ lẽ ra cần bảo vệ nhất - thì đã bị bỏ quên ở đâu đó, để người lớn đạt được mục tiêu của mình. Cả 4 đứa trẻ trong clip đã hoàn toàn bị bỏ quên dù chúng đang hiện diện rõ ràng trong clip, cả đứa bé mà đang bị cho “cân hết 4 đứa còn lại” cũng vậy. Tôi xót xa cho những đứa trẻ khi chúng phải chứng kiến cuộc đối thoại không mang tính giáo dục xảy ra trước mắt. Đối tượng chính trong cuộc “đối thoại” đó lại là mẹ và những thầy cô, ở chính ngôi trường mà các con ngày ngày đi học, sinh hoạt.

Xem clip, tôi ao ước có ai đó đến yêu cầu những đứa trẻ qua phòng khác khi họ biết bố mẹ và thầy cô không tìm tiếng nói chung. Khi phụ huynh sẵn sàng gọi thầy hiệu trưởng của con mình là tây ba lô, là ngu dốt; khi thầy hiệu trưởng chỉ chăm chăm bảo vệ nhân viên, bảo vệ an toàn về cơ thể cho đám học trò… họ đã quên mất những câu nói trong lúc nóng giận của họ sẽ tổn thương tinh thần những đứa trẻ thế nào. Vậy mà không một ai tại đó, thầy cô, nhân viên, cha mẹ….đến để nói với tụi nhỏ: "Các con ơi, qua bên này với cô, ba mẹ và thầy cô cần nói chuyện!”

Tôi xót xa cho những đứa trẻ trong clip khi hình ảnh chúng được sử dụng làm chứng cứ cho lời nói buộc tội của phụ huynh. Họ đã cư xử với con mình và những đứa trẻ 13, 14 tuổi - tuổi đầy nhạy cảm và cần bảo vệ thân thể - như thế nào? Kéo cổ áo, lột mắt kính, vén tay áo, xoay ngược lỗ tai chỉ để "show" những vết thương nhằm củng cố chứng cớ để buộc tội đứa còn lại.  Làm sao có thể cư xử trên cơ thể của con như thế chứ? Khi mục tiêu của cuộc livestream là 70.000 lượt xem và bây giờ số lượt xem đã vượt quá mấy lần mục tiêu ban đầu. Có nghĩa là chừng ấy người nhìn thấy, bình luận, cho ý kiến, phán xét… liên quan đến trầy xướt trên cơ thể của những đứa trẻ. Các con đã trở nên nổi tiếng một cách bất đắc dĩ.

Giờ đây, cả hai phía, nhà trường và các phụ huynh, dường như vẫn đang mải miết cố bảo vệ cho lẽ phải của mình trong “cuộc đôi co” này. Nhưng có ai nghĩ đến việc làm cách nào để kéo những đứa trẻ kia trở về cuộc sống bình thường, học tập và sinh hoạt, sau ngần ấy việc xảy ra? Vẫn chưa thấy. Chúng ta đã từng thật thiếu sót khi “quên” dạy cho những đứa trẻ biết rằng khi có mâu thuẫn sẽ có nhiều cách giải quyết, không nhất thiết phải kéo nhau ra ngoài trường “nói chuyện” như cách các em đã chọn. Nhưng sẽ là sai lầm nếu chúng ta không kịp dừng lại, tiếp tục đẩy mâu thuẫn lên cao khoét sâu mâu thuẫn giữa những đứa trẻ, không giúp cho những đứa trẻ chưa hiểu nhau kịp hiểu nhau và hàn gắn, biết nhận lỗi và xin lỗi, tiếp tục đi học, gặp bạn bè và tạo ra những kỷ niệm đẹp thay vì hằn lên tuổi học trò những câu chuyện không hay.

Là người ngoài cuộc, chúng ta không đủ kết luận ai đúng ai sai, rồi tương lai những đứa trẻ có tiếp tục học ở ngôi trường này hay không. Tất cả những quyết định trong cuộc chơi của người lớn đều không quan trọng bằng tương lai những đứa trẻ. Khi là một người mẹ, tôi xót xa khi cơn giận dẫn dắt khiến người lớn chúng ta đã quên luôn những đứa trẻ dù ta nói ta đang bảo vệ chúng! Hãy khép lại cuộc đôi co, đặt lợi ích và tương lai của những đứa trẻ lên trên hết để tìm cách giải quyết, bởi đó là con em, học trò của chúng ta!

ThS Giáo dục Nguyễn Hồ Thuỵ Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI