Chủ tịch nước: Làm sao để người dân, doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ kinh tế nhanh nhất

04/01/2022 - 16:34

PNO - Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, cần thiết kế gói hỗ trợ kinh tế làm sao để người dân, doanh nghiệp tiếp cận nhanh nhất, chống tham ô, lãng phí.

 

 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tính cần thiết của gói hỗ trợ phát triển kinh tế trong bối cảnh
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tính cần thiết của gói hỗ trợ phát triển kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thấp, đời sống người dân khó khăn, doanh nghiệp xuống sức

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, tăng trưởng GDP đạt 2,58% trong năm 2021, dù là con số thấp nhất trong 10 năm qua, nhưng cũng vẫn thể hiện sự cố gắng lớn của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là sự điều hành của Chính phủ, các cấp, các ngành, người dân. Điểm sáng kinh tế trong năm qua là nông nghiệp vẫn tăng trưởng cao, kim ngạch xuất khẩu hai chiều đạt kết quả tốt với trên 660 tỷ, thu ngân sách vượt dự toán…

Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng chỉ ra một số vấn đề bất cập. Cụ thể, chúng ta khó có thể đạt được mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13. Mục tiêu tăng trưởng năm 2022 từ 6,5 - 7%/năm giai đoạn 2021-2025 đặt ra còn khoảng cách. Bên cạnh đó, đời sống của người dân còn gặp khó khăn, rất nhiều doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ, xuống sức nặng nề. Mức thu nhập của người dân ở khu vực đô thị thấp...

Chính vì vậy, Chủ tịch nước đồng tình phải có chính sách hỗ trợ trong lúc này. Chủ tịch nước đánh giá, báo cáo của Chính phủ về gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế được chuẩn bị khá kỹ và toàn diện. Đặc biệt không chỉ là mục tiêu, giải pháp mà còn những phương án huy động nguồn lực để thực hiện chương trình này.

Hiện, nhiều nước đã rất mạnh tay cho phục hồi kinh tế. “Chúng ta phải chấp nhận nợ công tăng, thâm hụt ngân sách và tín dụng tăng trong tầm kiểm soát. Phải bơm tiền ra nền kinh tế, giải quyết lao động phục vụ tăng trưởng”, Chủ tịch nước khẳng định.

Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng lưu ý, vấn đề quan trọng là phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là chỉ tiêu lạm phát. Phải lưu ý lạm phát, giá dầu tăng trong điều hành kinh tế khi tung tiền ra nhiều.

 

Chủ tịch nước
Chủ tịch nước đề nghị, gói hỗ trợ phải thiết kế để người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận nhất, tránh tham ô, lãng phí

Chủ tịch nước cho rằng, nên thiết kế lại cơ chế khuyến khích và thủ tục tiếp nhận gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ, tín dụng cho doanh nghiệp, cho người dân, làm sao để họ tiếp cận nhanh nhất, thuận tiện nhất, chống tham ô, lãng phí tốt nhất.

Bày tỏ đồng tình với đề xuất của Chính phủ, song Chủ tịch nước nêu thêm một số yêu cầu. Trong đó, phải nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cả lượng và chất, tăng năng suất lao động, áp dụng, những giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới tốt hơn, mạnh hơn. Đặc biệt là vấn đề lao động, việc làm, đào tạo nghề phải được giải quyết tổng thể, có kết quả cụ thể.

Chủ tịch nước đề nghị bổ sung nhóm giải pháp làm tăng hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước, đảm bảo thu ngân sách Nhà nước bền vững hơn, tăng tính minh bạch, công bằng, tăng vai trò điều tiết công cụ thuế… 

Bên cạnh đó, cần lưu ý các nguồn lực cho đầu tư lĩnh vực y tế, giáo dục. Chủ tịch nước chỉ ra, y tế cơ sở hiện còn quá yếu kém, trong khi đó, chúng ta không chỉ đối diện với COVID-19 mà còn các dịch bệnh khác. Cần nghiên cứu, đề xuất các chính sách, xác định mức chi ngân sách Nhà nước tối thiểu hàng năm dành cho y tế nhằm nâng cao năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, cần phải có giải pháp đồng bộ hơn nữa trong hệ chính sách tài khóa tiền tệ để có hiệu quả. Ví dụ như các bộ, ngành, các địa phương rà lại từng dự án đang vướng mắc, dự án lớn, ưu tiên dự án có quy mô lớn, nút thắt lớn, đối tác lớn để thúc đẩy, triển khai mạnh mẽ. Ngoài ra cần tính toán mức hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp khó khăn…

Minh Quang

 
TIN MỚI