Cẩn thận với tin nhắn kèm link mạo danh ngân hàng

25/11/2022 - 06:21

PNO - Gần đây, nhiều ngân hàng đã phát cảnh báo, yêu cầu khách hàng không truy cập vào đường liên kết (link) trong tin nhắn do các đối tượng xấu mạo danh ngân hàng gửi đến. Các tin nhắn này mạo danh đầu số mà các ngân hàng thường dùng để báo số dư, mã OTP nên dễ khiến khách hàng nhầm rằng đây là tin do ngân hàng gửi.

Chị Nguyễn Thu Thủy (quận Gò Vấp, TPHCM) phản ánh, ngày 21/11, chị nhận được tin nhắn SMS từ Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thông báo: “Tài khoản của quý khách hàng đang đăng nhập trên một thiết bị khác. Nếu không phải quý khách hàng đang đăng nhập thì vui lòng nhập vào đường liên kết (link) để sửa đổi mật khẩu hoặc thoát khỏi thiết bị lạ”. Khi nhận được tin, chị Thủy rất hoang mang. Rất may, chị đã gọi đến tổng đài của Vietcombank và được nhân viên tổng đài cảnh báo không bấm vào đường link.

Người tiêu dùng cần chú ý các tin nhắn giả mạo  ngân hàng chứa các link gần giống tên website chính thức của ngân hàng nhưng phía sau thường kèm các ký hiệu lạ
Người tiêu dùng cần chú ý các tin nhắn giả mạo ngân hàng chứa các link gần giống tên website chính thức của ngân hàng nhưng phía sau thường kèm các ký hiệu lạ

Chị Trần Thị Hạnh (quận 3, TPHCM) cũng nhận được tin nhắn SMS từ thuê bao của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), thông báo tài khoản của chị đã mở dịch vụ tài chính toàn cầu với phí dịch vụ 3,2 triệu đồng/tháng và sẽ bị trừ trong 3 giờ; nếu không phải chị mở dịch vụ thì nhấn vào đường liên kết để hủy. Chị Hạnh định thực hiện theo hướng dẫn bởi thấy tin này được nhắn từ đầu số vẫn thường được ngân hàng dùng để cập nhật biến động số dư, nhận mã OTP nhưng nhờ cẩn thận, chị đã gọi đến tổng đài Sacombank xác minh và tránh được rủi ro. 

Đại diện Sacombank cho biết, những tin nhắn này không xuất phát từ hệ thống của ngân hàng mà được gửi thông qua các thiết bị phát sóng di động có nguồn gốc từ nước ngoài. Thiết bị này sẽ chèn tin nhắn giả mạo xen lẫn các tin nhắn SMS về giao dịch, biến động số dư nên dễ khiến khách hàng hiểu nhầm là tin nhắn của Sacombank.

Đại diện Vietcombank cũng xác nhận có tình trạng tương tự. Những tin nhắn này thường có nội dung thông báo tài khoản của khách hàng đang đăng nhập trên thiết bị khác và yêu cầu khách hàng bấm vào 1 đường liên kết giả mạo. Nếu khách hàng làm theo, kẻ gian sẽ chiếm đoạt tài khoản ngân hàng và số tiền trong tài khoản của khách hàng. “Các đường liên kết lừa đảo thường chứa tên gần giống tên website chính thức của ngân hàng nhưng phía sau thường kèm các ký hiệu khác. Vietcombank khẳng định không gửi tin nhắn SMS kèm đường link. Khách hàng tuyệt đối không bấm vào các đường link này” - đại diện Vietcombank thông tin.

Đại diện các ngân hàng khác cho hay, để gửi tin nhắn SMS thông báo thay đổi số dư và mã OTP cho khách hàng, ngân hàng phải mua dịch vụ SMS và trả phí cho nhà mạng. Do đó, nhà mạng phải có trách nhiệm bảo mật các số thuê bao của khách. 

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - các ngân hàng đang phải trả mức phí cao cho các nhà mạng cung cấp dịch vụ SMS gắn với thương hiệu ngân hàng. Chẳng hạn, MobiFone và VinaPhone thu 820 đồng/tin nhắn, Viettel thu 785 đồng/tin nhắn trong khi cước phí tin nhắn của các nhà mạng này với khách hàng cá nhân chỉ từ 99-350 đồng/tin nhắn. 1 ngân hàng quy mô nhỏ thường gửi 15-20 triệu tin nhắn SMS/tháng, còn ngân hàng quy mô lớn gửi 50-80 triệu SMS/tháng. Nếu tính bình quân 800 đồng/SMS thì 1 ngân hàng nhỏ phải trả cước phí tin nhắn cho nhà mạng 16 tỉ đồng/tháng, tương đương 192 tỉ đồng/năm, 1 ngân hàng lớn phải trả cho nhà mạng khoảng 64 tỉ đồng/tháng, tương đương 786 tỉ đồng/năm. Tổng cước phí mà 49 ngân hàng ở Việt Nam phải trả cho nhà mạng có thể lên đến hàng ngàn tỉ đồng mỗi tháng. 

“Phí lớn như vậy thì nhà mạng phải gia tăng bảo mật và ngăn chặn tin nhắn giả mạo một cách triệt để. Đó là trách nhiệm của nhà mạng” - ông Nguyễn Quốc Hùng nói. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI