Cận tết, chợ truyền thống vẫn đìu hiu

12/01/2020 - 11:30

PNO - Tiểu thương hầu hết các chợ truyền thống ở TPHCM than thở về việc kinh doanh ế ẩm, chợ vẫn đìu hiu khi tết đã cận kề.

Chợ vắng, tiểu thương nóng ruột

Khác với mọi năm, những ngày cận tết năm nay, khu chuyên doanh bánh kẹo, hạt, mứt, quần áo, giày dép ở các chợ Bình Tây (Q.6), An Đông (Q.5), Bến Thành (Q.1), Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) không có cảnh chen lấn, tấp nập khách mua sắm, cửu vạn khuân vác, đóng hàng sỉ đi tỉnh. Hầu hết tiểu thương đều than vắn thở dài vì buôn bán ế ẩm.

Tay lướt điện thoại, miệng ngáp vặt, vừa thấy vài ba khách đi qua, chủ sạp bánh kẹo Liên ở chợ Bình Tây tươi tỉnh hẳn, nhiệt tình mời mọc: “Mua đi em, đủ loại bánh kẹo, sô-cô-la, mứt, hạt mới về ngon lắm. Cần mua bao nhiêu, chị cân ký bán bấy nhiêu, đóng bịch nhãn mác đàng hoàng”. Thế nhưng, khách chỉ cười rồi bước nhanh. Không lạ cảnh này, chị Liên cho biết, đây là tình cảnh chung, sạp nào cũng vậy, buôn bán ế ẩm, người bán thì nhiều, khách mua lác đác. “Năm nay, mối hàng sỉ cũng thưa thớt dần, đơn hàng giảm, chỉ còn 1/5 so với những năm trước. Tiểu thương chợ lẻ chỉ nhập hàng cầm chừng, bán tới đâu lấy hàng tới đó” - chị Liên thở dài. 

Mùa tết này, ở nhiều chợ truyền thống của TPHCM, hàng loạt sạp đóng cửa, treo bảng cho thuê sạp. Tại chợ Hòa Hưng (Q.10), chỉ các quầy hàng ăn uống đông khách giờ trưa, còn các sạp bánh kẹo, mứt, trái cây, thực phẩm tươi sống… vắng hoe. Nhiều sạp ở đây đóng cửa, làm nơi giữ xe, kho chứa hàng. Khách đi chợ chủ yếu mua thịt, cá, rau cho bữa ăn hằng ngày, còn những mặt hàng tết như bánh mứt, dưa kiệu, giò chả, bánh chưng bày ê hề nhưng khách chẳng buồn ghé xem. 

 

 

Cô Tâm - chuyên doanh giò chả, bánh chưng, chà bông hơn 10 năm nay tại chợ Thị Nghè, Q.Bình Thạnh - than, chưa năm nào buôn bán ế như năm nay, chỉ bán cầm chừng, giữ mối chứ lời lãi chẳng bao nhiêu. Thịt heo tăng giá cao quá, nhiều loại thịt nguyên liệu mua vào tăng tới 60.000 đồng/kg nhưng cô chỉ dám tăng giá giò chả thêm 20.000 đồng/kg, chà bông heo thêm 15.000 đồng/kg chứ không dám tăng nhiều. Vậy nhưng, khách cũng giảm mua, chuyển sang mua chà bông gà, chỉ đặt mua 1-2kg giò thay vì 3-5kg ăn tết như năm trước. 

Thế nên, nhiều sạp bán giò chả chỉ trưng bày vài ba cây chả làm mẫu và chỉ nhận làm theo đơn đặt hàng của khách. Ngay cả bánh chưng, đến giờ vẫn chưa có nhiều khách đặt hàng vì sợ giá tăng nhiều theo giá thịt heo. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, giá bánh chưng hiện chỉ tăng khoảng 10.000 đồng/cái, tùy trọng lượng. Giá bánh chưng loại 600-800g/cái có giá từ 60.000-70.000 đồng/cái tăng lên 70.000-80.000 đồng/cái, mức tăng chưa tới 10%. 

Gian hàng ở chợ Bà Chiểu, Q.Bình Thạnh vắng vẻ
Gian hàng ở chợ Bà Chiểu, Q.Bình Thạnh vắng vẻ

Nhiều sạp bán quần áo ở các chợ tranh thủ nhập hàng mới để bán tết méo mặt vì ế. Sau 5 năm bán quần áo ở chợ Căn Cứ 26A, Q.Gò Vấp, chị Tuyến quyết định “bán xong mùa tết này, dẹp cửa hàng luôn”. Theo chị Tuyến, mọi năm, giờ này, chị đã bán hết 2/3 lượng quần áo, thu hồi vốn và đã có lời; còn năm nay, tới giờ này vẫn không có khách mua, hàng nằm chỏng chơ. 

Khách bỏ chợ, vào siêu thị sắm tết

Theo nhiều tiểu thương, chợ ngày càng vắng, ngay cả mùa tết cũng không có khách vì nhiều khách không còn thói quen mua sắm ở chợ truyền thống như trước, dần chuyển sang mua sắm ở các kênh hiện đại, mua hàng qua mạng. Tại nhiều chợ, tiểu thương cũng bỏ sạp, chuyển nghề. 

Chợ Nguyễn Văn Trỗi, Q.3 hiện chỉ có 594 sạp mở cửa, số sạp cho thuê làm kho và bỏ trống lên tới 203 sạp. Theo ban quản lý chợ, nguyên nhân là do mãi lực quá thấp. Ông Cao Văn Thành - Phó ban quản lý chợ Bình Tây - cũng cho biết, dù chợ đã được sửa chữa khang trang, nhưng khách đến chợ đã giảm hơn 20% so với trước; nhiều sạp đóng cửa, ngưng kinh doanh, phần lớn tiểu thương chuyển sang kinh doanh theo thời vụ chứ không mở cửa bán hằng ngày như trước. 

 

 

Theo ông Thành, ngày càng có nhiều kênh cạnh tranh với chợ truyền thống như thương mại điện tử, cửa hàng tiện lợi, siêu thị. Các đơn vị sản xuất cũng xây dựng mô hình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, phân phối hàng trực tiếp đến các tỉnh hoặc giao hàng tận nơi nên các mối sỉ ở tỉnh hay tiểu thương chợ lẻ dần không còn đến chợ mua sỉ như trước đây.

Chúng tôi đặt vấn đề, phải chăng chợ ế do giá cả tăng vô tội vạ, nhất là những dịp lễ, tết, ông Thành cho rằng, mức tăng các mặt hàng hiện không cao, chỉ khoảng 20% so với ngày thường.

Chợ Bình Tây, Q.6 lâm vào cảnh đìu hiu dù đã cận tết
Chợ Bình Tây, Q.6 lâm vào cảnh đìu hiu dù đã cận tết

Ông Trần Thanh Nguyên - Phó ban quản lý chợ Bà Chiểu - cho biết, chợ hiện có gần 1.000 tiểu thương với 700 quầy hàng. Tiểu thương trong chợ không chỉ cạnh tranh với siêu thị mà còn ngán ngẩm với cảnh chợ tự phát  xung quanh, dẹp hoài không được; người bán ở chợ tự phát không đóng thuế quầy sạp nên giá nào cũng bán, dân chỉ cần dừng xe mua hàng rồi đi. 

Các chợ truyền thống tại TPHCM hiện đang làm đủ mọi cách để kéo khách vào chợ như: xây dựng chợ văn minh thương nghiệp; quản lý giá cả, không để xảy ra tình trạng găm hàng, tăng giá đột biến; hàng hóa bảo đảm có nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm và niêm yết giá rõ ràng. Thế nhưng, theo đánh giá của Sở Công thương TPHCM, tình hình kinh doanh, mãi lực ở các chợ truyền thống vẫn chưa có tín hiệu khả quan. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI