Cái Tết ấm áp đầu tiên của tôi ở Alameda

29/01/2020 - 17:05

PNO - Đây không phải là lần đầu tiên tôi đón Tết xa nhà. Nhưng năm nay là năm đặc biệt nhất vì vợ chồng tôi cùng đón mùa xuân đầu tiên ở một đất nước xa, nhưng không lạ: nước Mỹ.

Thành phố Alameda, California là một thành phố thuộc quận Alameda trong tiểu bang California (Hoa Kỳ). Theo điều tra dân số Hoa Kỳ năm 2010, Alameda có dân số 73.812 người, là thành phố lớn thứ 88 bang California. Nơi tôi đang sống có khoảng 30% cư dân là người châu Á. Đa số hàng xóm của tôi là người da trắng hoặc người Hoa thế hệ thứ 2 sinh ra ở Mỹ, còn người Việt Nam thì rất ít. Thế nhưng, không vì thế mà sinh hoạt văn hóa Việt trong gia đình tôi vào dịp Tết lại kém phần trang trọng. 

Từ đầu tháng Chạp, các hoạt động buôn bán nhu yếu phẩm đặc trưng mùa Tết đã rất sôi động trên khắp các diễn đàn mạng của người Việt xa xứ. Nhờ các diễn đàn này, tôi cũng hình dung được không khí háo hức chuẩn bị đón Tết nguyên đán của kiều bào ở Mỹ như thế nào. Từ thịt kho, dưa muối, củ kiệu, bánh chưng, bánh tét, thứ gì cũng được người Việt làm và bán xuyên bang cho những người bận rộn nhưng vẫn có nhu cầu mua dùng Tết. Tôi không mua những thứ liên quan đến thịt qua mạng, vì ngại các tiêu chuẩn kiểm dịch giữa các bang sẽ khác nhau. Các chị em Việt kiều kháo nhau những chỗ mua chậu tắc đẹp, chỗ may áo dài ưng ý... Người mua kẻ bán kẻ bình luận xôm tụ, tấp nập như một phiên chợ Tết thật sự, nhưng diễn ra hoàn toàn online.

Đọc báo Phụ Nữ TP.HCM số Tết trên đất Mỹ.
Đọc báo Phụ Nữ TPHCM số Tết Canh Tý 2020 trên đất Mỹ

Năm nay sống xa mẹ, nên tôi cũng tranh thủ lên YouTube tìm những video clip hướng dẫn nấu những món ăn truyền thống dịp Tết do các chị em người Việt ở nước ngoài thực hiện. Chẳng hạn các món thịt kho, thịt đông, cải chua… dựa theo các nguyên liệu dễ tìm ở siêu thị Tây. Nhờ vậy mà tôi hiểu được những giao thoa ẩm thực giữa Việt Nam và các quốc gia khác. Ví dụ như món thịt đông truyền thống của người Bắc vào dịp Tết khá giống với món Schweinskopf Sulze của người Đức. Còn món bò kho lại có họ hàng với món beef bourguignon của người Pháp…  

Ở mall Trader Joe gần nhà tôi, họ dường như cũng hiểu tâm lý người châu Á, nên từ đầu tháng 1 Dương lịch, đã bắt đầu bày bán những loại hoa đặc biệt để chưng tết như lan, cúc… cắm trong những chiếc chậu dán giấy đỏ xinh kèm bao lì xì, hoa quả khô sấy theo kiểu California nhưng làm theo vị cay cay, ngọt ngọt đặc trưng của người châu Á. Hồi đầu tháng tôi đã không có ý định mua hoa, đến hôm 29 tháng Chạp tôi lại đổi ý, nhưng ra đến nơi thì chỉ thấy lèo tèo những cành hoa vừa xấu vừa gãy. Thì ra, bà con đã chọn hết những hoa đẹp rồi. Tôi thầm hứa với lòng, năm sau nhất định gặp hoa là phải mua liền tay. 

Ở Alameda, nếu muốn mua những thứ đặc trưng của người Việt, tôi thường chịu khó đi xa một chút đến các chợ Á châu ở Oakland và  San Leandro. Tại đây, bạn có thể tìm thấy tất cả mọi thứ cần thiết cho một gia đình Việt: từ thịt heo nhiều mỡ để làm thịt kho, tai heo ngâm giấm, giò chả các loại, bánh tráng, phở, cà phê và thậm chí là cả… mắm tôm. Tại các chợ này, tôi cũng mua được một cặp bánh tét khá vừa miệng giá 12USD/cái, một trái dưa hấu Nam Mỹ to uỵch, bánh mứt và vài thứ trang trí để đón Tết. 

Múa lân đón Tết rộn ràng ở Alameda.
Múa lân đón Tết rộn ràng ở Alameda

Những gì còn thiếu tôi nhờ gia đình ở Việt Nam gửi qua cho, thường là ít sách vở tiếng Việt viết về Tết cho con tôi, vài ba ấn phẩm Xuân mà tôi hay đọc khi còn ở Việt Nam. Năm nay, cũng theo thói quen cũ, tôi để một hộp bánh mứt trên bàn và vài ba tờ báo Xuân trong phòng khách, trong đó có tờ báo Phụ nữ TPHCM Xuân Canh Tý 2020, như một cách giới thiệu cho bạn bè và gia đình chồng người Mỹ về đất nước của mình.

Ngày 30 tháng Chạp âm lịch năm nay trùng ngày làm việc thứ Sáu ở Mỹ, tôi cũng gói ghém ít bánh mứt để chồng tôi mang lên sở làm mời đồng nghiệp cùng thưởng thức, để họ biết người Việt mình cũng tình cảm và tỉ mỉ như thế nào.

Mùng Một Tết cả gia đình lái xe đi gặp bạn bè tôi ở San Jose, nơi có rất đông người Việt sinh sống để cùng xem múa lân, dạo hội chợ xuân và ăn thức ăn Việt Nam. 

Thông thường ở Việt Nam vào dịp Tết âm lịch, tôi thường đi tình nguyện tặng quà Tết cho những người kém may mắn. Năm nay ở Mỹ, thay vì dự những buổi tiệc đầu năm hoành tráng, tôi đăng ký tham gia vào một chương trình vận động cư dân thành phố đồng ý tăng lương cho giáo viên. Hoạt động này trước là để giúp đỡ giáo viên cư ngụ ở địa phương, sau là giới thiệu cho bạn bè quốc tế về một cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ cũng có những đóng góp thiết thực cho xã hội. Tôi cũng như nhiều người Việt đều hy vọng đầu năm sống sẻ chia và làm điều tốt thì cả năm sẽ được bình an. 

  Bạch Kim

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI