Tết xa nhà đầu tiên

24/01/2020 - 23:30

PNO - Ai mà chẳng từng một lần khóc, chẳng một lần yếu lòng khi phải đón Tết xa nhà…

Mai đào nở khắp nơi

Trong mắt con chúng không màu…”*

Lần đầu xem đoạn phim ngắn “Xuân Không Màu” là vào năm mình học lớp 10, Thầy đã mở cho cả lớp cùng xem. Khi đó mình đã khóc vì sự trông ngóng của những bậc cha mẹ chỉ mong được gặp lại con trong một dịp đoàn viên mỗi năm một lần. Khóc vì nỗi xót xa của đứa con khi phải xa gia đình, khi thấy gia đình người khác sum họp thì nghĩ đến cha mẹ cũng đang mong chờ mình. Thế nhưng, chưa bao giờ nghĩ rằng, mình cũng sẽ đón Tết xa nhà sớm như thế…

Ai mà chẳng từng một lần khóc, chẳng một lần yếu lòng khi phải đón Tết xa nhà…

Không gian Tết Việt do trường tổ chức cho du học sinh
Không gian Tết Việt do trường tổ chức cho du học sinh

Tết của mình là những ngày trông ngóng thi xong thật nhanh rồi chờ trường cho nghỉ Tết thật dài để được nằm ngủ phè phỡn. Nhưng mà mỗi lần tưởng rằng đã đến lúc được nghỉ ngơi thì chính là chuỗi ngày dọn dẹp nhà cửa. Tết là phải dọn hết bàn học, phòng ngủ, phòng khách. Tết là lau từng cạnh hoa văn cửa sổ, là lau từng viên gạch nền nhà và từng bậc cầu thang, là quét mạng nhện trần nhà, là hút bụi các khe cửa, nóc tủ, là lau dọn bàn thờ. Mệt nhất là nhà vệ sinh gồm chà tường, chà sàn, chà bồn rửa mặt, kệ để xà phòng, rồi còn phải quét nước sàn nhà, mà ba chị em vẫn luôn thích đùa giỡn rồi trượt nước, té nước vào nhau để rồi khi dọn xong thì chẳng có đứa nào khô ráo cả.

Tết của mình là cứ chờ mong ngày người ta mang cây Mai tới, nhưng Mai tới rồi thì không được mở quạt vì sợ gió làm hoa Mai rụng. Có Mai rồi thì mỗi ngày đều nhìn xem nó nở hay chưa, rồi mong cho đến mùng Một nó sẽ nở hoa thật nhiều, để cả họ hàng có thể cùng nhau chụp hình với cây Mai thật đẹp.


Tết của mình là những ngày sắp xếp bàn cúng ông Táo về trời, rồi cúng mời Ông Bà cùng về ăn Tết với mình. Tết là những sáng đi chợ cùng với mẹ, là khệ nệ xách trái dưa hấu, trái dừa, trái đu đủ, trái khóm ... giúp mẹ, là đi mua “cầu dừa đủ xoài sung”. Bàn cúng Tết thì năm nào cũng giống như năm nào, chẳng cần mẹ chỉ nữa mà bao nhiêu cái xuân qua, giờ mình hoàn toàn có thể tự bày một mình. Có cơm, có canh khổ qua, có thịt kho tàu, có bánh tét, có dưa món và có cả mâm trái cây. Rồi ba thì mở liên khúc nhạc Xuân, nghe riết rồi bài nào mình cũng có thể ngâm nga theo được. Cúng xong, cả nhà mình cùng nhau quây quần ăn cơm, điều mà những ngày thường chẳng phải hôm nào cũng làm được vì cuộc sống giờ sao quá bận bịu.

Tết của mình là khi còn nhỏ cứ thích nghịch nồi thịt kho tàu của bà Ngoại. Chốc chốc mình cứ mở ra xem, rồi lại muốn thổi lửa bùng lên thật lớn, rồi lại chờ đến ngày được ăn thịt kho. Tết của mình còn là hộp bánh Danisa đủ các loại. Tết của mình là thấy bánh chưng thì chạy mất dép vì mình không ăn được mỡ heo. Nhưng cứ đến Tết, mỗi sáng thức dậy đã thấy dĩa bánh chưng mẹ để sẵn trên bàn mỗi người một phần, còn có cả củ kiệu và dưa món. Nhưng ghét thì ghét, chứ mà thiếu bánh chưng thì chẳng còn không khí Tết nữa rồi!

Món gỏi cuốn góp phần vào bữa tiệc Tết Việt Nam ở trường
Món gỏi cuốn góp phần vào bữa tiệc Tết Việt Nam ở trường

Tết của mình là mỗi sáng 30 cả nhà sẽ dậy thật sớm sửa soạn từ tận 4 giờ sáng để 5 giờ ra đến đường hoa Nguyễn Huệ dung dăng diện áo dài chụp hình khi mặt trời vừa lên và cũng không quá đông người. Tết của mình là trưa 30 thì đến nhà bác Hai để cúng rước Ông Bà tổ tiên rồi cùng nhau ăn tiệc và hát karaoke cho đến chiều. Tết của mình là mỗi đêm 30 cả ba chị em cùng nhau chờ đến 8g tối để xem chương trình “Gặp nhau cuối năm”, chỉ có mẹ là vẫn loay hoay ở bếp để chuẩn bị hoa quả cúng Giao Thừa. Mỗi khi đang xem mà tới phần quảng cáo thì ba chị em mình lại chạy rần rần ra bếp phụ bưng mâm cúng cho lẹ rồi lại quay lại cắm mặt trước tivi. Xem xong thì chờ đến giờ cúng Giao Thừa để xem pháo hoa qua tivi.

Tết của mình là sáng mùng Một thức dậy sớm, mọi người trong đại gia đình cùng nhau sum họp tại nhà Ngoại để nghe ông Ngoại nói về những điều đạt được tốt và chưa thể làm tốt trong năm qua, căn dặn những việc cần làm trong năm mới. Sau đó là những lời chúc Tết cho nhau và tất nhiên cũng không thể thiếu phần lì xì mừng tuổi.

"Ông đồ" cho chữ

Tết của mình còn là những dịp du xuân cùng gia đình. Nhà mình thường đi du lịch Tết bắt đầu từ mùng Hai nên ba mẹ hay bắt ba chị em chuẩn bị đồ đi chơi từ sớm lấy lý do nếu đến Tết mới soạn đồ thì cả năm sẽ phải soạn đồ là không tốt. Nhưng mình biết thừa là ba mẹ sợ Tết đến thì cập rập không có thời gian thôi. Nếu kể về những lần du xuân đáng nhớ với mình thì một lần là năm mình học lớp 9, khi cả nhà du lịch Myanmar, không chỉ để biết thêm về một đất nước mới mà còn để đi 9 ngôi chùa cầu cho mình thi lên lớp 10 thật là suôn sẻ. Lần thứ hai là khi lần mình về ăn Tết ở quê Nội, phong cảnh ở đó thật đẹp và khắp nơi đều đông vui. Mỗi tối mình còn được xem nhiều tiết mục từ cửa sổ khách sạn, hôm thì múa lân, hôm thì đấu cờ người… Tết năm 2019 cũng là một năm đáng nhớ với mình khi mà mình còn chẳng biết là sẽ được đi du học hay không, nhưng có vẻ đó lại là cái Tết cuối trước khi đi du học rồi. Bà Ngoại bảo năm 2019 sẽ là một năm may mắn của mình và ba, nên làm gì quan trọng ba cũng chở mình đi hết, từ thi IELTS, nộp hồ sơ du học, nộp hồ sơ xét visa...

Góc Tết Việt ở nhà cậu
Góc Tết Việt ở nhà cậu

Ngồi kể lại chuyện Tết, ngẫm lại thì thấy xa rồi mà sao trong trí óc vẫn cảm thấy cũng chỉ như mới hôm qua đây thôi. Ngày nào vừa dọn nhà vừa than thở, chỉ mong đến Giao Thừa, đến các Mùng để nhận lì xì, để ăn bánh mứt, để được đi chơi. Giờ thì đã ở bên này, người Việt cũng khá nhiều nhưng sao vẫn thấy thiếu không khí của Tết. Tụi mình vừa tổ chức một buổi tiệc mừng năm mới với rất nhiều món ăn Việt, từ chả giò, gỏi cuốn, cơm gà cho đến bánh chưng, bánh bột lọc, bánh ít trần, có cả bầu cua tôm cá, có đánh bài, có viết chữ thư pháp, có trang trí cây Đào, cây Mai, có bao lì xì để hái lộc,.. nhưng chắc chắn bấy nhiêu đó cũng chẳng thể nào lấp đầy nỗi nhớ Tết quê hương trong lòng mỗi người. So với nhiều người khác thì mình vẫn rất may mắn vì được ở cùng với họ hàng. Nhà cậu mình vẫn trang trí có hoa Mai, có mâm hạt dưa, có lô tô,… với một chút gì đó có không khí Tết.

Mặc dù Tết năm nào cũng như năm nào nhưng chính cái cảm giác gia đình cùng quây quần bên nhau là điều làm cho Tết trở nên thật quan trọng trong lòng mỗi con người Việt Nam chúng ta. “Phố thị đèn kết hoa, chẳng nơi đâu bằng nhà ta”. Quả thật, dù nơi nào đó náo nhiệt đến thế nào, thì chỉ có đón Tết bên gia đình ở Việt Nam mới là cái Tết vui nhất, mới là cái Tết trọn vẹn nhất.

Xuân nào là của con
Của những ai khóc xa nhà
Xuân chỉ là giấc mơ
Giấc mơ được về nhà thôi.

Xuân này chẳng có con
Thì đừng trách đừng buồn ba nhé
Sẽ về một ngày giấc mơ trong bàn tay con…”*

*(Trích từ bài hát “Xuân Không Màu” của nhạc sĩ Tăng Nhật Tuệ)

Nguyễn Thanh Mai

Glace Bay, Nova Scotia, Canada

(Giao Thừa Tết 2020)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI