Cách mạng 4.0 và kỳ bầu cử lịch sử

24/05/2021 - 12:14

PNO - Theo báo cáo lúc 13g ngày 23/5 của Ủy ban Bầu cử TPHCM, tỷ lệ cử tri tại TPHCM đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã đạt hơn 72%. Lúc chiều tối cùng ngày, con số này đạt 99,48% bất chấp những cơn mưa lớn.

 

Các biện pháp phòng dịch ở điểm bầu cử khiến người dân yên tâm
Các biện pháp phòng dịch ở điểm bầu cử khiến người dân yên tâm

Trong ngày hội toàn dân này, có những điều mới mẻ và tích cực. Trước hết, phải nhìn nhận công tâm rằng, công tác chuẩn bị, tổ chức tại các điểm bỏ phiếu khá chu đáo, nhất là bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19. Cử tri cảm thấy yên tâm khi đến các địa điểm bầu cử thông thoáng, lối vào và ra theo vòng tròn một chiều đúng tinh thần giãn cách, tuân thủ khuyến cáo 5K.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp lần này diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát trở lại, đặt ra bài toán khá gian nan cho công tác tổ chức bầu cử. Nhưng cả nước, trong đó đặc biệt là TPHCM đã ứng phó rất nhanh chóng bằng kế hoạch 4.0: tiếp xúc cử tri trực tuyến; phần mềm hỗ trợ bầu cử giúp các đơn vị đơn giản hóa việc cập nhật thông tin bầu cử; phần mềm robot hỗ trợ cử tri tra cứu đường đi bỏ phiếu, nghe thông tin bầu cử của Q.12...

Sự ứng phó nhanh chóng và hiệu quả đó chính là nhờ vào khả năng đi tắt đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0 và tại TPHCM là Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh trong những năm qua. Nếu chúng ta đã không có tầm nhìn về cách mạng 4.0 chắc có lẽ giờ đây cuộc bầu cử sẽ diễn ra khá lúng túng.

Cách mạng 4.0 không chỉ hiện diện trong công tác tổ chức bầu cử mà còn hiện diện trong quá trình vận động tranh cử. Các ứng cử viên và các tổ chức nơi ứng cử viên công tác đều tranh thủ mạng xã hội để giới thiệu chương trình hành động của mình.

Bên cạnh việc cung cấp khá đầy đủ về tiểu sử, nghị trình của từng ứng cử viên cho từng hộ dân hoặc thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, tại kỳ bầu cử này, lần đầu tiên, chúng ta chứng kiến mạng xã hội đã “vào cuộc”. Bảy ngày trước thời điểm người dân đưa ra quyết định bằng lá phiếu của mình, các bài viết về những gương mặt có sức ảnh hưởng trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND TPHCM đã liên tục xuất hiện trên Facebook. Các bài viết đã thu hút sự chú ý, tạo ra không khí cạnh tranh, góp phần mang những ứng cử viên đó đến gần hơn với công chúng và góp phần thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân về kỳ bầu cử.

Không khí cạnh tranh, phong cách chuyên nghiệp đó là tín hiệu đáng mừng. Sự mới mẻ nào cũng thường gây sự hồ nghi, nhưng cần lạc quan. Chúng ta không thể phủ nhận các ứng cử viên, dù vô tình hay chủ ý với “vũ khí” mạng xã hội, đã có sự đánh giá rất cao cử tri và tính dân chủ của toàn bộ cuộc bầu cử. Họ tin sự chọn lựa của người dân sẽ được hiện thực hóa trong một cuộc bầu cử được tổ chức nghiêm túc, minh bạch. Ở một khía cạnh khác, việc “PR” trên mạng xã hội phần nào đó chứng tỏ chất lượng, bản lĩnh của người ứng cử.

Nếu quan sát các hội nghị hiệp thương hoặc các cuộc vận động bầu cử, tiếp xúc cử tri, sẽ thấy một không khí không “dễ thở” cho tất cả ứng viên. Việc đầu tư nghiêm túc cho chiến dịch tranh cử với chương trình hành động đi từ những hạng mục vĩ mô cho đến hệ thống các giải pháp về quản lý, an sinh xã hội cho thấy các ứng cử viên nhận thức rõ về sức mạnh lá phiếu trên tay người dân. Đặc biệt, những trường hợp phải rút lui vào giờ chót càng cho thấy sức mạnh đó.

Và với tất cả trách nhiệm và quyền lợi của mình, mọi công dân đã thực thi nghĩa vụ yêu nước của mình bằng cách bỏ phiếu chọn người mình tin tưởng. Và con số cử tri đi bỏ phiếu trong cả nước tính đến 17g30 ngày 23/5/2021 là 95,65% đã nói lên điều đó. 

 Quốc Ngọc

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI