Các trường THPT lo thiếu giáo viên mỹ thuật, âm nhạc

26/03/2023 - 19:39

PNO - Có phòng học, nhu cầu học sinh cao, trường THPT ở TPHCM vẫn lo “trống vắng” giáo viên mỹ thuật, âm nhạc khi Chương trình GDPT 2018 chuẩn bị bước sang năm thứ hai.

Trong năm đầu thực hiện Chương trình GDPT 2018 khối lớp 10, các trường THPT muốn triển khai môn mỹ thuật, âm nhạc cho học sinh thì hầu như đều không thể tuyển dụng được giáo viên. Các trường phải hợp đồng, thỉnh giảng giáo viên 2 bộ môn này theo hình thức chia sẻ giáo viên với các trường THCS hoặc giảng viên đại học. Chuẩn bị bước sang năm thứ hai triển khai chương trình, các trường vẫn nơm nớp nỗi lo “trống vắng” giáo viên mỹ thuật, âm nhạc

Thầy Lâm Triều Nghi - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình) - chia sẻ, thực tế nhu cầu học sinh khối 10 mong muốn lựa chọn học âm nhạc, mỹ thuật là rất cao. Thế nhưng, năm đầu tiên trường chưa thể thực hiện được vì “khát” giáo viên và tính toán bước sang năm thứ hai triển khai chương trình - năm học 2023-2024, nhà trường vẫn chưa thể tổ chức được 2 môn học này. 

Học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10) trong giờ Mỹ thuật
Học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) trong giờ mỹ thuật

“Hầu hết các trường THPT đều “trống vắng” giáo viên 2 bộ môn này. Muốn cho học sinh có đa dạng các trải nghiệm thì nhà trường chỉ có thể tổ chức theo hình thức đưa vào chương trình nhà trường, tức là xây dựng câu lạc bộ ngoại khóa mỹ thuật, âm nhạc để học sinh đăng ký theo nhu cầu. Song, về lâu dài vẫn cần có giáo viên”.

Tại Trường THPT Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân), trong năm đầu tiên triển khai chương trình mới ở khối lớp 10, trường hợp đồng thỉnh giảng được 2 giáo viên mỹ thuật và âm nhạc (mỗi môn 1 giáo viên) từ các trường THCS trên địa bàn quận, tổ chức được 2 lớp âm nhạc và 3 lớp mỹ thuật cho học sinh khối 10.

Thầy Nguyễn Duy Bình - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, thực tế rất khó khăn đối với giáo viên mỹ thuật, âm nhạc bởi đây là 2 môn học mới xuất hiện trong Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT. 

“Năm học 2023-2024, trường tiếp tục tổ chức các lớp mỹ thuật và âm nhạc cho học sinh khối 10. Hiện nay, trường có đăng ký với Sở GD-ĐT TPHCM để tuyển dụng biên chế 2 giáo viên của 2 bộ môn này song vẫn chờ vào may mắn... Trường hợp không tuyển dụng được, nhà trường sẽ tiếp tục tính đến bài toán hợp đồng khi số lượng học sinh lựa chọn học 2 môn này nhiều lên…” - thầy Bình nói.

Trong khi đó, đại diện Trường THPT Nguyễn Khuyến (quận 10) cho hay, trường đã chuẩn bị sẵn cơ sở vật chất, phòng ốc dành riêng cho 2 bộ môn mỹ thuật, âm nhạc khi thực hiện chương trình mới song đến giờ này thì… “phòng học vẫn đang chờ giáo viên”.

“Để chuẩn bị cho năm học mới, trường tiếp tục đăng ký tuyển dụng với sở 2 bộ môn này. Nếu có giáo viên sẽ tổ chức giảng dạy, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, học sinh” - vị này cho hay.

Chuẩn bị triển khai Chương trình GDPt 2018 năm thú 2, các trường THPT tại TPHCM vẫn nơm nớp lo trống vắng giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc
Chuẩn bị triển khai Chương trình GDPT 2018 năm thứ hai, các trường THPT tại TPHCM vẫn nơm nớp lo "trống vắng" giáo viên mỹ thuật, âm nhạc

Trong buổi làm việc với Sở GD-ĐT TPHCM về công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018 mới đây, khi chia sẻ về thực tế đào tạo giáo viên 2 bộ môn mỹ thuật, âm nhạc tại trường, Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Hoàng Quân - Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn - ví von, việc tuyển sinh 2 ngành này hiện nay như “chơi vé số”. 

“Sư phạm Mỹ thuật hàng năm tuyển sinh không được. Năm nào cũng vậy, chỉ tiêu đặt ra là 30 thí sinh thì năm nào “trúng số độc đắc” mới tuyển được 15 sinh viên, còn “bán vé số” thì chỉ được 5 sinh viên. Khó khăn là do nhiều sinh viên cảm thấy vào học ngành này rồi ra trường tương lai mờ mịt. Với ngành sư phạm Âm nhạc thì đông sinh viên theo học hơn, nhưng học xong đa phần các em không đi dạy. Bởi thực tế các em ra ngoài đàn hát thì thù lao đã có thể bằng lương giáo viên 1 tháng…” - Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Hoàng Quân nêu thực tế. 

Cần tuyển dụng cả ngàn giáo viên nhưng chỉ tuyển được vài người

Ông Tống Phước Lộc - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT TPHCM - cho hay, thực tế khi triển khai Chương trình GDPT 2018, TPHCM thiếu nhiều giáo viên các bộ môn mới, đặc biệt là các môn mỹ thuật, âm nhạc.

Thống kê, ở môn mỹ thuật năm học 2022-2023, TPHCM cần tuyển dụng 360 giáo viên nhưng mới tuyển được… 10 giáo viên. Ở môn âm nhạc, nhu cầu tuyển dụng là 346 giáo viên thì hiện mới chỉ tuyển được 13 giáo viên. 

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI