Chuyển hướng sang phim truyền hình
Nhiều công ty sản xuất phim châu Á, nhất là của Hàn Quốc đang mở rộng từ việc chỉ làm phim điện ảnh sang phim truyền hình dài tập, như một cách thích ứng với tác động liên tục của đại dịch COVID-19 trong hai năm qua.
Theo dữ liệu từ Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc, tổng doanh thu bán vé trong nước, cũng như phát hành và xuất khẩu trực tuyến phim trong năm 2021 đạt 1,02 ngàn tỷ won (822 triệu USD), giảm 60% so với 2,5 ngàn tỷ won trong năm 2019 trước đại dịch. Ngoài những bộ phim gây tiếng vang như Spider-Man: No Way Home, hầu hết các phim đều chỉ đạt kết quả thấp tại phòng vé.
 |
Thành công vang dội của Squid Game càng thôi thúc các nhà làm phim châu Á tăng cường đầu tư vào phim truyền hình, phim chiếu web |
Khi ngành công nghiệp điện ảnh quay cuồng với tác động của đại dịch, các nhà làm phim nhanh chóng chuyển sang màn ảnh nhỏ, như một cách để điều chỉnh theo những thay đổi của thị trường, và thích ứng với cách khán giả tiêu thụ nội dung.
Công ty sản xuất phim điện ảnh Siren Pictures đã mở đường cho sự dịch chuyển thành công, bằng việc cho ra mắt bom tấn sinh tồn Squid Game của Netflix. Suriname cũng là một trong những loạt phim được mong đợi nhất năm nay, do Moonlight Film và Perfect Storm Film đồng sản xuất, đạo diễn bởi Yoon Jong-bin - người được biết đến qua các tác phẩm Găng-tơ vô danh và Kỷ nguyên tàn bạo.
Công ty chuyên làm phim chiếu rạp Next Entertainment World gần đây đã công bố kế hoạch đa dạng hóa danh mục kinh doanh của mình bằng cách sản xuất và đầu tư vào nội dung dựa trên sở hữu trí tuệ (IP) cho web.
Tháng Chín năm ngoái, công ty đứng sau siêu phẩm Ký sinh trùng Barunson E&A cũng thông báo họ sẽ đầu tư lớn vào nội dung truyền hình, bằng cách ký hợp đồng với Baek Mi-kyung - nhà biên kịch vừa ghi dấu ấn với tác phẩm Sở hữu của đài tvN.
Trái ngược Hàn Quốc, dịch COVID-19 được kiểm soát khá tốt ở Trung Quốc trong năm 2021 đến đầu năm 2022, giúp các rạp chiếu phim hoạt động hết công suất. Tổng doanh thu dịp tết Nguyên đán vừa qua đã mang về cho phòng vé đất nước tỷ dân 6,04 tỷ NDT (khoảng 951,1 triệu USD), theo trang web bán vé trực tuyến Maoyan.
Dẫu vậy, một thực tế có thể dễ dàng nhận thấy ở Trung Quốc là hầu hết các tác phẩm điện ảnh chỉ nổi bật trong nước và không gây tiếng vang ở nước ngoài, trong khi các bộ phim truyền hình tình cảm lãng mạn và cổ trang mới là những nội dung nhận được sự chú ý trên toàn châu Á. Điều này được minh chứng rõ nét khi nhiều tác phẩm màn ảnh nhỏ của Hoa ngữ như Thơ ngây, Gửi thời thanh xuân ngây thơ tươi đẹp… được Hàn Quốc chuyển thể làm lại.
Nắm bắt được thực tế này, các nhà đài và công ty làm phim Trung Quốc càng đẩy mạnh sản xuất các tác phẩm truyền hình trong những năm qua, các nền tảng trực tuyến khổng lồ WeTV, iQiyi, Viu… đã ra mắt hàng trăm dự án mỗi năm nhằm đáp ứng nhu cầu thị hiếu ngày càng cao của khán giả.
Tương tự Hàn Quốc và Trung Quốc, giới làm phim Nhật Bản cũng đẩy mạnh đầu tư sản xuất phim truyền hình dài tập và các loạt phim hoạt hình.
Trailer phim Thế giới không lối thoát:
Đột phá về nội dung và tham vọng lớn
Đại dịch và sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng phát trực tuyến đã thay đổi cách nhìn của các “ông lớn” sản xuất phim châu Á. Nếu trước đây, những đề tài khó như khoa học viễn tưởng, zombie… được xem là lãnh địa của phim điện ảnh, thì hiện tại xu hướng đó đã thay đổi rõ rệt. Việc chịu chi mức kinh phí lớn và những cải tiến về khâu dàn dựng, kỹ thuật quay… cho phép các tác phẩm truyền hình tiếp cận đa dạng đề tài khai thác như King dom, Sisyphus: The Myth (Hàn Quốc), Thế giới không lối thoát (Nhật Bản)…
"Ranh giới giữa phim điện ảnh và truyền hình ngày càng mờ nhạt. Nhờ các nền tảng phát trực tuyến cung cấp nhiều nội dung, nhiều thử nghiệm phong cách khác nhau cho các bộ phim truyền hình” - nhà phê bình chương trình truyền hình Hàn Quốc Kong Hee-jung cho biết. Ngoài kịch bản mới lạ thì hiệu ứng hình ảnh mãn nhãn của các bộ phim trên màn ảnh nhỏ những năm qua cũng được cải thiện đáng kể, gần như không còn khoảng cách với các tác phẩm màn ảnh rộng.
Áp dụng những kỹ thuật hiện đại như VFX (những hình ảnh được tạo ra hoặc biến đổi so với cảnh quay thật trên phim trường nhờ phần mềm, công nghệ chỉnh sửa ảnh bằng máy tính), CG (hiệu ứng đồ họa vi tính)… khung hình đã trở nên chân thật và sống động hơn. Trước đây, CG và VFX là điểm mạnh của các nền công nghiệp điện ảnh hàng đầu thế giới như Hollywood.
 |
Các “ông lớn” làm phim châu Á đặt tham vọng tạo ra các nền tảng phát trực tuyến toàn cầu. |
Với nguồn lực sẵn có, không chỉ dừng lại ở đó, các công ty phim ảnh lớn châu Á, đứng đầu là Hàn Quốc và Trung Quốc còn đang đặt tham vọng cao hơn. Thay vì hợp tác sản xuất với Netflix, Disney+… như hiện tại, họ đang muốn tạo ra các nền tảng toàn cầu để tự phân phối nội dung của chính mình. Không chỉ còn là hoạch định, các nền tảng trực tuyến châu Á như TVING, Wavve, Coupang Play (Hàn Quốc) hay WeTV, iQiyi (Trung Quốc)… đã bắt tay sản xuất các phim độc quyền, tạo nên cuộc cạnh tranh giành thị phần thị trường phát trực tuyến vô cùng khốc liệt.
Theo ông Park Hyuck-tae - nhân viên của Cơ quan Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc (KOCCA), việc chia sẻ lợi nhuận không đồng đều giữa công ty sản xuất phim với các gã khổng lồ trực tuyến đã thôi thúc các doanh nghiệp trong nước mong muốn tự phát triển các nền tảng. “Có một giới hạn nếu phụ thuộc quá nhiều vào Netflix: Họ chỉ đưa ra mức lợi nhuận 10-15% cho các đơn vị sản xuất phim Hàn Quốc và nắm giữ tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đối với nội dung phim. Đó là lý do tại sao mọi người nói rằng Netflix đang thu lợi được nhiều nhất sau thành công vang dội của Squid Game”, Park Hyuck-tae nói.
Chung Thu Hương