Bộ GD-ĐT đưa ra giải pháp đảm bảo quyền được học tập cho học sinh trong điều kiện dịch bệnh

22/12/2021 - 17:51

PNO - Vẫn còn học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết cũng đã có giải pháp đảm bảo quyền được học tập cho các em.

Tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả dạy và học trực tuyến thích ứng với COVID-19” tổ chức chiều 22/12, cô Nguyễn Bích Thủy - giáo viên Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết khi dịch bệnh với những diễn biến phức tạp, học sinh tạm dừng đến trường và trường THCS-THPT Lương Thế Vinh đã thực hiện dạy trực tuyến trên nền tảng dạy học có tính hệ thống và quản lý thì hiệu quả của việc học trực tuyến được nâng lên rất nhiều.

Cô Thủy đề xuất nếu có thể, Bộ GD-ĐT phối hợp với các tập đoàn để tạo ra nền tảng dạy học trực tuyến của ngành. Từ đó, các cơ sở giáo dục dựa trên nền tảng đó để triển khai dạy học trực tuyến đồng bộ và thống nhất. Như vậy, sẽ tăng khả năng quản lý và nâng cao hiệu quả, chất lượng của giờ học trực tuyến, chất lượng giáo dục cũng được bảo đảm.

Bởi lẽ, thực tế, trải qua 2 năm đại dịch, đối với giáo dục nói chung đã phát hiện và bộc lộ một số hạn chế như hạ tầng công nghệ thông tin còn chưa đồng bộ và nhiều nơi còn chưa đáp ứng yêu cầu, còn có những bất cập; chưa có phần mềm đào tạo trực tuyến đủ mạnh "Made in Vietnam" để dùng chung cho các cơ sở giáo dục.

Cùng với đó, hiện nay trên khắp cả nước vẫn còn những học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến đặc biệt là những học sinh ở vùng sâu, vùng xa. Vậy Bộ GD-ĐT sẽ làm gì để đảm bảo quyền được học tập cho học sinh trong điều kiện dịch bệnh?

Học sinh Nghệ An lên núi hứng sóng học trực tuyến
Học sinh Nghệ An lên núi dựng lán hứng sóng học trực tuyến

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) cho hay: “Nguyện vọng có hệ thống dạy học trực tuyến toàn ngành là mong muốn chính đáng, nhưng chúng ta hình dung con số, chúng ta có hơn 16 triệu học sinh, hơn 30 ngàn trường trên khắp 63 tỉnh thành, không dễ gì có hệ thống chung lớn đến như vậy.

Chính vì vậy, Thông tư 09 của Bộ GD-ĐT ban hành hạ tầng công nghệ thông tin phải đáp ứng các yêu cầu đấy, các nhà mạng cung cấp hệ thống mạng cho các địa phương, các nhà trường và việc sử dụng. Ngoài hệ thống, còn vấn đề liên quan đến nguồn liệu học trực tuyến, làm sao để phát triển, hỗ trợ các thầy cô.

Công cụ không phải chỉ là máy tính mà là những học liệu số trên hệ thống để thầy cô dễ dàng tìm kiếm, đưa vào bài giảng, khai thác sử dụng có hiệu quả. Bộ GD-ĐT cũng đang tiếp tục triển khai thực hiện vấn đề này, ngoài ra, không ai khác, chính các thầy cô sẽ là người đóng góp để hoàn thiện”.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành thì hiện nay, cuộc thi bài giảng E-learning đang tổ chức được các thầy cô tham gia, đóng góp sáng kiến.

Nhìn xa hơn, quy chế, quy định, tiêu chuẩn thực hiện cũng như quản lý chung trên toàn ngành, có hệ thống cơ sở dữ liệu ngành làm sao đạt chuẩn kết nối, chuẩn dữ liệu để liên thông được các hệ thống với nhau. Còn quá trình lựa chọn có thể nhà trường, địa phương thực hiện sao cho phù hợp.

Còn về giải pháp để hỗ trợ học sinh thiếu phương tiện học trực tuyến, theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành đây đúng là một thực tế.

“Để giải quyết vấn đề này, một mặt phát triển hệ thống, một mặt phải hỗ trợ học sinh có cơ hội tiếp cận sóng, Internet và thiết bị học trực tuyến.

Vừa rồi Chính phủ dựa trên đề xuất của Bộ GD-ĐT, kết hợp Bộ Thông tin &Truyền thông, tổ chức triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”, hỗ trợ các em học sinh khó khăn.

Qua quá trình triển khai rất nhiều tỉnh linh hoạt thực hiện, nhiều nơi cấp máy tính, nhiều nơi có thư viện máy tính cho các em mượn máy tính học trong một giai đoạn, sau đó, khi các em đã có điều kiện sẽ trao máy tính lại cho các em học sinh khác, dần từng bước 1 để tất cả các em có cơ hội tiếp cận.

Có những em học sinh chưa có khả năng tiếp cận, chúng tôi đã hướng dẫn địa phương, nhà trường thực hiện cách nào đấy để hỗ trợ học sinh. Ví dụ trường hợp dịch bệnh ở khu vực chưa quá căng thẳng, có thể chia thành nhóm học sinh để tương trợ lẫn nhau, dùng chung một màn hình cũng là giải pháp.

Nhiều nơi khó khăn nữa, học sinh không có cách tiếp cận, thầy cô lặn lội đến từng gia đình đưa bài tập đến tận tay học sinh.

Chúng tôi rất mong muốn không có bất kỳ học sinh nào bị bỏ rơi trong giai đoạn khắc phục khó khăn vì dịch COVID-19”, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành nói.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI