Bảo đảm cuộc sống bình yên, hướng tới phát triển bền vững vì hạnh phúc của nhân dân

29/01/2021 - 11:44

PNO - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nghe 36 tham luận của các đại biểu đóng góp cho các văn kiện trình đại hội. Báo Phụ Nữ TP.HCM lược trích những tham luận liên quan đến vấn đề an sinh xã hội, phát triển đất nước gắn liền với công bằng xã hội, hạnh phúc của nhân dân.

 

Bảo đảm cuộc sống bình yên

Trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực sẽ tiếp tục diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định. Trong nước, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vừa có nhiều thuận lợi rất cơ bản, nhưng bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn còn tồn tại và có mặt còn gay gắt hơn.

Chúng tôi xin đề xuất một số vấn đề theo hướng bổ sung, nhấn mạnh và làm rõ những quan điểm, nội dung mới, nội dung cơ bản, cốt lõi mà dự thảo Báo cáo chính trị đề cập và đó cũng là những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà lực lượng công an nhân dân (CAND) tập trung thực hiện trong những năm tới.

Thứ nhất, đảng bộ Bộ Công an và toàn lực lượng CAND tiếp tục tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương của Đảng.

Thứ hai, chủ động nắm chắc tình hình từ sớm, từ xa, từ cơ sở trong mọi tình huống; nắm tình hình từ khi mới khởi nguồn các vấn đề phức tạp về an ninh trật tự (ANTT) để kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước các chủ trương, giải pháp, cơ chế, chính sách, pháp luật phù hợp để bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, chủ quyền và an ninh của đất nước; nghiên cứu cụ thể hóa và có giải pháp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh con người, bảo vệ an ninh chính quyền, an ninh Nhà nước, an ninh chế độ, trong đó phải lấy cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, hạnh phúc của mỗi con người làm tiêu chí, hiệu quả của công tác bảo vệ ANTT.

Thứ ba, tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương “kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh” và phương châm “ổn định chính trị, giữ vững an ninh, trật tự để phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững”; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, lãng phí, có giải pháp, quy trình, quy chế quản lý chặt chẽ trong phát triển các dự án, đầu tư phát triển kinh tế.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới toàn diện và nâng cao chất lượng các mặt công tác. 

Thứ năm, tập trung xây dựng thế trận lòng dân vững chắc về ANTT; phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng công an xã trong bảo đảm ANTT tại cơ sở, theo phương châm “trọng dân, gần dân; lúc dân cần, lúc dân khó, có công an”; tập trung xây dựng từng thôn, xóm, bản, làng, tổ dân phố, cơ quan, doanh nghiệp trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Thứ sáu, đặc biệt chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh, tăng cường tiềm lực, sức mạnh về mọi mặt của CAND đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

(Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an)

 

Nâng cao trách nhiệm giải trình

Để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ nhân dân, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, Bộ Nội vụ đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp.

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.

Thứ hai, xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, nâng cao trách nhiệm giải trình, từng bước hiện đại phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. 

Thứ ba, cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, trong đó chủ yếu là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thể chế của nền hành chính nhà nước; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cung ứng dịch vụ công của bộ máy hành chính nhà nước trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của nền kinh tế; tập trung đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; triển khai mạnh mẽ việc xây dựng, phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phục vụ của cơ quan hành chính các cấp theo hướng công khai, minh bạch, hiện đại. 

Thứ tư, tăng cường công tác theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị. 

(Đại biểu Phạm Thị Thanh Trà - Thứ trưởng Bộ Nội vụ)

 
TIN MỚI