Đây là nhận định chung của các vị khách quốc tế tại buổi gặp gỡ tại TP.HCM hôm nay 30/4/2025 do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức nhằm đón tiếp bạn bè quốc tế, là những người có nhiều đóng góp vào quá trình thống nhất và phát triển Việt Nam.
Bà Alicia Corredera Morales, Vụ trưởng Vụ châu Á và châu Đại Dương, Viện Cuba Hữu nghị với các Dân tộc, chia sẻ tại sự kiện: “Như dòng sông Hồng không ngừng chảy ra biển lớn, tình đoàn kết Việt Nam – Cuba được viết nên bằng những câu chuyện mới, nơi mà những con người như các thành viên đoàn đại biểu hôm nay âm thầm kết nối trái tim hai dân tộc”.
 |
Các đại biểu chụp ảnh tại sự kiện hôm nay 30/4/2025, thể hiện tinh thần đoàn kết với Việt Nam. Ảnh: Tường Thụy |
Bà Morales cho biết, vào trưa ngày 30/4/1975, khi bà đang học Đại học Tổng hợp Hà Nội thì trường biết tin miền Nam giải phóng.
“Cả hội trường Đại học Tổng hợp Hà Nội như vỡ òa trong những cái ôm nghẹn ngào. Thầy cô và sinh viên quây quần với nhau bên tách trà đơn sơ mà ấm áp nghĩa tình. Chúng tôi cùng xúc động và cùng hiểu rằng nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”.
 |
Bà Alicia Corredera Morales, Vụ trưởng Vụ châu Á và châu Đại Dương, Viện Cuba Hữu nghị với các Dân tộc, phát biểu. Ảnh: Tường Thụy |
Trong số 100 bạn bè quốc tế tham dự buổi gặp hôm nay có ông John McAuliff, Giám đốc Điều hành Quỹ Hòa giải và Phát triển (FRD) tại Mỹ. Ông là một người bạn gắn bó lâu dài với Việt Nam và Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc. Ông tham gia tích cực trong phong trào phản chiến tại Mỹ từ 1967 đến 1975, là một trong những người vận động ký kết Hiệp định Paris 1973. Năm 1975, ông cùng một nhóm đại biểu thanh niên tiến bộ Mỹ lần đầu tiên thăm Việt Nam, đến Hà Nội đúng ngày 30/4/1975. Kể từ đó, ông đã có hơn 50 chuyến thăm Việt Nam.
Ông McAuliff cho biết, khi chiến cuộc kết thúc 50 năm trước, đa số người Mỹ hân hoan khi máu đã ngừng đổ và ủng hộ viện trợ nhân đạo cho Việt Nam. Trong khi đó, giới chức Mỹ lại tỏ ra tiêu cực.
“Những vết thương lòng và nghi ngờ đã khiến cả hai bên bỏ lỡ cơ hội bình thường hóa quan hệ vào cuối thập niên 1970… Tuy nhiên, các nhóm ủng hộ hòa bình của các tổ chức tôn giáo, cùng lực lượng phản chiến dân sự còn hoạt động đã kêu gọi bình thường hóa quan hệ, bắt đầu bằng việc ủng hộ Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc. Liên minh Hữu nghị ở Mỹ đã gửi một lô hàng viện trợ gạo, trong khi một số tổ chức khác cũng triển khai các chương trình nhân đạo riêng biệt, phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam”.
 |
Ông John McAuliff, Giám đốc Điều hành Quỹ Hòa giải và Phát triển (FRD) tại Mỹ, tại buổi gặp gỡ 30/4/2025. Ảnh: Tường Thụy |
Ông McAuliff chia sẻ: “Cách đây 50 năm, ai có thể tưởng tượng được rằng chúng ta sẽ chứng kiến một Việt Nam như ngày hôm nay? Một Việt Nam với sự bùng nổ xây dựng, tăng trưởng kinh tế và năng lượng. Ai có thể tưởng tượng được rằng hai bên ở hai phía lại có thể trở thành đối tác chiến lược toàn diện sau 30 năm.
Theo bà Cristine Ebro, thành viên Ủy ban Đoàn kết Nhân dân Philippines - Việt Nam, sự kiện ngày 30/4/1975 giải phóng miền Nam và thống nhất Việt Nam có ý nghĩa lịch sử to lớn trên trường quốc tế.
Thứ nhất, chiến thắng ngày 30/4 và công cuộc thống nhất đất nước ở Việt Nam đã góp phần tạo ra một thế hệ các nhà hoạt động không biết sợ tại Philippines, tạo ra phong trào những người đoàn kết với người dân Việt Nam trong khi đấu tranh quyết liệt cho công lý xã hội và chủ quyền quốc gia tại Philippines.
Thế hệ này đã thúc đẩy quá trình cách mạng tại Philippines, là cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài của ông Ferdinand Marcos năm 1986, cũng mở đường cho việc di dời các căn cứ quân sự của Mỹ tại Philippines vào năm 1991.
Thứ hai, theo bà Cristine Ebro, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại Việt Nam đã làm bùng lên ngọn lửa trên khắp các châu lục để phản đối chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc. Từ Mỹ, châu Âu, châu Á đến châu Mỹ Latinh, các trường đại học tràn ngập các buổi mít-tinh, đường phố vang lên tiếng biểu tình và công nhân nổi dậy trong các cuộc đình công. Ở Mỹ, phong trào phản chiến đã nhập vào cuộc đấu tranh giành quyền công dân.
Một ý nghĩa tầm quốc tế khác là hành trình đến thống nhất của Việt Nam đã truyền cảm hứng cho Nam Bán cầu, đã chứng minh rằng độc lập và quyền tự quyết là điều hoàn toàn có thể đạt được.
Tại sự kiện, ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, nhấn mạnh: “Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc Việt Nam, là cội nguồn sức mạnh cho sự trường tồn và phát triển của cả dân tộc”.
Ông Chiến khẳng định với 100 bạn bè quốc tế tại sự kiện: Đảng, Nhà nước, và Nhân dân Việt Nam luôn ghi khắc trong lòng tình đoàn kết quốc tế cao cả, sự ủng hộ quý báu của bạn bè quốc tế, không phân biệt chủng tộc, màu da, tôn giáo, trong những năm tháng khó khăn gian khổ nhất.
 |
Quang cảnh buổi gặp mặt tại TP.HCM hôm nay 30/4/2025. Ảnh: Tường Thụy |
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng chia sẻ: “Chúng tôi mong các bạn có mặt ở đây và bạn bè khắp năm châu tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết quốc tế cao cả, ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam trên con đường bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước”.
Các đại biểu tại sự kiện cũng chia sẽ nhận định chung rằng, hiện nay Việt Nam đang tràn đầy quyết tâm và hy vọng để bước vào kỷ nguyên mới, tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, tiếp tục đóng góp vào việc giữ vững môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995, mở ra một trang mới trong quan hệ giữa hai nước. Từ đó, hợp tác ngày càng phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Năm 2023, đánh dấu một cột mốc quan trọng: Hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Lúc mới bình thường hóa quan hệ ngoại giao, thương mại song phương theo năm giữa Việt Nam và Mỹ ước tính chỉ hơn 450 triệu USD. Giá trị hiện nay đã lên tới gần 150 tỷ USD, và Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Sắp tới, phía Việt Nam sẽ mua thêm khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và máy bay dân dụng từ Mỹ, tăng cường nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ. Nhiều trường đại học Mỹ đã thiết lập quan hệ với các trường đại học Việt Nam. Nhiều công ty Mỹ trong ngành bán dẫn và chip đã có mặt tại Việt Nam như Intel, Amkor Technology, Marvell Technology, Synopsys… Hợp tác trong ngành bán dẫn và các ngành công nghệ cao khác được cả hai nước ưu tiên. |
Theo Dân Việt