Xúc động ca khúc tưởng nhớ người đã khuất vì COVID-19

19/11/2021 - 18:26

PNO - Với ca từ sâu lắng, giai điệu da diết, hai ca khúc đều khiến người nghe xúc động.

Nhạc sĩ Nguyễn Bá Hùng sáng tác Tiếng chuông ngân trong gió vào tối 16/11. Khi cảm xúc dâng trào, anh chỉ mất 1 giờ đồng hồ để hoàn thành ca khúc. Ca khúc được thầy giáo Hồng Phúc hòa âm kết hợp với tiếng sáo của thầy Trần Thiên Lâm (Nhạc viện TPHCM). Ca sĩ Đức Nhân thể hiện tác phẩm này. Anh là thủ khoa tốt nghiệp nhạc viện.

Có giai điệu nhẹ nhàng, tình cảm, dễ đi vào lòng người, bài hát mở đầu với những ca từ xúc động: "Nghe hương bay trong gió thơm/ Thương ai qua bên kia trời/ Lời chưa nói với người ở lại/ Lời gửi gắm biết ngỏ cùng ai/ Xin dâng đây nén tâm hương/ Cho âm dương giao hòa/ Lời chưa nói, xin nhắn gửi/ Người còn sống sống thay người nằm lại".

Nhạc sĩ Nguyễn Bá Hùng nói, bài hát như lời tạm biệt người đã khuất. Anh cũng truyền tải thông điệp mong người ở lại sẽ thay họ làm những điều ý nghĩa như chăm sóc người già neo đơn, trẻ em mồ côi, người có hoàn cảnh khó khăn... Trong lời bài hát có đoạn nhắc đến điều này: "Nhường cơm, sẻ áo/ Chở che nhau người Việt Nam/ Những tâm hồn bé thơ ở lại/ Sẽ vươn chồi dưới nắng ban mai". Tên bài hát được lấy cảm hứng từ tiếng chuông chùa, nhà thờ ngân vang.

Tác giả Nguyễn Bá Hùng
Tác giả Nguyễn Bá Hùng

*Tiếng chuông ngân trong gió - Đức Nhân:

 

Trước đó, trong thời điểm dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, nhạc sĩ Nguyễn Bá Hùng cũng có nhiều sáng tác như: Thương nhớ Sài Gòn, Tôi có vài cuộc hẹn (Nguyễn Phi Hùng), Chia nhau một chút ngọt bùi (NSND Tạ Minh Tâm), Những trái tim nghĩa tình (MC Quỳnh Hoa) để động viên tinh thần người dân.

Trước đó, thầy giáo Nguyễn Thái Dương cũng có ca khúc Bài ca tôi viết lần này để tưởng nhớ những người đã khuất vì dịch COVID-19. Anh nói, khi cuộc sống trở lại bình thường mới, lòng anh chùng xuống vì nghĩ đến những người đã không còn cơ hội trở lại. Vì thế, anh sáng tác ca khúc này, theo phong cách ballad mang âm hưởng cổ điển. 

Sau khi sáng tác xong, anh đưa vợ nghe. Vợ anh khóc. Chị khuyên anh không nên công bố bài hát vì dễ tạo cảm giác u buồn. Thầy giáo Nguyễn Thái Dương cho rằng đây là lời tưởng niệm dành cho những người đã ra đi, như một sự an ủi. Vì thế, anh vẫn giới thiệu đến người nghe.

Ca khúc nhanh chóng được đón nhận bởi ca từ ý nghĩa, xúc động: "Bài ca tôi viết lần này/ Dành cho ai đã chẳng thể bước tiếp hôm nay/ Bài ca tôi viết lần này/ Cho những ai không bao giờ được thấy/ Bài ca tôi viết lần này/ Dành cho ai chẳng kịp lời chia ly lần cuối/ Bài ca tôi viết lần này/ Cho những ai hôm nay thành mồ côi". Thầy giáo cũng nhắc đến các ý như: tái sinh rạng ngời, phố thưa lại đầy trong ca khúc động viên tinh thần người dân, thành phố trước đó rất nổi tiếng mang tên Sài Gòn tôi sẽ.

Thầy giáo Thái Dương có nhiều ca khúc ý nghĩa nói về dịch bệnh
Thầy giáo Thái Dương có nhiều ca khúc ý nghĩa nói về dịch bệnh

*Bài ca tôi viết lần này - Nguyễn Thái Dương:

 

Nam nhạc sĩ cho phép mọi người sử dụng ca khúc này để hát tưởng nhớ người đã khuất. Và ca sĩ Phương Vy đã xin phép tác giả để thực hiện bản phối mới. 

"Đã rất lâu rồi Vy không hát ballad, nhưng khi nghe ca khúc này, tim như thắt lại vì xúc động, và lần đầu tiên mình đã chủ động liên hệ với tác giả, xin phép được hát...", Phương Vy chia sẻ. Cô nói, từng ca từ đều cho thấy tác giả có sự thấu hiểu, sẻ chia sâu sắc với những mất mát của mọi người. Vì thế, cô thể hiện lại, xem như chút tấm lòng gửi đến người đã đi, an ủi người ở lại. Sản phẩm của Phương Vy được nhiều người đón nhận.

Ca sĩ Phương Vy khiến người nghe xúc động với phiên bản Bài ca tôi viết lần này
Ca sĩ Phương Vy khiến người nghe xúc động với phiên bản Bài ca tôi viết lần này

*Bài ca tôi viết lần này - Phương Vy:

 

Trung Sơn (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI