Việc làm cho sinh viên và trách nhiệm người sử dụng lao động

18/04/2024 - 06:57

PNO - Xây dựng quy định giới hạn giờ làm thêm là phù hợp, là tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên có thêm việc làm nhưng vẫn đảm bảo sức khỏe.

hiều ý kiến băn khoăn về việc sinh viên chỉ được làm thêm tối đa 20 giờ/tuần - Ảnh minh họa: ITC
Nhiều ý kiến băn khoăn về việc sinh viên chỉ được làm thêm tối đa 20 giờ/tuần - Ảnh minh họa: ITC

Sau buổi đứng lớp ở TP Hà Nội, tôi có chia sẻ với sinh viên về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), trong đó quy định sinh viên chỉ được làm thêm tối đa 20 giờ/tuần và muốn nghe ý kiến của các em. Nhiều em chia sẻ rằng, các em đi làm thêm khoảng 6 giờ mỗi ngày với mức lương 17.000-23.000 đồng/giờ.

Các sinh viên lo, nếu quy định thời gian làm thêm trung bình mỗi ngày chỉ được 4 giờ thì các em rất khó xin việc bởi người sử dụng lao động thường tuyển người làm 6 giờ/ca. Thậm chí, khi làm nhân viên phục vụ ở quán bia, trên hợp đồng chỉ ký là 6 giờ/ca nhưng thực tế, hết giờ mà vẫn còn khách thì nhân viên vẫn chưa được về.

Riêng tôi thấy đề xuất thời gian làm thêm tối đa 20 giờ/tuần là phù hợp. Việc đi làm thêm quá giờ khiến sinh viên thiếu ngủ triền miên, lên lớp ngủ gật hoặc không thể tiếp thu.

Theo tôi được biết, ở một số nước, trường đại học có quy định về giờ giấc làm thêm của sinh viên rất nghiêm ngặt, thường là không quá 20 giờ/tuần. Ở Mỹ, Anh, Úc, sinh viên quốc tế được phép làm thêm tối đa 20 giờ/tuần trong thời gian học và 40 giờ/tuần vào kỳ nghỉ.

Ở nước Đức, có những quy định pháp lý về số giờ mà sinh viên quốc tế được phép làm việc tùy vào việc sinh viên đó đến từ đâu. Nếu đến từ các nước thuộc Liên minh châu Âu, Iceland, Liechtenstein, Na Uy hay Thụy Sĩ, bạn có quyền làm việc mà không cần giấy phép đặc biệt, nhưng nếu muốn làm việc hơn 20 giờ mỗi tuần, bạn phải đóng bảo hiểm quốc gia giống như sinh viên Đức. Nếu bạn đến từ một quốc gia khác, bạn được phép làm việc 120 ngày toàn thời gian (8 giờ/ngày) hoặc 240 ngày bán thời gian (4 giờ/ngày) trong năm. Bạn không được phép tự kinh doanh.

Các nước phát triển đưa ra quy định hạn chế sinh viên quốc tế làm việc nhằm đảm bảo du học sinh không lơ là việc học và đảm bảo chất lượng nền giáo dục. Chưa kể, du học sinh làm thêm quá nhiều giờ có thể ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của sinh viên và người dân bản địa. Trong khi đó, sinh viên nội địa ở các quốc gia trên thế giới chủ yếu được khuyến khích làm việc không quá 20 giờ/tuần để đảm bảo cân bằng việc học.

Xây dựng quy định giới hạn giờ làm thêm là phù hợp, là tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên có thêm việc làm nhưng vẫn đảm bảo sức khỏe. Tuy nhiên, thực hiện được điều này là không dễ dàng.

Do đó, Nhà nước cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Thứ nhất, Nhà nước cần nêu rõ quy định, cơ chế kiểm tra, giám sát, khung thời gian cho từng công việc. Cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng hành lang pháp lý trước khi áp dụng. Thứ hai, sinh viên đi làm thêm phải cung cấp mã số thuế cá nhân cho nhà tuyển dụng. Thứ ba, nhà tuyển dụng phải có hợp đồng lao động rõ ràng với sinh viên.

Thứ tư, tất cả việc chi trả tiền lương cho nhân viên (bất kể bán thời gian hay toàn thời gian) đều phải thông qua hệ thống ngân hàng để cơ quan chức năng quản lý. Thứ năm, cần đảm bảo việc làm đó được trả lương phù hợp, không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng quy định. Thứ sáu, nếu không tuân thủ luật, để cho sinh viên làm thêm quá 20 giờ/tuần, doanh nghiệp sẽ bị cơ quan chức năng phạt nặng.

Thứ bảy, để sinh viên không xao nhãng việc học tập do làm bên ngoài quá nhiều, các trường có thể yêu cầu sinh viên ký cam kết. Nếu sinh viên nghỉ quá 20% số giờ của 1 môn học thì không được tham gia thi kết thúc học phần. Do đó, mỗi sinh viên sẽ phải tự tính toán, bố trí thời gian để tham gia học đầy đủ và đạt kết quả, ra trường đúng hạn. Thứ tám, cần có những chính sách hỗ trợ đủ mạnh cho sinh viên khó khăn và có sự phối hợp từ nhiều bộ, ngành trong việc quản lý giờ làm thêm của sinh viên.

Tiến sĩ Vũ Thị Minh Huyền

(Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI