Vàng ơi là vàng: Hơn cả một vở diễn tết

26/01/2024 - 07:35

PNO - Nhà hát kịch IDECAF vừa ra mắt vở hài kịch Vàng ơi là vàng (kịch bản: Nguyễn Quốc, đạo diễn: Hùng Lâm). Như mọi năm, nhà hát vẫn giữ truyền thống giới thiệu vở diễn tết sớm nhất làng kịch TPHCM.

Xem hài kịch Molière được “Việt hóa”

Vàng ơi là vàng kể câu chuyện bi hài về gia đình ông Cả Kiết giàu có nhất vùng nhưng nổi tiếng keo kiệt, bủn xỉn. Lối sống chỉ biết có tiền của ông làm con cái khổ sở, kẻ ăn người ở ngán ngẩm, người ngoài chán ghét. Xung đột đến đỉnh điểm khi 2 người con của ông Cả Kiết là cậu Nhân và cô Thủy chọn trúng ý trung nhân đều là “con nhà nghèo”.

Với những khán giả lâu năm của sân khấu IDECAF, có thể nhận ra, Vàng ơi là vàng chính là phiên bản mới của vở hài kịch Cái tráp vàng ra đời cách đây khoảng 20 năm. Với câu chuyện hài kịch kinh điển cùng dàn diễn viên “khủng” (Thành Lộc, Hữu Châu, Thanh Thủy, Tú Trinh, Tuấn Khôi, Minh Trí, Hoàng Trinh…) Cái tráp vàng ăn khách trên sân khấu IDECAF một thời gian dài.

Đình Toàn và Đại Nghĩa là 2 nghệ sĩ trụ cột của nhà hát kịch IDECAF hiện tại
Đình Toàn và Đại Nghĩa là 2 nghệ sĩ trụ cột của nhà hát kịch IDECAF hiện tại

Điều thú vị là dù được phóng tác từ vở hài kịch kinh điển Lão hà tiện của nhà soạn kịch Molière, nhưng nếu không tìm hiểu sâu, người xem rất dễ lầm tưởng đây là hài kịch dân gian Việt Nam chính hiệu.

Sự đồng sáng tạo của cả ê kíp tác giả, đạo diễn, diễn viên và nhiều thành phần khác đã giúp Cái tráp vàng trước đây hay Vàng ơi là vàng hiện tại mang một diện mạo hoàn toàn Việt Nam. Từ tình huống kịch, tính cách nhân vật, phong cách biểu diễn đến sắc màu văn hóa lồng ghép trong bối cảnh đều rất giàu bản sắc. Đặc biệt, Vàng ơi là vàng của năm 2023 càng được gia cố nhiều về kịch tính, tiết tấu để phù hợp thị hiếu khán giả trong nhịp sống hiện đại hôm nay.

Lấp đầy “khoảng trống”

Theo “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn của nhà hát kịch IDECAF, đặc trưng hài kịch Molière là hài kịch tính cách - tiếng cười bật ra từ sự phóng đại cá tính các nhân vật và lời thoại hài hước, châm biếm. Cho nên, để dựng và diễn thể loại kịch không có câu chuyện lắt léo này một cách hấp dẫn là điều không hề dễ. Ở đó đặc biệt đòi hỏi năng lực, bản lĩnh và cả sự duyên dáng của diễn viên. 

Tham gia Vàng ơi là vàng có 9 diễn viên gồm: Đình Toàn, Đại Nghĩa, Hồng Ánh, Quốc Thịnh, Hòa Hiệp, Trà Ngọc, Phi Nga, Quang Thảo, Hoài Trang. Các diễn viên hầu hết được đào tạo bài bản và dù hoạt động ở nhiều lĩnh vực vẫn luôn hướng về sân khấu. 

Trong đó, Đại Nghĩa và Đình Toàn trưởng thành và gầy dựng tên tuổi từ chính sàn diễn IDECAF. Dù hoạt động sân khấu gián đoạn và cộng tác ở nhiều nơi, Nghệ sĩ ưu tú Hồng Ánh luôn là “người cũ” của IDECAF. Hòa Hiệp từng là kép chính của sân khấu kịch Hồng Vân. Quốc Thịnh là diễn viên đa năng tại sân khấu Hoàng Thái Thanh, kịch 5B. Phi Nga tạo dấu ấn từ sân khấu Thế Giới Trẻ, Nụ Cười Mới. Quang Thảo có nhiều vai diễn ấn tượng tại sân khấu Hoàng Thái Thanh. Trà Ngọc và Hoài Trang có đủ điều kiện trở thành “đào đẹp” của sân khấu.

“Sau lớp diễn viên gạo cội, hiện nay, nhà hát kịch IDECAF đang sở hữu một lực lượng diễn viên khá đa dạng tuổi đời và tuổi nghề. Các bạn chủ yếu đang ở độ chín của nghề nghiệp, dồi dào năng lượng và đủ đầy kinh nghiệm lẫn sự tự tin đảm nhận những kịch bản đòi hỏi phát huy năng lực và sức hút cá nhân” - ông Huỳnh Anh Tuấn lý giải về quyết định dựng lại Cái tráp vàng thành Vàng ơi là vàng.

Ở suất công diễn, Vàng ơi là vàng đã tạo hiệu ứng rất tốt. Không riêng gì 2 vai diễn chủ chốt là ông Cả Kiết (Đình Toàn) và anh đầy tớ lắm trò Chuột (Đại Nghĩa), cả 9 diễn viên đều có “trò diễn” thu hút người xem. Tất cả cùng tung hứng nhịp nhàng, tạo nên những tràng cười ngả nghiêng cho khán giả. Nhà hát kịch IDECAF cũng đã mở bán vé tết và Vàng ơi là vàng đang hút khách tốt.

Đạo diễn Hùng Lâm cho rằng, mỗi thế hệ diễn viên có lợi thế riêng cũng như thị hiếu khán giả thay đổi theo thời gian mà người làm nghệ thuật luôn phải thích ứng. Cho nên, anh không có áp lực “làm mới” mà dựng Vàng ơi là vàng như một tác phẩm hoàn toàn mới. “Trong đó, lớp diễn viên mới được tiếp xúc kịch bản mang tính thử thách để tạo dấu ấn mới. Còn lớp khán giả năm xưa chắc đã làm phụ huynh, thậm chí là ông bà rồi thì các bạn trẻ hôm nay càng không biết đến bản dựng trước. Việc đưa những kịch bản đã được kiểm định chất lượng bởi công chúng và qua thời gian trở lại, đến với khán giả hôm nay cũng là một cách để nuôi dưỡng khán giả kế thừa” - đạo diễn Hùng Lâm nhận định.

Nghệ sĩ Đại Nghĩa cho rằng, bất cứ sự chia tay nào cũng để lại khoảng trống và việc nhiều nghệ sĩ gạo cội chuyển nơi hoạt động chắc chắn để lại sự hụt hẫng trong lòng khán giả. Vì thế, những người còn ở lại càng phải đoàn kết, nỗ lực hơn để hình thành thói quen mới cho khán giả, để có thể lấp đầy những khoảng trống.

Hơn cả một vở diễn tết, Vàng ơi là vàng cùng những Thuốc đắng giã tật, Khalip - Một ngày làm vua, Bích Hoa - cô là ai?, Hé-lô ông thần! thời gian qua là những minh chứng cho thấy nhà hát kịch IDECAF đã rất nỗ lực và đang dần lấp đầy những “khoảng trống” để lại trên sàn diễn lẫn dưới khán phòng.

“Chúng tôi vẫn còn Cậu đồng, Anh chàng xỏ lá được cảm tác từ hài kịch Molière hay Trùm lừa được chuyển thể từ Tên trùm bịp bợm thành Venice của Jules Romains. Đây đều là những vở có tính thử thách với diễn viên và rất ăn khách trên sân khấu IDECAF trước đây. Với dàn diễn viên giàu năng lượng hiện tại, chúng tôi tự tin đưa thêm “đặc sản” này trở lại với khán giả trong thời gian tới” - ông Huỳnh Anh Tuấn cho biết. 

Ninh Lộc

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI