Túi hàng bị đánh cắp và tấm lòng của người Sài Gòn

13/10/2020 - 09:09

PNO - Đang làm việc trong phòng khám Mai Khôi (Q.3, TP.HCM), giữa tiếng lao xao của bệnh nhân, tôi chợt nghe giọng đàn ông gọi tôi xuống có một ma-xơ cần gặp.

Tôi đi xuống sảnh, chưa thấy người cần tìm mình, tôi đã bị hút vào hình ảnh cụ bà hom hem ngồi bên kia đường. Cụ ngồi bệt xuống vỉa hè, hai tay ôm đầu, ánh mắt hướng ra đường như người lạc thần.

Tôi có cảm giác đó là người vừa trải qua một biến cố kinh khủng, có thể đã mất hết tất cả. Ngồi cạnh cụ chính là vị ma-xơ đang tìm tôi. Cuộc nói chuyện chóng vánh cho tôi biết đó là một bà cụ vừa bị giật hết đồ đạc, và đang lâm vào hoàn cảnh cùng cực. 

Cụ bà tên Tâm, 65 tuổi. Con số khiến tôi hơi bàng hoàng vì trông bà héo hon rúm ró hơn số tuổi đó nhiều lần. Bà mất chồng hồi 60 tuổi. Sống cùng bà ở cầu Ông Lãnh là đứa con trai 34 tuổi, làm nghề phục vụ quán ăn.

Lúc đẩy xe hàng quay đi, bà Tâm vẫn không quên ghé lại cảm ơn người đã ngồi xuống bên mình lúc cùng quẫn
Lúc đẩy xe hàng quay đi, bà Tâm vẫn không quên ghé lại cảm ơn người đã ngồi xuống bên mình lúc cùng quẫn

Bà mưu sinh bằng nghề bán khẩu trang, váy chống nắng dạo. Nhưng gian hàng lưu động cũng nghèo nàn, chỉ đủ vun vén cho chi phí phòng trọ của hai mẹ con. Mùa dịch, con thất nghiệp, mẹ cũng ế ẩm. Bà đang đẩy xe hàng trên đường Bà Huyện Thanh Quan thì có hai người đi ngang, nhấc bổng cái túi hàng rồi chạy mất hút. Kêu không kịp, ú ớ khóc không nên lời, bà đành chấp nhận toàn bộ hàng hóa đã mất sạch.

Bà thất thần đẩy xe hàng trống rỗng ngược chiều đường Bà Huyện Thanh Quan, rồi ngồi bệt xuống vệ đường. Ma-xơ Nữ tử Bác ái gặp bà ở đó. Lúc này, xơ có việc nên đã cáo lui. Tôi nhận ra cạnh chỗ bà ngồi là một bịch trà đá còn nguyên. Bà mệt mỏi nói: “Tui mua ly nước chưa kịp uống, giờ thì chẳng muốn uống nữa”.

Trong lúc đợi bà tĩnh tâm, tôi im lặng nhắn tin nhờ một cộng sự trong phòng khám thu xếp chở bà đi mua lại hàng hóa. Lúc người cộng sự xuất hiện, biết được ý định của tôi, bà quýnh quáng từ chối nhưng rồi cũng bị tôi thuyết phục. Bà leo lên xe cho người cộng sự chở đi “lấy hàng”.

Hình ảnh bà thất thần đã nhanh chóng thay bằng vẻ mặt phấn khởi sau khi bà trở về cùng gói hàng vừa mua được. Túi hàng gồm khẩu trang, váy chống nắng, bao tay… được sắm lại vừa đủ cho một cuộc mưu sinh như dự định. Lúc này, tôi thấy bà nhanh nhẹn, hoạt bát, ánh mắt tràn ngập niềm vui. Như thể, trong cơ thể gầy gò và khô héo ấy, mọi vui buồn khóc cười chỉ còn lấp lánh trong đôi mắt. 

Tôi dặn: “Bà đi bán sớm kẻo trễ giờ, mất khách. Chừng nào ngang qua Mai Khôi, bà cứ ghé vào đây uống nước, nói chuyện với mọi người”. Bà rối rít cảm ơn dăm lần nữa rồi mới chịu đẩy xe đi. 
Tôi đứng nhìn theo bà. Hình ảnh nhẹ nhõm của một người vừa vượt qua cơn cùng cực luôn khiến tôi muốn ngắm nghía thật lâu. Đó là “phần thưởng” duy nhất tôi dành cho mình, trong những cuộc đồng hành kiểu vậy. 

Chẳng ngờ, trong lúc nhìn theo dáng người đàn bà đang chầm chậm đi khuất ấy, tôi lại được ban cho một phần thưởng bất ngờ khác. Lúc đẩy xe qua số 36 Tú Xương - nơi lối vào Tu hội Nữ tử Bác ái Vinh Sơn - bà dừng lại, rồi bước vào trong. Tôi không khó để nhận ra bà vào đó để cảm ơn vị ma-xơ đã ngồi xuống trò chuyện ngay lúc bà bơ vơ nhất.

Lòng tôi ngập tràn niềm vui sướng khác - niềm vui của một kẻ vừa được chứng kiến quá nhiều ân huệ trong một buổi sáng. Cái túi hàng đã mất được bù lại bằng một túi hàng khác. Nhưng, tình người, sự sẻ chia, lòng biết ơn là những điều vô giá đã kịp sinh ra - từ chính tình cảnh tai ương này.

Túi hàng có thể bị đánh cắp, nhưng không gì có thể lấy đi niềm hy vọng và cốt cách đẹp đẽ của một con người. 

N.N.H.

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI
  • Lễ hội kén rể ngàn năm tuổi ở Hà Nội

    Lễ hội kén rể ngàn năm tuổi ở Hà Nội 

    12-03-2024 06:21

    Lễ hội kén rể được người dân thôn Đường Yên, xã Xuân Nội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội tổ chức nhằm tưởng nhớ công ơn của nữ tướng Lê Hoa.

  • Nhọc nhằn nghề chà nhám đồ mộc

    Nhọc nhằn nghề chà nhám đồ mộc

    10-03-2024 06:16

    Vất vả, thường xuyên tiếp xúc với bụi, hóa chất song nhiều phụ nữ ở xã Quỳnh Hưng vẫn chọn làm thợ chà nhám đồ mộc vì chủ động được thời gian.