Tuân thủ "Hiến pháp của đại dương": Việt Nam chủ động và trách nhiệm

07/05/2025 - 18:09

PNO - Ngày 7/5, tại Hà Nội, Học viện Ngoại giao phối hợp với Viện Konrad Adenauer Stiftung (KAS) tại Việt Nam và Đại sứ quán Úc đồng tổ chức Đối thoại biển lần thứ 14 với chủ đề “Cơ chế giải quyết tranh chấp trong Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS): Vai trò, Hiệu lực, Hiệu quả”.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại Đối thoại Biển lần thứ 14 . Ảnh: DAV
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại Đối thoại biển lần thứ 14 - Ảnh: DAV

Đối thoại biển lần thứ 14 tại Hà Nội tiếp tục khẳng định vai trò của UNCLOS trong giải quyết hòa bình các tranh chấp biển với sự tham dự của gần 200 đại biểu trong và ngoài nước, gồm chuyên gia từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ, đại diện gần 30 cơ quan đại diện ngoại giao, các viện nghiên cứu và cơ quan trung ương tại Việt Nam. Sự kiện tiếp tục khẳng định vai trò của Đối thoại biển như một diễn đàn học thuật uy tín, nơi thúc đẩy đối thoại xây dựng về các vấn đề pháp lý và an ninh biển.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh tầm quan trọng của UNCLOS như "Hiến pháp của đại dương", đóng vai trò nền tảng cho trật tự pháp lý quốc tế về biển. Việt Nam khẳng định cam kết tuân thủ đầy đủ các quy định của UNCLOS, sẵn sàng đóng góp vào hợp tác pháp lý và quản trị đại dương bền vững vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng khu vực.

PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Anh - Phó giám đốc Học viện Ngoại giao - cho rằng các cơ chế giải quyết tranh chấp trong UNCLOS, từ Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS), trọng tài đến hòa giải, không chỉ đóng vai trò trung gian hòa bình mà còn là trụ cột đảm bảo hiệu lực thực thi Luật Biển quốc tế. Trong bối cảnh năm 2026 đánh dấu 30 năm hoạt động của ITLOS, Đối thoại biển lần này là cơ hội quan trọng để nhìn lại hành trình pháp lý đó, đồng thời thúc đẩy những bước đi tiếp theo nhằm gia tăng tính hiệu quả của các thiết chế này trong ứng phó với thách thức mới, như biến đổi khí hậu, tranh chấp tài nguyên và tự do hàng hải.

Đại sứ Úc tại Việt Nam, bà Gillian Bird, khẳng định các cơ chế pháp lý trong UNCLOS mang tính ràng buộc và là công cụ quan trọng để duy trì hòa bình, ngăn chặn nguy cơ xung đột trên biển. Úc cùng Timor Leste đã là ví dụ thực tiễn khi hòa giải thành công theo UNCLOS, thể hiện cách tiếp cận xây dựng dựa trên luật pháp.

Các diễn giả, đại biểu tham dự Đối thoại Biển lần thứ 14 . Ảnh: DAV
Các diễn giả, đại biểu tham dự Đối thoại biển lần thứ 14 - Ảnh: DAV

Từ góc độ đối tác châu Âu, bà Olivia Schlouch - Quản lý Chương trình đối thoại nhà nước pháp quyền khu vực châu Á của KAS - đánh giá cao vai trò tiên phong của Việt Nam trong việc thúc đẩy đối thoại luật pháp biển. Theo bà, phần XV UNCLOS với các thiết chế giải quyết tranh chấp có hệ thống đã tạo ra tiền đề cho một trật tự pháp lý toàn cầu, đóng vai trò chiến lược trong duy trì ổn định khu vực. Việc đề cử ứng viên cho vị trí Thẩm phán tại ITLOS cũng cho thấy nỗ lực ngày càng rõ nét của Việt Nam trong khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Bên lề hội nghị, bài phát biểu dẫn đề của Chánh án ITLOS Tomas Heidar vào tối 6/5 đã nêu bật vai trò không thể thay thế của tòa án trong giải quyết tranh chấp biển. Ông khẳng định ITLOS đã không chỉ giúp phân xử hàng loạt vụ việc quan trọng mà còn thúc đẩy sự phát triển của luật biển quốc tế, đặc biệt trong các lĩnh vực mới nổi như tác động của biến đổi khí hậu đến ranh giới biển, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển.

Đối thoại lần này tập trung thảo luận 4 chủ đề chính: đánh giá lịch sử hình thành cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS; vai trò của các cơ chế này trong duy trì hòa bình trên biển; đóng góp của chúng đối với sự phát triển của luật biển quốc tế; định hướng cải cách, hoàn thiện cơ chế trong bối cảnh quốc tế đang thay đổi nhanh chóng.

Trải qua 14 kỳ tổ chức, Đối thoại biển không chỉ góp phần làm sâu sắc thêm hiểu biết pháp lý giữa các bên liên quan mà còn tạo tiền đề cho các sáng kiến hợp tác khu vực, định hình cách tiếp cận đa phương trong quản trị biển. Diễn đàn này ngày càng thể hiện vai trò là nhịp cầu học thuật, chính sách, ngoại giao trong bảo vệ lợi ích biển chính đáng của các quốc gia phù hợp với luật pháp quốc tế.

Bích Ngọc

 
TIN MỚI