Trường nghề gồng mình giữa đại dịch

23/06/2021 - 06:16

PNO - Hệ thống giáo dục nghề nghiệp vốn khó khăn nay càng lao đao khi khó khăn tuyển sinh chồng thêm việc dạy thực hành phải ách lại.

Xoay xở tìm người học 

Tháng 4-6 hằng năm là thời điểm các trường nghề tuyển sinh. Việc tuyển sinh có thể theo hình thức đến tận các trường THPT tư vấn  hoặc tổ chức các buổi tư vấn quy mô lớn tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, năm nay, dịch bệnh bùng phát đúng thời điểm tư vấn tuyển sinh nên các trường nghề không thể thực hiện các buổi tư vấn trực tiếp.

Đại tá Nguyễn Trọng Chiêu, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề số 19 (Bộ Quốc phòng), cho biết: Hiện nay, nhà trường chỉ còn đào tạo duy nhất hệ lái xe với các hạng khác nhau. Trong mùa dịch, việc tuyển sinh của trường hết sức khó khăn, có khóa không tuyển được học viên, dù đã tìm nhiều hình thức tư vấn mới, đi tuyển sinh bằng nhiều hình thức từ trực tiếp đến trực tuyến.

Theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Sang, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội, hiện nay, việc tuyển sinh phải thực hiện trực tuyến, nhưng phụ huynh và thí sinh không mấy quan tâm đến giáo dục nghề nghiệp. Thời điểm này, đa số học sinh cuối cấp đang chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT.

Sinh viên Trường cao đẳng Bách Khoa Sài Gòn trong giờ học thực hành trong thời điểm chưa xảy ra dịch COVID-19 - ẢNH: THANH THANH
Sinh viên Trường cao đẳng Bách Khoa Sài Gòn trong giờ học thực hành trong thời điểm chưa xảy ra dịch COVID-19 - ẢNH: THANH THANH

Tại TP.HCM, nhiều trường cao đẳng, trung cấp cũng trong tình cảnh không khá hơn. Như Trường cao đẳng Bách Khoa Sài Gòn (Q.Gò Vấp) tới thời điểm này, thí sinh vẫn chỉ đang trong quá trình đăng ký chứ chưa xác nhận nhập học. Số lượng thí sinh cũng ít hơn so với những năm trước. Dù theo tiến sĩ Hoàng Văn Phúc, Hiệu trưởng nhà trường, suốt mùa tuyển sinh, các thầy cô tăng cường tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THPT và cả THCS hiểu học nghề chỉ cần thời gian ngắn, thực hành nhiều, thạo việc nên có lợi thế cạnh tranh trong thị trường lao động. Cơ hội học lên đại học cũng dễ 
dàng hơn. 

Tiến sĩ Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Đại Việt Sài Gòn (Q.Phú Nhuận), thừa nhận: Tình hình tuyển sinh năm nay với các trường cao đẳng rất khó khăn bởi trường đại học có quá nhiều phương thức xét tuyển và điều kiện cũng không cao. Hầu như thí sinh đã nộp đơn xét tuyển vào đại học thì rất khó trượt. Trường đang có khoảng 400 học sinh đăng ký giữ chỗ, nhưng việc có xác nhận nhập học hay không thì “hãy đợi đấy”.

Tiến sĩ Trần Kim Tuyền, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề TP.HCM, cho biết: “Các năm, chúng tôi đến tận các trường THPT, THCS tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho phụ huynh và thí sinh. Nhưng từ đầu năm đến nay, trải qua hai đợt dịch nên phải lập tức thay đổi cách tiếp cận thí sinh. Trường sử dụng các nền tảng trực tuyến tổ chức livestream để trao đổi, tư vấn cho thí sinh; bố trí cán bộ tuyển sinh trực hotline để giải đáp thông tin; kết nối các trang web, fanpage của các trường THPT, THCS nhằm chia sẻ dữ liệu, thông tin về lợi ích khi học nghề...”.

Dạy thực hành chững lại vì dịch

Trong thiết kế chương trình đào tạo, giáo dục nghề nghiệp thường có khoảng 70% nội dung thực hành. Thế nhưng, hai năm nay, nhiều đợt dịch bùng phát khiến việc dạy thực hành cứ trồi sụt, có nhiều hình thức thay thế cũng không mang lại hiệu quả. Tiến sĩ Trần Kim Tuyền khẳng định: “Mục tiêu của học nghề chính là thực hành, muốn có kỹ năng giỏi bắt buộc phải thực hành nhiều. Những lớp học thực hành theo dạng mô phỏng chỉ hiệu quả với một số ngành nghề như kế toán, công nghệ thông tin… còn những ngành nghề thuộc về kỹ thuật thì không thể. Ví dụ, lớp hàn ảo cũng chỉ là cho sinh viên hình dung về lý thuyết thực hành, trong khi người học phải được trực tiếp thao tác, điều kiển máy móc mới được”. 

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Sang nói: “Trước đây, trường cũng chuyển sang dạy online nên xây dựng video cho các chuyên ngành, thiết bị mô phỏng liên quan đến hướng dẫn kỹ năng thực hành nghề… nhưng giờ phải dừng vì dù gì cách đó cũng là lý thuyết thực hành”. Do đó, hiện nay, trường phải cho sinh viên nghỉ hè dù chương trình chưa kết thúc và thực tế nhà trường cũng không đủ nguồn lực đầu tư dạy trực tuyến những môn thực hành chuyên sâu về sửa chữa ô tô, sửa chữa thiết bị điện, hay pha chế đồ uống... Trường phải mua các thiết bị mô phỏng với giá rất cao, chi các khoản sản xuất video, giáo cụ... mà sinh viên học cũng không hiệu quả.

Học sinh lớp 9 tìm hiểu ngành học tại Trường cao đẳng Quốc tế TPHCM
Học sinh lớp 9 tìm hiểu ngành học tại Trường cao đẳng Quốc tế TPHCM

Theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Sang, trước kia trường ký kết hợp tác với doanh nghiệp nên sinh viên vừa thực hành ở trường, vừa có tiết thực hành tại doanh nghiệp. Giờ doanh nghiệp nào cũng khó khăn, cắt giảm nhân công thậm chí phá sản như khối du lịch, dịch vụ nên khó khăn chồng chất khó khăn. Nếu dịch bệnh kéo dài thì việc học nghề của sinh viên trường nghề cũng theo đó mà chững lại.

Còn Trường cao đẳng Bách Khoa Sài Gòn buộc phải chuyển sang đào tạo trực tuyến 100% vì trường nằm ở Q.Gò Vấp, nơi cách ly theo Chỉ thị 16.  Các môn thực hành cũng dạy trực tuyến theo mô hình mô phỏng, cho sinh viên làm tiểu luận ở nhà, thuyết trình online. Tuy nhiên, trường cũng dành 1/2 thời lượng thực hành để khi hoạt động lại cho sinh viên thực hành, sau đó thi, đánh giá lại. Còn thực hành tại doanh nghiệp cũng phải tạm dừng, sau đó sẽ có kỳ thực hành tập trung toàn thời gian tại doanh nghiệp trong khoảng thời gian nhất định. 

Theo đại tá Nguyễn Trọng Chiêu, việc dạy thực hành với học viên trong mùa dịch tốn thời gian và công sức hơn nhưng hiệu quả không như mong đợi. Thí dụ, nghề lái xe không thể dạy trực tuyến. Vì thế, sau khi hết giãn cách xã hội, trường vẫn tổ chức các lớp thực hành tuân thủ các quy định của Bộ Y tế. 

Đại dịch đã đẩy các trường trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp đứng trước vô vàn khó khăn, nhất là khâu đào tạo thực hành, buộc phải tạm dừng chờ dịch bệnh qua đi, dễ khiến người học chán nản. 

Dương Bình - Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI